Đề xuất 3 phương án bình ổn giá xăng dầu trong nước
Sáng 29.7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài Chính tổ chức Hội thảo về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết: Mục đích của Hội thảo là hướng tới sự bình ổn giá, ngăn ngừa tác động tự phát của giá thị trường thế giới vào hệ thống giá trong nước, đẩy giá trong nước lên quá cao hoặc giảm quá thấp không hợp lý; khuyến khích cạnh tranh về giá.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan sẽ đảm bảo vai trò quản lý nhà nước về giá hướng vào việc khắc phục tình trạng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nâng cao hiệu quả của nền sản xuất xã hội.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, nguyên tắc điều hành giá sẽ được thực hiện cơ chế giá thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước; đảm bảo để giá bán lẻ xăng dầu thể hiện đầy đủ giá trị theo nguyên tắc thị trường chấp nhận "có lên, có xuống" theo tín hiệu của thị trường thế giới; Nhà nước can thiệp vào giá thị trường chủ yếu bằng môi trường pháp lý, chỉ can thiệp trực tiếp bằng những biện pháp thích hợp và được công bố công khai khi giá tăng quá cao không hợp lý hoặc khi có những biến động bất thường.
Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được quyền quy định giá bán xăng dầu trên cơ sở các nguyên tắc, phương pháp tính giá, cơ chế kiểm soát giá và các biện pháp bình ổn giá do Nhà nước qui định.
Mặt khác, Bộ sẽ lấy giá xăng dầu thế giới bình quân trong một thời gian nhất định, trước thời điểm xác định giá để tính giá bán lẻ trong nước; không làm triệt tiêu động lực của các doanh nghiệp trong thực tế lựa chọn được nơi bán hàng, thời điểm mua hàng, phương thức mua hàng với giá có lợi nhất để đạt hiệu quả trong kinh doanh.
Kiến nghị về cơ chế điều hành giá xăng, dầu, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trần Văn Hiếu cho rằng: Việt Nam đã bước đầu thực hiện cơ chế giá thị trường đối với xăng, dầu nhưng thị trường có sự điều tiết của Nhà nước nên chưa thể áp dụng cơ chế giá để thị trường lên xuống hàng ngày như các nước. Vì vậy, Thứ trưởng đã đề xuất 3 phương án điều hành giá xăng dầu.
Theo đó, phương án 1 là thông qua nguyên tắc điều hành giá xăng, dầu các thương nhân đầu mối phải tham gia bình ổn giá ngay từ trước khi điều chỉnh giá. Nhà nước chỉ can thiệp trong trường hợp giá biến động bất thường.
Phương án 2 là thông qua nguyên tắc điều hành giá xăng, dầu, các thương nhân đầu mối được điều chỉnh giá theo thị trường trong phạm vi đến 10%, trên mức này thương nhân được phép điều chỉnh có mức độ, phần giá vốn biến động còn lại sẽ xử lý thông qua Quỹ bình ổn giá. Nhà nước can thiệp trong trường hợp giá biến động bất thường; tạo khả năng cân bằng tài chính trong hoạt động của doanh nghiệp.
Phương án 3 là các thương nhân đầu mối được điều chỉnh giá theo thị trường trong phạm vi đến 7%, trên mức này thương nhân được phép điều chỉnh có mức độ, phần giá vốn biến động còn lại sẽ xử lý thông qua Quỹ bình ổn giá. Nhà nước can thiệp trong trường hợp giá biến động bất thường; tạo khả năng cân bằng tài chính trong hoạt động của doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đều nhất trí việc tìm ra phương án điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước một cách hữu hiệu trong bối cảnh nhiều vấn đề đang phải hoàn thiện như: pháp lý, thể chế thị trường, tổ chức kinh doanh và đất nước phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu mà giá xăng dầu trên thị trường thế giới luôn tiềm ẩn những tác động những bất ổn tác động của những nhân tố cung-cầu, các yếu tố địa-chính trị là công việc khó khăn và phức tạp.
Mặc dù cả 3 phương án trên đều có những ưu và nhược điểm, nhưng các chuyên gia khẳng định những phương án này đều khả thi và phù hợp trong tình hình quản lý hiện nay.
TTXVN
|