Đẩy nhanh cổ phần hóa ngân hàng
Đối với sàn chứng khoán chính thức, ngân hàng nào đủ điều kiện mới có thể tham gia, nhưng với sàn UpCom, các ngân hàng nên tự nguyện tham gia. Vào sàn, với quy định công bố thông tin, giao dịch cổ phiếu sẽ tương đối minh bạch, không bị thao túng như ở thị trường OTC.
Lên sàn tìm cơ hội
Việc niêm yết cổ phiếu ngân hàng trên sàn chứng khoán là phù hợp đối với nhu cầu thay đổi cấu trúc về vốn chủ sở hữu và lộ trình tăng vốn của các ngân hàng thương mại hiện nay. Các nhà đầu tư cũng có được kênh tham khảo thông tin, dễ dàng tiếp cận hoạt động ngân hàng để quyết định đầu tư.
Thực tế, nhiều ngân hàng cho rằng thị trường chứng khoán chưa tăng trưởng vững chắc nên chưa muốn lên sàn. Nhưng rất khó biết khi nào thị trường tăng trưởng vững chắc. Và nếu cứ chờ đợi, ngân hàng sẽ bỏ qua nhiều cơ hội trong kinh doanh.
Từ nay đến cuối năm các ngân hàng cần khẩn trương rà soát lại toàn bộ các tiêu chí để lựa chọn lên sàn chính thức hoặc lên sàn UpCom. Đồng thời các ngân hàng cần cân nhắc giữa việc phải có cổ đông chiến lược nước ngoài trước hay sau khi lên sàn.
Thực tế tìm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hiện nay rất khó. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, nhiều ngân hàng nước ngoài lớn thua lỗ, mất vốn nặng nề, không đủ tiêu chuẩn để trở thành cổ đông chiến lược theo tiêu chuẩn do ngân hàng Nhà nướcViệt Nam quy định, như cân đối tổng tài sản, hoạt động các năm liền kề không lỗ...
Lộ trình đưa cổ phiếu ngân hàng lên sàn chứng khoán ở mỗi quốc gia có sự khác biệt. Chẳng hạn, với CHLB Đức mãi đến năm 1978 chỉ mới có 7 ngân hàng niêm yết chính thức, còn lại vẫn là ngân hàng đại chúng chưa niêm yết. Trung Quốc cơ cấu các ngân hàng quốc doanh trở thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên, sau đó cổ phần hoá rồi mới đưa lên sàn chứng khoán. Trung Quốc tiến hành bán cổ phần ra đại chúng với tỷ lệ rất lớn, chỉ giữ lại vài chục phần trăm cổ phần của Chính phủ.
Ở nhiều nước khác, ngân hàng thương mại cổ phần phần lớn là ngân hàng tư nhân, việc có lên sàn niêm yết hay không là do Hội đồng quản trị ở đó tự quyết định. Đơn cử Hoa Kỳ, có 6000- 7000 ngân hàng nhưng không phải ngân hàng nào cũng lên sàn. Vài ba năm gần đây, số lượng ngân hàng Hoa Kỳ lên sàn khá lớn là do phong trào biến ngân hàng thương mại trở thành ngân hàng đa năng. Ngân hàng nào muốn mở chi nhánh ở các tiểu bang khác thì buộc phải niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Lên sàn để tạo thế cho thị trường
Riêng ở nước ta, ngân hàng quốc doanh cổ phần hoá từng phần và niêm yết một phần nhỏ cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Kế hoạch này diễn ra khá chậm chạp. Điều quan trọng hiện nay, theo tôi, là phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá các ngân hàng quốc doanh và tiến hành niêm yết cổ phiếu. Cổ phiếu ngân hàng sẽ tạo lập khung vững chắc và là trụ cột của thị trường chứng khoán. Cổ phiếu ngân hàng sẽ dẫn dắt thị trường, vì đây là loại cổ phiếu ổn định, ít biến động và rủi ro thấp.
Đưa ra chính sách giảm thuế hay miễn thuế để khuyến khích ngân hàng niêm yết thì sẽ không công bằng, trở thành một tiền lệ không tốt. Để đẩy nhanh lộ trình niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng, nên khẳng định hướng lên sàn là có lợi cho các ngân hàng về dài hạn. Các nhà đầu tư và người gửi tiền cũng tin cậy hơn. Đây là yếu tố quyết định thành bại của một ngân hàng trong việc huy động vốn, tăng vốn điều lệ và tăng thương hiệu, uy tín cho ngân hàng.
Điều này cũng thúc đẩy hoạt động ngân hàng thương mại tuân thủ các nguyên tắc, nâng cao tính minh bạch, là chuẩn mực của cung cách quản trị hiện đại, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Khi lên sàn chứng khoán, việc tìm kiếm cổ đông chiến lược cho ngân hàng trong tương lai cũng dễ dàng hơn, do các cổ đông chiến lược nước ngoài nhìn nhận hiệu quả hoạt động được kiểm toán cẩn thận, được cổ đông tin tưởng./
TS. Lê Xuân Nghĩa
Tổ Quốc
|