“Đại gia” cho vay của Mỹ cận kề nguy cơ phá sản
CIT Group Inc., công ty cho vay thương mại hàng đầu của Mỹ, có nguy cơ phá sản trước khả năng Chính phủ nước này từ chối giải cứu.
Nếu CIT đổ vỡ, vụ phá sản này sẽ được liệt vào danh sách những vụ đổ vỡ lớn nhất trong ngành tài chính Mỹ trong cuộc khủng hoảng này, cùng với các vụ lâm nạn của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers hay ngân hàng tiết kiệm Washington Mutual.
CIT cũng là định chế tài chính đầu tiên từng nhận vốn cứu trợ của Chính phủ Mỹ nhưng rốt cục vẫn bị đẩy tới bờ vực phá sản.
Thành lập cách đây 101 năm, CIT từng một thời là công ty cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) lớn nhất ở Mỹ. Khách hàng của công ty này lên tới con số hơn 1 triệu, trong đó có trên 300.000 nhà bán lẻ. Tính tới cuối tháng 3 vừa qua, CIT có 4.800 nhân viên. Ở thời điểm cuối năm ngoái, CIT có tổng tài sản trị giá 80,4 tỷ USD, trong đó 2/3 là các khoản cho vay.
Khủng hoảng tài chính và suy thoái đã khiến CIT trải qua 8 quý ròng liên tục thua lỗ, với tổng mức lỗ 3,4 tỷ USD. Hiện tại, kết quả kinh doanh quý 2 vừa qua của CIT chưa được công bố, nhưng giới quan sát dự báo quý vừa qua, CIT lỗ khoảng 350 triệu USD và sẽ còn thua lỗ đến hết năm nay do những khoản cho vay doanh nghiệp và cho vay tiêu dùng nhiều rủi ro.
Trong nhiều tuần trở lại đây, ban lãnh đạo của CIT ở trong trạng thái lo “ngay ngáy” về nguy cơ các nhà kiểm toán sẽ đưa ra đánh giá đáng ngại về nguồn vốn của công ty. Lãnh đạo CIT nuôi hy vọng Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) sẽ cho phép tiếp cận với chương trình bảo lãnh nợ. Tuy nhiên, FDIC cho rằng, những vấn đề ở CIT đã là quá nghiêm trọng và từ chối đề nghị trên.
Từ cuối tuần trước, áp lực tài chính đè nặng lên CIT gia tăng do nhiều khách hàng của công ty tiến hành vay cạn hạn ngạch tín dụng của họ vì nghe tin đồn CIT có thể phá sản. Không chỉ đã cạn tiền mặt, CIT còn đối mặt với nghĩa vụ thanh toán 1 tỷ USD trái phiếu đáo hạn vào tháng tới.
Tình hình này khiến các nhà chức trách Mỹ lo ngại và tính tới một kế hoạch giải cứu nữa cho CIT. Tháng 12 năm ngoái, CIT đã được bơm 2,33 tỷ USD vốn cứu trợ khẩn cấp từ chương trình giải cứu 700 tỷ USD của Chính phủ Mỹ và tới nay vẫn chưa hoàn trả.
Tuy nhiên, sau cuộc họp diễn ra vào ngày 15/7 với Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang (FED), CIT cho biết, các nhà chức trách khó tung vốn cứu trợ lần nữa cho họ. "Ít có khả năng Chính phủ sẽ hỗ trợ thêm vốn cho chúng tôi", tuyên bố của CIT cho hay.
Giới phân tích nhận định, việc các cơ quan chức năng của Mỹ từ chối CIT bắt nguồn từ quan điểm rằng, CIT không phải là một tập đoàn “quá lớn để đổ vỡ” (“too big to fail”), mặc dù nếu CIT phá sản đây có thể là vụ đổ vỡ lớn nhất trong ngành tài chính Mỹ kể từ sau vụ Lehman Brothers vào tháng 9/2008.
Thêm vào đó, các nhà chức trách cũng lo ngại có rót thêm tiền thuế cho CIT thì công ty này cũng khó tránh khỏi sự đổ vỡ.
Hiện CIT chỉ còn trông chờ vào khả năng tìm được khách mua lại, mặc dù khả năng này là rất mong manh. Nếu thất bại trong việc tìm khách mua, việc CIT nộp đơn xin bảo hộ phá sản được dự báo là sẽ diễn ra trong ngày một ngày hai.
Với vai trò lớn của CIT trong việc cung cấp vốn cho các SME, tình hình của công ty này đã được báo cáo lên Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp giữa ông Obama với các cố vấn kinh tế của ông vào sáng ngày 15/7. Vào buổi chiều cùng ngày, cổ phiếu của CIT đã bị ngừng giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng, nếu CIT phá sản, vụ phá sản này sẽ tạo ra một đường kẻ rạch ròi trong ngành tài chính Mỹ. Một bên của đường kẻ đó sẽ là những nhà băng mà Chính phủ nước này xem là “quá lớn để đổ vỡ”, còn bên kia là những định chế nhỏ hơn bị Chính phủ khước từ giúp đỡ khi cần.
Mai Phương (Theo New York Times, Bloomberg)
TBKTVN
|