Cắt lỗ VCB ở giá nào ?
Sau nhiều ngày chờ đợi, "đại gia" VietcomBank, mã cổ phiếu VCB, cũng đã chính thức niêm yết trên sàn HoSE ngày 30/6 với một phiên chào sàn đầy ấn tượng khi tăng hết biên độ. Dù được dự đoán sẽ tăng liên tục vài phiên sau ngày niêm yết nhưng cũng không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn về khả năng "miễn dịch" của cố phiếu này trong bối cảnh thị trường đang điều chỉnh mạnh như hiện nay.
Thực tế, hai ngày đầu giao dịch của VCB, TTCK mất gần 30 điểm, tương đương 10%. Sức tăng của VCB trong phiên thứ hai cũng đã giảm xuống do chịu ảnh hưởng chung của thị trường. Kết thúc phiên giao dịch, VCB chỉ tăng 500 đồng/cổ phiếu lên mức 60.500 đồng/cổ phiếu.
Băn khoăn "cắt lỗ"
Cho đến thời điểm hiện nay, VCB vẫn chưa có nhà đầu tư nước ngoài làm nhà đầu tư chiến lược. Phần lớn cổ phần của DN này năm trong tay cổ đông nhà nước. Trong tổng số 8.792 cổ đông của VCB thì có đến 8,411 là nhà đầu tư cá nhân, bao gồm hàng ngàn cán bộ công nhân viên VCB. Rất nhiều người trong số họ phải mua cổ phiếu VCB với mức giá trên trời, và gánh nặng từ khoản đầu tư này đã đè nặng lên vai họ từ cuối năm 2007 đến nay. Do đó, nhiều người tỏ ra lo ngại sau những phiên chào sàn tưng bừng sẽ xuất hiện họat động "cắt lỗ" khiến cho giá cổ phiếu này khó tăng tiếp. Nhà đầu tư tên Đỗ Anh Tuấn cho rằng, cho dù lệnh mua VCB rất lớn trong ngày đầu chào sàn nhưng nguồn cung cũng rất lớn. Anh Tuấn khuyến nghị: "Tôi cho rằng nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng vào VCB có thể tạo nên cú hích mạnh mẽ cho thị trường. Và có thể nên cân nhắc "cắt lỗ" ở mức giá từ 66.000 đồng/cổ phiếu trở lên. Việc lên "ngược dòng" như hiện nay là cơ hội để nhà đầu tư cân nhắc những "thực đơn" khác khi VCB quay đầu. Với mức cắt lỗ này cũng vẫn còn chấp nhận được khi một số nhà đầu tư phải cắt lỗ tới hơn 50% như hồi năm 2008". Mặt khác, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không nồng nhiệt săn VCB như hồi xưa, nhất là khi một đại gia VietinBank cũng chuẩn bị cung hàng tràn ngập trên thị trường. STB còn room, SHB... Hơn hết, STB vẫn là kim chỉ báo trên HoSE bất chấp sự ồn ào của VCB.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Thuận - TGĐ CTCP Truyền thông tài chính Stoxplus thì việc cắt lỗ của nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu VCB khó xảy ra. Do mức giá hiện nay chưa đến mức "hỗ trợ" để họ quyết định cắt lỗ, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang có xu hướng hồi phục như hiện nay.
Dù vẫn còn nhiều ý kiến về khả năng "cắt lỗ" ồ ạt của các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn còn nhiều tranh cãi và phải chờ câu trả lời trực tiếp từ thị trường nhưng việc các nhà đầu tư tận dụng được khoản cổ phiếu VCB giá rẻ từ thị trường OTC trong thời gian qua sẽ tranh thủ bán ra khi cổ phiếu này đang trong xu thế tăng giá là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra. Do đó, nhiều khả năng, VCB khó có thể tăng ấn tượng trong liên tục nhiều phiên sau ngày chào sàn như cổ phiếu của Bảo Việt. Bên cạnh đó, tâm lý "sợ lặp" lại của nhà đầu tư vẫn còn đó với ấn tượng sâu sắc về việc thị trường giảm không phanh sau đợt IPO thăng hoa của đại gia này.
