Gia tăng báo động về an ninh lương thực
Sau khi Liên hợp quốc cho biết, năm nay hơn 1 tỷ người trên thế giới thiếu đói, các cơ quan quốc tế đặc trách về lương thực lại vừa cảnh báo, suy thoái kinh tế đang làm tiêu tan nỗ lực đẩy lùi nạn đói. Trong khi đó, giá lương thực vẫn tăng mạnh và viện trợ lương thực thì chậm trễ.
Cơ quan đặc trách vấn đề lương thực của Liên hợp quốc gồm: Tổ chức nông lương LHQ (FAO), Chương trình lương thực thế giới (WFP) và Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế cho rằng, khủng hoảng tài chính hiện là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng số người nghèo đói không ngừng gia tăng.
Giá thực phẩm ngoài tầm tay
Trong báo cáo mới nhất, FAO ghi nhận một nghịch lý là trong vụ mùa 2008, sản lượng lương thực thế giới được coi là bội thu, song giá lương thực không giảm. So với mùa xuân năm 2008, thời gian xảy ra nhiều biến động liên quan tới tình trạng thiếu lương thực, giờ đây người ta không còn nói đến các “cơn sốt” lương thực, thực phẩm. Thế nhưng, giá lương thực vẫn tăng và so với thời giá năm 2006, giá 1 tấn lúa mì hiện nay đã cao hơn đến 24%.
Trong khoảng 1 tỷ người trên thế giới đang bị đói gần 2/3 sống ở vùng châu Á-Thái Bình Dương với 642 triệu. Tiểu sa mạc Sahara, châu Phi có số người đói lớn thứ nhì, là 265 triệu. Còn trong các nước phát triển, chỉ có 15 triệu người bị đói.
Hội nghị về Thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) mới đây cho rằng, khoảng 1/3 dân số của châu lục này, thường xuyên bị thiếu ăn. Giá lương thực hiện vẫn cao hơn so với trước khi xảy ra khủng hoảng lương thực, trong khi các nước châu Phi đang phải nhập khoảng 25% nhu cầu lương thực của mình. Theo UNCTAD, khả năng lặp lại khủng hoảng lương thực như năm 2008 ở châu Phi là rất cao.
Giám đốc FAO, ông Jacques Diouf mới đây cho rằng: "cuộc khủng hoảng thiếu ăn, âm thầm không tạo ra hàng tít lớn trên báo chí, hiện đang tác động một phần sáu nhân loại. Nó gây ra đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới".
Nạn đói không phải là định mệnh
Một nghịch lý là có đến 1/3 nông dân trên trái đất phải mua nông phẩm để bảo đảm ngày hai bữa cho gia đình. Nói cách khác, số này là những người “trồng nên cây lúa nhưng lại không đủ gạo để nuôi thân”. Đó là chưa kể, đến nay, trên tổng số 1,3 tỷ nông dân, vẫn còn có đến hơn 1 tỷ người chỉ có thể trông cậy vào hai bàn tay để trồng nên lúa gạo, ngũ cốc... Chỉ có khoảng 280 triệu nông dân trên thế giới có thể sử dụng máy cày để nâng cao năng suất.
Trong khi đó, việc thực hiện cam kết viện trợ nông nghiệp, lương thực giúp các nước nghèo của các nước giàu rất chậm trễ. Đầu tháng 7 vừa qua, Chương trình lương thực thế giới (WFP) đã buộc phải thu hẹp hoạt động cứu trợ ở Triều Tiên do thiếu hụt nghiêm trọng nguồn tài chính. Phó Giám đốc điều hành WFP, Amir Abdulla, cho biết, đến nay mới chỉ nhận được 75 triệu USD trong tổng số 504 triệu USD cần thiết để thực hiện chương trình cứu trợ ở Triều Tiên.
Tháng 6/2008, tại Hội nghị cấp cao về an ninh lương thực thế giớiở Italy, hơn 40 nguyên thủ quốc gia đã công nhận đây là một vấn đề “khẩn cấp” và cam kết tài trợ trong vòng 5 năm 22 tỷ USD để khắc phục tình hình. Hơn một năm sau, thực tế cho thấy mới chỉ có 2,5 tỷ USD trong số tiền cam kết nói trên được giải ngân.
Hội nghị đã coi việc phát triển nông nghiệp, hỗ trợ nông dân là “ưu tiên hàng đầu” và đề ra mục tiêu giảm 50% số người bị đói từ nay đến năm 2015. Tuy nhiên, đến nay các quốc gia thành viên Liên hợp quốc vẫn chưa tìm được đồng thuận trên rất nhiều vấn đề then chốt.
Theo FAO, tiềm năng phát triển nông nghiệp của thế giới còn rất lớn. Chỉ riêng châu Phi, có thể khai thác thêm được đến 400 triệu ha đất canh tác. FAO liên tục kêu gọi cộng đồng quốc tế cải thiện hạ tầng cơ sở để giúp nông nghiệp phát triển mạnh hơn.
Các chuyên gia của FAO cho rằng: “Nạn đói không phải là một “định mệnh”. Chỉ cần 1% số tiền các nước phát triển bỏ ra để cứu hệ thống ngân hàng cũng đã đủ để giải quyết vấn đề lương thực cho toàn nhân loại.
Trung Việt
TBKTVN
|