Ngày 9.7, Vietcombank áp dụng mức tỉ giá đồng nhất cho cả ba giao dịch mua - bán - chuyển khoản là 17.805 VND/USD.
Đây cũng là mức cao nhất mà NH này áp dụng kể từ ngày 31.3 tới nay. Chính sách một giá này cũng đã được NH này áp dụng được gần một tháng trở lại đây khi cung-cầu USD trên thị trường có biểu hiện căng thẳng. Điều này đã dẫn tới những lo ngại về mức trượt giá của đồng VN có thể tăng thêm so với những dự đoán trước đó. Hiện đã có một số ý kiến cho rằng, VND nên được tiếp tục phá giá một cách có kiểm soát.
Cung - cầu ngoại tệ vẫn căng thẳng
Trả lời báo chí ngày 9.7 về tình hình cung-cầu ngoại USD trên thị trường, ông Nguyễn Quang Huy-vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) thừa nhận tình trạng căng thẳng trên thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải xuất phát từ yếu tố kinh tế vĩ mô và bắt nguồn từ việc găm giữ của các DN. Thêm vào đó là yếu tố đầu cơ trên những tin đồn thất thiệt để kiếm lời.
Vụ trưởng - Vụ Quản lý ngoại hối cũng thừa nhận đang thiếu USD trên hệ thống NH (tồn tại từ mấy tháng nay) dù cầu không quá lớn, nhưng các NH không có đủ USD để bán cho DN, mặc dù nhập siêu trong 6 tháng đầu năm nay chỉ bằng 14,7% so với cùng kỳ năm trước là 2,1 tỉ USD.
Khi chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng căng thẳng USD trên thị trường, đại diện NHNN cho rằng, trong đó có nguyên nhân là tác động của chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các DN vay bằng VND. Do lãi suất vay bằng VND thấp, phạm vi và thời gian cho vay được mở rộng theo chủ trương kích cầu của Chính phủ, vì vậy đã có một số DN có ngoại tệ có xu hướng không muốn bán ngoại tệ ra và chỉ muốn vay bằng VND. Đây có thể là một tác động thiếu tích cực, không mong muốn khi triển khai gói kích cầu.
Tuy nhiên, xét về mặt lợi ích, các DN sẽ tìm cách hoặc lựa chọn những biện pháp tiếp cận vốn có lợi cho mình nhất khi có thể vay vốn giá rẻ từ chính sách hỗ trợ lãi suất và trong thời gian chính sách này chưa hết thời hạn.
Thực tế là DN đã chấp nhận nắm giữ USD trong bối cảnh có thể phải chấp nhận giam vốn khi lãi suất huy động USD trên hệ thống NH hiện đã xuống mức rất thấp, dưới 1,5%/năm. Điều này cho thấy, DN vẫn lo ngại tình trạng biến động tỉ giá trong thời gian tới.
Có ý kiến cho rằng, cung-cầu ngoại tệ chỉ được thay đổi nếu chính sách hỗ trợ lãi suất đến hạn và giá vốn VND bị đẩy lên cao. Khi đó, DN sẽ phải xem xét tới nguồn vốn USD đang nắm giữ. Hoặc NHNN có chính sách về ngoại tệ và bình ổn tâm lý thị trường.
Các biện pháp mà NHNN đã và đang áp dụng đối với thị trường ngoại hối hiện nay là: tăng cường chấn chỉnh hoạt động mua-bán ngoại tệ (cả trên thị trường chính thức và phi chính thức); tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động mua-bán ngoại tệ của các NHTM, xử lý nghiêm các trường hợp mua-bán ngoài biên độ; áp dụng biện pháp chống găm giữ ngoại tệ một cách hợp lý kết hợp tăng cường công tác tuyên truyền giải thích để hạn chế tâm lý găm giữ ngoại tệ...
DN nên làm gì?
Khi DN nhập khẩu hàng hóa bằng ngoại tệ, nếu vay ngoại tệ (thường là theo lãi suất thả nổi) trong khi thu lại là VND thì rủi ro lớn do biến động giá là rất lớn và sẽ tác động tới doanh thu, chưa kể tới những khoản vay ngoại tệ dài hạn từ 5-10 năm cho những dự án lớn.
Theo khuyến nghị của một số chuyên gia trong lĩnh vực NH, các DN có thể sử dụng các công cụ phái sinh tỉ giá ngoại tệ như một công cụ phòng ngừa rủi ro. Ông Vũ Minh Trường-đại diện ANZ VN cho biết, trước những rủi ro tỉ giá mà biểu hiện rõ nhất là từ đầu năm 2008 tới nay, đã có rất nhiều DN tìm tới công cụ phái sinh tỉ giá thay vì chỉ chú trọng tới hoạt động huy động vốn như trước đây.
Trong 6 tháng đầu năm 2008, số lượng hợp đồng phái sinh tỉ giá tại NH này đã vượt số lượng của cả năm 2008. Tuy nhiên, đây là một công cụ hoàn toàn mới mẻ ở VN và cũng phải chịu không ít rủi ro nên các NH rất "kén" DN và đưa ra nhiều tiêu chí chặt chẽ, trong đó có bắt buộc các DN phải ký kết hiểu biết về sản phẩm này của NH.
Các hợp đồng phái sinh hiện nay chủ yếu được thực hiện với các DNNN có bảo lãnh. Còn đối với các DN VVN thì khả năng được sử dụng công cụ này hạn chế hơn, họ buộc phải ký quỹ theo tỉ lệ nhất định mà NH đưa ra.