Người công bố thông tin giá sữa tại Việt Nam đắt nhất thế giới:
Giám sát chặt chất lượng sẽ hạ được giá
Ông Raf Somers, Cố vấn trưởng Dự án Bò sữa Việt- Bỉ là người đầu tiên đưa ra chuỗi số liệu chứng minh giá sữa tại Việt Nam cao nhất thế giới. Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông về vấn đề đang được nhiều người tiêu dùng quan tâm này.
Có phần lỗi của người tiêu dùng
Cơ sở nào để ông nhận định giá sữa Việt Nam cao nhất thế giới?
Thực ra, giá sữa tại Việt Nam nằm trong số những nước cao nhất thế giới. Số liệu tôi có được minh chứng giá sữa tại Việt Nam bằng với những nước phát triển như Mỹ, Canada, Thụy Điển, Hàn Quốc…, là 1,4 USD/lít.
Số liệu này được đưa ra dựa trên công bố của Euromonitor, một tổ chức chuyên thu thập và phân tích số liệu về giá sữa và nhiều sản phẩm khác.
Ngoài ra, tôi cũng lấy số liệu từ Jaccar, một tổ chức tài chính quốc tế đang sở hữu một quỹ đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, công bố của tôi là giá sữa nước. Còn sữa bột thì chưa có một khảo sát cụ thể nào.
Về sữa bột, Tiền Phong là tờ báo đầu tiên đưa ra số liệu về chênh lệch giá giữa Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan.
Sau đó, khảo sát của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, có những loại sữa bột giá tại Việt Nam cao gấp đôi Malaysia. Ông nghĩ sao về thực tế này?
Nguyên nhân một phần cũng do người tiêu dùng Việt Nam. Họ luôn có suy nghĩ giá cao thì chất lượng sẽ tốt. Người tiêu dùng đổ xô vào mua những mặt hàng giá cao khiến các mặt hàng giá thấp cũng được đà tăng theo. Thực tế, người tiêu dùng Việt Nam hoàn toàn có quyền lựa chọn bởi trên thị trường sẵn có những sản phẩm giá thành thấp hơn mà vẫn có chất lượng tốt.
Ông nghĩ sao khi người Việt Nam còn nghèo mà phải chịu đựng giá sữa cao ngất ngưởng như vậy?
Tôi khẳng định sữa mẹ là tốt nhất. Tôi không hiểu vì sao người Việt Nam lại cứ chạy theo sữa bột như vậy. Thay vì để các hãng sữa đua nhau quảng cáo,
Chính phủ nên phát động một chiến dịch quảng bá nuôi con bằng sữa mẹ. Các chiến dịch quảng cáo nên giải thích tầm quan trọng của việc cho trẻ bú sữa mẹ. Có thể kết hợp với các chiến dịch khác để khuyến khích dinh dưỡng phù hợp, vì số trẻ béo phì đang gia tăng tại các thành phố.
Vậy theo ông Chính phủ cần kiểm soát ra sao đối với việc quảng cáo sữa hiện nay?
Tôi không phải là người đầu tiên cho rằng, cần có một cơ quan kiểm soát tình hình quảng cáo sữa hiện nay. Các hãng sữa thi nhau quảng cáo trên tivi là uống sữa của họ con bạn sẽ “cao hơn, thông minh hơn”. Nhưng điều quan trọng là họ so sánh với cái gì.
So sánh với trẻ không uống sữa à? Nếu so sánh với trẻ không uống sữa thì có thể đúng. Còn so sánh với trẻ bú sữa mẹ thì không chính xác. Rõ ràng, quảng cáo đang gây cho người tiêu dùng hiểu nhầm.
Ngoài quảng cáo, theo ông có hay không việc liên kết độc quyền của những hãng sữa ngoại tại thị trường Việt Nam, bởi giá nguyên liệu thế giới giảm mạnh trong khi giá sữa tại Việt Nam từ năm 2007 đến nay liên tục tăng?
Nói một số tập đoàn lớn liên kết với nhau giữ vị trí độc quyền thì không hẳn như vậy. Bởi có rất nhiều nhãn hiệu sữa có các mức giá cao, trung bình và thấp. Người tiêu dùng có quyền quyết định cuối cùng là mua sản phẩm nào.