Sức hút VCB
Dù chỉ số P/E của VCB hiện nay khá cao so với thị trường, và cả so với các cổ phiếu ngân hàng khác nhưng các nhà đầu tư cũng không vì thế mà ngần ngại trước đại gia này. Bằng chứng là trong ngày đầu chào sàn, hầu hết các nhà đầu tư đều dõi theo diễn biến của cổ phiếu này. Mặt khác, việc một đại gia như VCB còn rộng room cho nhà đầu tư nước ngoài cũng đã tạo ra sức hấp dẫn khó cưỡng. Theo tính toán, giá P/E 2009 của VCB tính theo giá niêm yết 50 ngàn VND vào khoảng 23,8 lần cao hơn với ACB là 14,2 và STB là 19,2. Nhưng với đặc thù họat động của ngành ngân hàng, chỉ số này không gây bận tâm quá nhiều cho nhà đầu tư. Đối với ngành tài chính nói chung và ngành ngân hàng nói riêng, chỉ tiêu lợi nhuận thường dễ bị thay đổi. Theo ông Thuân, P/E không phải là chỉ số quan trọng nhất khi nhà đầu tư nước ngoài quyết định mua VCB. Ngoài các yếu tố về mạng lưới, vị thế về khả năng phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại như thẻ tín dụng, e-banking, thanh toán quốc tế, dịch vụ tài chính cá nhân, quản trị DN và minh bạch tài chính.
Sức mạnh lớn nhất của VCB còn nằm ở vị thế dẫn đầu trong khối ngân hàng thương mại VN. Hiện nay, vốn điều lệ của VietcomBank là 12.101 tỷ đồng, vượt xa các ngân hàng thuộc hàng "khủng" đang niêm yết trên sàn như ACB, STB.... Về hoạt động kinh doanh, tính đến cuối năm 2008, VCB chiếm 11,8 % thị phần huy động tiền gửi và 8,7% thị phần cho vay tại VN, 26,8% thị phần thanh toán xuất khẩu và 19,5% thị phần thanh toán nhập khẩu. Doanh thu từ lãi năm 2008 là 2.366 tỷ. Đặc biệt, năm 2008, số lượng thẻ quốc tế VCB phát hành chiếm 29,1%, phát hành thẻ nội địa chiếm 24% và doanh số thanh toán thể quốc tế của VCB chiếm 59,7% thị phần thẻ trên toàn thị trường. Đến cuối năm 2008, số lượng thẻ do VCB phát hành đã lên đến 3,4 triệu thẻ. Điều này cho thấy doanh thu của VCB được mang đến từ nhiều nguồn chứ không quá phụ thuộc vào hoạt động tín dụng vốn mang lại nhiều rủi ro như các ngân hàng thương mại khác tại VN. Theo số liệu của Cty chứng khoán Âu Việt, kết quả lợi nhuận trước thuế chưa hợp nhất trong 5 tháng đầu năm thì VCB 2.489 tỷ đồng, trong khi ACB chỉ đạt 900 tỷ đồng. Do đó, nếu xét về mặt thu nhập trên mỗi cổ phần trong 5 tháng đầu năm thì VCB tốt hơn ACB, vì vậy nếu định giá dựa trên P/E thị VCB sẽ có giá cao hơn ACB.
Theo ông Thuận: "Với tiềm năng và tính hấp dẫn của VCB trên cả phương diện tài chính lẫn room có thể đầu tư thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng giá VCB sẽ tăng mạnh sau khi niêm yết trước khi nó có thể giảm do động tác cắt lỗ của gần 9 ngàn cổ đông hiện tại. Tuy nhiên, hi vọng, mức mua vào của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đã kịp tái cơ cấu danh mục trong tháng 4, 5 và 6/2009 vừa rồi sẽ tạo ra một lượng cầu tương đối để hấp thụ lại dòng tiền cắt lỗ của VCB khi nó đến giới hạn khoảng 80.000 đồng".
Thủy Nguyên
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|