Bê bối trong xếp hạng tín nhiệm: Hệ quả thị trường độc quyền nhóm
Thời gian qua, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu của Mỹ và của thế giới liên tục chịu nhiều chỉ trích vì đã không cung cấp dịch vụ một cách phù hợp, cụ thể là đã không kịp thời hạ mức xếp hạng cho nhiều loại sản phẩm phái sinh cấu trúc (structured products), trong đó có các sản phẩm phái sinh xuất phát từ các khoản vay có thế chấp. Hệ quả là nhiều tổ chức tài chính đã không kịp thời gia tăng vốn dự trữ cần thiết trong trường hợp các sản phẩm này đột ngột mất giá mạnh do sự đổ vỡ của thị trường nhà và thị trường cho vay thứ cấp.
Tập đoàn Enron đã nộp đơn xin phá sản hồi năm 2001, chỉ bốn ngày sau khi được xếp hạng tín nhiệm ở mức tốt.
Tác hại của những xếp hạng tín nhiệm không phù hợp
Nhiều chuyên gia đã chỉ trích rằng các sản phẩm phái sinh cấu trúc được tạo ra dựa trên những khoản nợ chỉ xếp hạng BB hoặc thấp hơn lại có thể được xếp hạng AAA, nghĩa là kiểu công ty thì sắp phá sản nhưng các chứng khoán liên quan tới công ty đó thì vẫn được xếp hạng là rất tốt.
Điều này cực kỳ tai hại cho các tổ chức tài chính và nhà điều hành chính sách, vì thường các tổ chức tài chính căn cứ vào các xếp hạng này mà đưa ra giải pháp đầu tư, phòng ngừa rủi ro và dự trữ vốn phù hợp. Ngoài ra các tổ chức quản lý thị trường cũng căn cứ vào chất lượng tài sản để đòi hỏi vốn dự trữ tối thiểu. Các sản phẩm được xếp hạng AAA chỉ cần một lượng vốn dự trữ thấp, ví dụ dưới 1% theo chuẩn Basel II, trong khi sản phẩm xếp hạng loại BB lại đòi hỏi dự trữ đến trên 30% và loại thấp hơn nữa là BB- lại cần đến hơn 50% vốn dự phòng.
Vậy, nhiều sản phẩm phái sinh cấu trúc hình thành từ những khoản nợ có độ tín nhiệm từ BB trở xuống lại được xếp loại AAA thì rõ ràng là có gì đó không ổn. Cũng vì tính dẫn dắt sai lầm của các xếp hạng này mà gần đây một trong những quỹ hưu trí lớn nhất của Mỹ là Calpers (California Public Employees Retirement System) quyết định kiện ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu là S&P, Moody’s và Fitch vì đã đưa ra các xếp hạng tín nhiệm không phù hợp dẫn đến tổn thất trên 1 tỉ đô la Mỹ cho quỹ này.
Tệ hơn là các công ty xếp hạng tín nhiệm không kịp thời điều chỉnh các xếp hạng của mình, nhưng đến khi có chuyện xảy ra thì lại giảm xếp hạng một cách đột ngột (gọi là “credit rating crash”, kiểu như là sụp đổ xếp hạng tín nhiệm). Ví dụ nhiều công ty đang xếp hạng BBB+ trở lên đột nhiên bị S&P giảm xuống dưới mức BB- (một sự sụp giảm rất nhiều bậc) sau một thời gian rất dài không thay đổi xếp hạng tín nhiệm.
Nói cách khác, tình trạng giá tài sản tài chính sụp đổ nhanh trên thị trường và việc tính thanh khoản đột nhiên mất đi trên một số thị trường không phải là không liên quan đến việc sụp đổ các xếp hạng tín nhiệm này.
Hình dung một cách đơn giản, xếp hạng tín nhiệm tạo lý do cho các tổ chức kinh doanh và đầu cơ thổi phồng giá một số loại sản phẩm tài chính, và khi các xếp hạng này đột ngột thay đổi, giá các sản phẩm này đã quá cao và đột ngột rơi tự do, góp phần dẫn đến tình trạng đổ vỡ dây chuyền không kiểm soát nổi. Xếp hạng tín nhiệm không phải là nguyên nhân sâu xa, cũng không phải là nguyên nhân lớn nhất của khủng hoảng, nhưng lại là một mắt xích quan trọng để nhiều người lừa dối thị trường và tạo ra sự sụp đổ niềm tin trên các thị trường tài chính.
Độc quyền nhóm về xếp hạng tín nhiệm đi ngược lại với chất lượng xếp hạng
Thị trường xếp hạng tín nhiệm ở Mỹ vốn dĩ là một thị trường có tính chất độc quyền nhóm với bộ ba Moody’s, S&P và Fitch sở hữu một thế mạnh áp đảo trên thị trường này. Ngoài các rào cản về gia nhập thị trường thông thường như các ngành độc quyền nhóm khác, thị trường xếp hạng tín nhiệm còn có thêm một rào cản khác là đa số các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư không quan tâm gì đến các xếp hạng từ các công ty ít tên tuổi (một dạng rào cản do uy tín, reputation-based barrier).
