Bất cập trong quản lý FDI
Thêm một lần dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trở thành điểm nóng. Những cảnh báo về khả năng bất ổn trong thu hút và quản lý dòng vốn FDI đang được nhắc đến.
Bức tranh FDI 6 tháng đầu năm 2009 bỗng nhiên bị lu mờ bởi con số 71,7 tỷ USD vốn đăng ký năm 2008 vừa được công bố điều chỉnh thay cho kỷ lục 64 tỷ USD tạm tính hồi cuối năm 2008. Mức kỷ lục đột ngột được lập sau khi Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cập nhật thêm được tới 7 tỷ USD lọt bảng thống kê mà các tỉnh báo cáo hồi tháng 12 năm ngoái khiến ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cũng cảm thấy ngậm ngùi khi bàn về tình hình năm 2009.
Bức tranh hiện hữu
Song phải thẳng thắn, con số 8,87 tỷ USD tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm trong 6 tháng qua dù không phải quá xấu, nếu như so sánh với giai đoạn 2006 trở về trước, cũng như xem xét trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn buộc phải ghi nhận thêm những dự báo xấu về sự suy giảm của các thị trường lớn.
Không những thế, nhìn vào số lượng dự án FDI đăng ký mới, tỷ lệ lớn vẫn thuộc về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 66 dự án cấp mới, 30 dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư gần 1,6 tỷ USD. Lĩnh vực xây dựng, bán buôn, bán lẻ, thông tin truyền thông và đặc biệt là lĩnh vực khoa học công nghệ đang nổi lên với trung bình khoảng gần 40 dự án đăng ký mới mỗi ngành. Mặc dù quy mô dự án khá nhỏ, song tình hình này đang cho thấy xu hướng khá nổi về độ hấp dẫn của một số ngành dịch vụ mới mở cửa cho khu vực đầu tư nước ngoài cũng như cơ hội phục hồi sớm của lĩnh vực xây dựng đã được giới đầu tư nước ngoài nhanh chóng nắm bắt.
Cũng phải nói thêm, hai phân ngành vốn đang chịu khá nhiều điều tiếng trong khu vực đầu tư nước ngoài là dịch vụ lưu trú, ăn uống và kinh doanh bất động sản có số lượng dự án thấp hơn đáng kể, khoảng 18 dự án mỗi loại, được đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm 2009. Đặc biệt, trong tháng 6, không có thêm dự án mới nào trong các lĩnh vực này. Ngay cả con số rất lớn về mức vốn thu hút vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, khoảng 4,5 tỷ USD, nghĩa là chiếm khoảng 50% tổng nguồn vốn FDI trong 6 tháng qua, thì phần lớn vẫn thuộc về dự án Sài Gòn Atlantis Hotel tại Bà Rịa - Vũng Tàu do Công ty TNHH Winvest Investment Việt Nam (thuộc tập đoàn Winvest LLC, Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư, nhờ quyết định tăng vốn từ 300 triệu USD lên 4,1 tỷ USD vào hồi đầu năm nay. Toàn bộ 18 dự án mới được cấp phép chỉ có số vốn khoảng 670 triệu USD.
Tăng cấp cảnh báo
Trở lại con số 71,7 tỷ USD vừa được công bố, mặt trái của tấm huân chương được nhắc tới nhiều hơn là sự hỷ hả về các kỷ lục được cho là điểm nổi trội của lĩnh vực thu hút vốn FDI năm 2008. Ngay cả vị đứng đầu Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho rằng sự vắng mặt số lượng không hề nhỏ của các dự án do cấp chính quyền địa phương cấp phép trong danh sách theo dõi nguồn vốn này của cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương là một biểu hiện đáng báo động của những bất cập trong cơ chế phân cấp hiện hành. Cũng cần nhắc lại rằng, lỗ hổng phối hợp trong lĩnh vực quản lý FDI không phải bây giờ mới nổi cộm. Vào đợt rà soát các dự án FDI trên cả nước hồi cuối năm ngoái, Cục Đầu tư nước ngoài đã phát hiện ra một số lượng không nhỏ những dự án đã được địa phương cấp phép song lại không có trong danh sách tổng hợp được báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chỉ riêng khu vực miền Trung, tổng vốn của số dự án lọt lưới lên tới trên 3 tỷ USD. Trong số những dự án này, có những dự án quy mô vài trăm triệu USD, có nhu cầu sử dụng đất lớn.
Vào thời điểm đó, nhiều chuyên gia đã đặt dấu hỏi về cuộc đua giành giật đại dự án giữa các địa phương. Và đương nhiên chất lượng, tính khả thi của các dự án này vẫn trong vòng nghi ngờ không dễ giải tỏa.
Bài toán bất cập
Thực ra, mấu chốt vấn đề FDI không nằm ở bản thân số vốn đăng ký, số lượng dự án ít hay nhiều, cũng không phải do bản thân cơ chế phân cấp. Giới chuyên gia kinh tế đều nhận định, phân cấp trong quản lý là một xu thế tất yếu, song xu thế này trên thực tế đã không nhận được đủ những điều kiện cần để thực hiện tốt hơn.
Ông Đinh Văn Ân - Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, một người đã có nhiều năm công tác trong lĩnh vực FDI, khi đánh giá về vấn đề này đã cho rằng, khoảng trống về quy hoạch, sự chưa hợp lý hoặc chưa được tuân thủ đúng trong thực hiện quy hoạch đã làm phát sinh nhiều vấn đề gây nghi ngại lớn. “Có thể kể đến tình trạng giao đất, hoặc cho nhà đầu tư thuê đất với mức có thể cao hơn nhu cầu thực tế của dự án đầu tư; chuyển đổi đất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ chưa hợp lý hoặc nhiều hơn mức cần thiết, làm giảm hiệu quả sử dụng đất và mất cân đối về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương” - ông Ân liệt kê.
Khó bỏ qua được lỗi “vỡ kế hoạch” của một số quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội một số địa phương khi tốc độ cấp phép mới trong hai năm thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư FDI vượt xa thời gian trước đó. Chỉ riêng số dự án sân golf mới trong 2 năm qua đã gấp hàng chục lần so với cả quãng thời gian gần 20 năm trước đó. Không những thế, ngay cả việc xử lý các dự án treo quá thời hạn quy định cũng trở nên quá khó đối với nhiều địa phương...
GS. TSKH Nguyễn Mại - Trưởng nhóm tư vấn cao cấp (Dự án hậu WTO) cũng đã từng nhắc tới điều kiện về năng lực, trách nhiệm tương ứng với quyền hạn trong thực hiện cơ chế phân cấp chưa được đảm bảo. Ông cũng lo ngại về hậu quả tiếp theo của cơ chế phân cấp một cách triệt để không gắn với nâng cao năng lực. Ở đây, có cả năng lực và trách nhiệm của cấp chính quyền trung ương. “Khi đã giao quyền, một xu thế tất yếu, thì Chính phủ, các bộ phải đặc biệt coi trọng quy hoạch phát triển ngành, vùng theo nguyên tắc thị trường và được bổ sung, cập nhật hàng năm” - ông Mại nói.
Rõ ràng, các khoảng trống đã khiến bức tranh chung về FDI thời gian qua khá lỗ chỗ với những nhận định không thực sự đầy đủ dữ liệu. Và các điều kiện cho các đề xuất cũng như quyết định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước và của cả Thủ tướng Chính phủ trong điều hành nhằm tăng cường hiệu quả của dòng vốn quan trọng này có vẻ cũng không được đảm bảo…
Minh Ánh
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|