Cần cơ quan kiểm định độc lập
Vậy theo ông, có cách nào để bình ổn thị trường sữa tại Việt Nam?
Điều quan trọng hiện nay là phải có một cơ quan kiểm định độc lập tiến hành nghiên cứu và đưa ra thông báo rõ sữa nào chất lượng tốt. Nhiều người nghĩ rằng, chỉ sữa bột nhãn hiệu nước ngoài mới là sản phẩm nhập khẩu.Thực tế, sữa bột trong nước thì nguyên liệu cũng được nhập ngoại. Khác biệt chỉ là một loại đóng gói ở nước ngoài, một loại đóng gói tại Việt Nam.
Nếu người tiêu dùng biết được rằng, chất lượng, giá trị dinh dưỡng của sữa ngoại và sữa nội của các công ty lớn, có thương hiệu, là tương đồng, trong khi giá của chúng chênh lệnh rất nhiều thì họ sẽ chọn loại rẻ hơn. Đáng tiếc là hiện không có một cơ quan nào đưa ra kết luận này.
Ông có nghĩ những phản ứng vừa qua của các cơ quan quản lý Việt Nam là quá chậm để bình ổn thị trường?
Các cơ quan tại Việt Nam đang tập trung lo quản lý giá trực tiếp trên thị trường - một điều vô cùng khó. Điều quan trọng hơn là quản lý về chất lượng, và công tác dán nhãn hàng hóa thì chưa làm tốt.
Do vậy, tôi nhấn mạnh lại, cần có một cơ quan độc lập kiểm tra chất lượng sữa và công bố chất lượng đó đến người tiêu dùng. Nếu có cơ quan như vậy, người tiêu dùng sẽ biết sữa nào tốt để mua. Khi chất lượng sữa được công khai thì mặt bằng giá sẽ bình ổn được.
Còn hiện nay, người tiêu dùng không có thông tin, không biết dựa vào đâu. Đặc biệt sau cơn bão melamine trong sữa, một số sản phẩm sữa giá rẻ không thể tiêu thụ được.
Những sản phẩm giá đã cao rồi lại tăng cao thêm mà người tiêu dùng vẫn chấp nhận. Nắm được xu thế này, một số loại sữa giá rẻ lập tức tăng giá bán gấp đôi và, quả thật, khi tăng giá thì sản phẩm tiêu thụ được. Đây là điều hết sức vô lý.
Tôi đọc báo, thấy một số đề nghị Chính phủ phải ép các hãng sữa hạ giá xuống. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Còn lâu dài phải quản lý về chất lượng và cạnh tranh.
Vậy vai trò cụ thể ở đây là của bộ nào, thưa ông?
Các bộ phải phối hợp chặt chẽ với nhau để kiểm soát về chất lượng cũng như việc dán nhãn hàng hóa, từ đó có thể kiểm soát được giá sữa.
Là người nhiều năm ở VN, ông đánh giá ra sao về cơ hội của ngành sữa Việt Nam nói chung và ngành chăn nuôi bò sữa nói riêng?
Cơ hội rất lớn. Chi phí sản xuất sữa tại Việt Nam hiện rất cạnh tranh. Các chiến dịch quảng bá của các công ty sữa trong nước cũng rất tốt. Tuy nhiên, chỉ khi các công ty trong nước mở rộng được sản xuất kinh doanh thì ngành chăn nuôi bò sữa mới phát triển mạnh được.
Cảm ơn ông.
Ông Raf Somers sống và làm việc tại Việt Nam đã tám năm. Đầu năm 2005, ông làm việc cho Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Bỉ (BTC) với vai trò Cố vấn trưởng Dự án Bò sữa Việt- Bỉ.
Ông là đồng sáng lập viên của Dairy Vietnam, một tổ chức kết nối tất cả các bên liên quan trong ngành sữa và khuyến khích sản xuất sữa an toàn, có lãi. Ông Raf Somers lấy vợ Việt Nam, hiện có hai con gái.
Dự án Bò sữa Việt- Bỉ có mục tiêu tăng lợi nhuận của hoạt động chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam. Trong lĩnh vực thu mua sữa tươi nguyên liệu, dự án phối hợp với các công ty sữa xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng công bằng, minh bạch, nông dân được thanh toán theo chất lượng sữa từng hộ.
Hà Nhân
Tiền Phong
|