Một nghiên cứu của Cheng và Neamtiu ở Đại học Arizona công bố trên tạp chí Accounting and Economics đầu năm nay đã cho rằng gần đây, khi sức ép của công chúng và cơ quan quản lý lên các tổ chức xếp hạng tín nhiệm này càng nhiều, đồng thời với sức ép từ việc sụt giảm uy tín (đồng nghĩa với việc sụt giảm hàng rào bảo vệ thế độc quyền nhóm) thì các tổ chức này đã nâng cao tính kịp thời, thậm chí cả tính chính xác của các xếp hạng tín nhiệm.
Điều này là một bằng chứng cho thấy trước đây các tổ chức này đã cung cấp dịch vụ thiếu chất lượng. Nguyên nhân là vì nếu cung cấp một dịch vụ với mức tốt nhất, thì khi gia tăng tính kịp thời của các xếp hạng, sẽ buộc phải giảm bớt yêu cầu về độ chính xác do giới hạn về thời gian. Như vậy phải chăng trước đây các tổ chức này đã “lười biếng” trong việc cải thiện dịch vụ, bởi làm vậy sẽ tăng thêm chi phí và giảm đi một phần trong miếng bánh tỷ suất lợi nhuận cao của các công ty này. Tình huống này rất dễ thấy ở các thị trường độc quyền nhóm.
Điều không hay là chất lượng không đảm bảo do độc quyền nhóm trong ngành xếp hạng tín nhiệm đã góp phần dẫn dắt sai thị trường tài chính và tạo điều kiện cho nhiều người lừa dối lẫn nhau về giá trị của những sản phẩm tài chính được xếp hạng cao. Hậu quả cuối cùng là khủng hoảng tài chính trở nên trầm trọng hơn.
Lưu ý với Việt Nam
Chuyện độc quyền nhóm không lạ và dễ dàng tìm thấy trong các sách giáo khoa về kinh tế học. Độc quyền nhóm cũng được đề cập đâu đó trong các bài báo bàn về tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thỉnh thoảng người ta giật mình nhìn lại thì hóa ra độc quyền nhóm đôi khi vẫn tạo ra những cú sốc quá lớn cho toàn nền kinh tế. Độc quyền nhóm về dầu mỏ của OPEC thỉnh thoảng vẫn khiến người ta hoảng loạn lo lạm phát, đẩy giá nhiều hàng hóa khác lên những mức không tưởng.
Độc quyền nhóm trong xếp hạng tín nhiệm không phải chỉ mới gây tác hại lần này. Nhìn lại vài năm trước ở Mỹ, Enron vẫn được nằm trong nhóm xếp hạng tốt chỉ… bốn ngày trước khi công ty này nộp đơn xin phá sản vào tháng 12-2001. Và vụ sụp đổ Enron đã tác hại không nhỏ đến thị trường Mỹ. Tuy nhiên, gần 10 năm sau đó tình trạng độc quyền nhóm trong xếp hạng tín nhiệm tiếp tục duy trì, dù quốc hội Mỹ đã vài lần “để mắt” đến. Nghĩa là tình trạng độc quyền nhóm vẫn tồn tại, cho dù có nỗ lực sửa chữa một chút, và cuối cùng vẫn tiếp tục góp phần tạo ra một cơn sốc thị trường tiếp theo.
Điều này đáng được các nhà làm chính sách và quản lý kinh tế của Việt Nam lưu ý vì có vẻ như tình trạng độc quyền nhóm ở một số ngành có xu hướng duy trì rất lâu và thường xuyên tổn hại đến thị trường theo những cách tương tự nhau, nhưng các công ty độc quyền nhóm cuối cùng vẫn không bị gì cả.
Sẽ là điều bình thường nếu ai đó đột ngột tự hỏi liệu rằng tiền kích cầu có bị chia sẻ bởi một số công ty độc quyền nhóm ở một số ngành? Hay liệu rằng có một số công ty luôn có lợi thế độc quyền trong việc tiếp cận thị trường vốn quốc tế vì được sự bảo lãnh của các cơ quan nhà nước? Nếu có độc quyền nhóm ở những lĩnh vực đó thì cuối cùng rồi thiệt hại chung có lẽ vẫn là nền kinh tế và người dân. Ở Mỹ thì Calpers đi kiện ba nhà xếp hạng tín nhiệm, còn ở Việt Nam, không biết có ai sẽ đi kiện các tổ chức độc quyền nhóm?
Và nên chú ý rằng Calpers là một quỹ đầu tư lớn mới có thể đi kiện một thế lực độc quyền nhóm lớn, còn các nhà đầu tư nhỏ ở Mỹ có lẽ đã không còn cơ hội nữa. Trong bối cảnh một nền kinh tế mà đa phần tổ chức kinh doanh ở quy mô vừa và nhỏ như Việt Nam, liệu ai sẽ đứng ra đòi lại quyền lợi khi các tổ chức độc quyền nhóm sai phạm? Có lẽ đây là điều mà những nhà làm chính sách nên lưu ý.
Hồ Quốc Tuấn - Nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh
TBKTSG Online
|