Thứ Năm, 09/07/2009 11:49

Bảo hiểm nhân thọ: Bứt phá ngoạn mục

Diễn biến cùng chiều với nền kinh tế, thị trưởng bảo hiểm nhân thọ đã tìm lại đà tăng trưởng trong quý II/2009. Dẫn đầu số lượng hợp đồng mới vẫn là những DN bảo hiểm nước ngoài có mặt trên từ thị trường từ lâu với đội ngũ đại lý hùng hậu. Hiện chỉ có Bảo Việt Nhân thọ là DN trong nước hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ cạnh tranh với DN bảo hiểm nước ngoài.

Dấu hiệu hồi phục

Số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, đến hết quý I/2009, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khai thác mới trong kỳ giảm 11%, hợp đồng hết hiệu lực trong kỳ tăng tới 15%. Điều này là do tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến suy giảm kinh tế trong nước. Tuy nhiên, sang quý II/2009 tình hình kinh doanh của các DN bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là DN bảo hiểm nước ngoài đã có thay đổi khá ngoạn mục.

Theo thống kê sơ bộ, doanh thu phí bảo hiểm mới của DN bảo hiểm nhân thọ nước ngoài (chưa tính Prevoir) trong tháng 6/2009 tăng 32% so với tháng 5 và tăng 42% so với tháng 4/2009. Mặc dù trước đó, doanh thu phí bảo hiểm trong tháng 5 so với tháng 4/2009 của các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài chỉ là 7,5%.

Nhiều chuyên gia trong ngành bảo hiểm nhận định, doanh thu phí bảo hiểm "đột biến" trong tháng 6/2009 sẽ là tín hiệu tích cực đối với DN bảo hiểm nhân thọ, nhất là cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế thế giới và Việt Nam trong thời gian gần đây thì bước đột phá này có thể giúp DN bảo hiểm nhân thọ hoàn thành xuất sắc kế hoạch doanh thu năm 2009.

Doanh thu phí bảo hiểm của Prudential trong tháng 6/2009 đạt hơn 98,7 tỷ đồng, tăng 33,4% so với tháng 5 và tăng 50,7% so với tháng 4; doanh thu phí bảo hiểm của Manulife trong tháng 6 đạt 29,3 tỷ đồng, tăng 12,9% so với tháng 5 và tăng 33,5% so với tháng 4. Doanh thu phí bảo hiểm của AIA trong tháng 6 đạt 23,8 tỷ đồng.

Dù doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới trong tháng 6/2009 của Great Eastern Life chỉ bằng 34% của Korea Life, nhưng Great Eastern Life vẫn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng tháng 6/2009 với tỷ lệ tăng 282,5% so với tháng 5/2009. Bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2008, Great Eastern Life vừa được Bộ Tài chính cho phép tăng vốn điều lệ thêm 230 tỷ đồng, lên 830 tỷ đồng.

Trong khi đó, dù mới đi vào hoạt động, nhưng Korea Life tiếp tục thành công với doanh thu tháng 6/2009 là 4,5 tỷ đồng, cao hơn so với hai "đàn anh đi trước" là Cathay (4 tỷ đồng) và Great Eastern Life (1,53 tỷ đồng).

Lãnh đạo cấp cao của Korea Life nhận định, với tình hình kinh tế khả quan như hiện nay, doanh thu năm 2009 của Korea Life có thể đạt tối thiểu 200% chỉ tiêu (dự kiến doanh thu năm 2009 của Korea Life là hơn 17 tỷ đồng).

ACE Life cũng bứt phá mạnh mẽ trong tháng 6/2009 với doanh thu 35,888 tỷ đồng, tăng 134,4% so với tháng 5/2009, mặc dù doanh thu tháng 5/2009 sụt giảm tới 38% so với tháng 4/2009.

Theo nhận định của một số công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài, thời gian tới khi thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam phát triển mạnh hơn, nhiều công ty sẽ tiếp tục triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phức tạp như trái phiếu đầu tư, bảo hiểm bảo đảm thu nhập, bảo hiểm niên kim, quỹ hưu trí…

Không ít thách thức

Thị trường bảo hiểm hiện có gần 50 DN đang hoạt động, trong đó có 11 DN bảo hiểm nhân thọ. Trong số DN bảo hiểm nhân thọ chiếm đa số là DN bảo hiểm nước ngoài. Hiện số DN bảo hiểm nhân thọ nước ngoài muốn vào Việt Nam vẫn chưa dừng lại khi đánh giá tiềm năng của thị trường này là rất lớn. Khó khăn hiện nay của DN bảo hiểm nhân thọ nước ngoài là việc tiếp cận với văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam để có thể đưa vào sản phẩm bảo hiểm hiện đại.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của một số công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài, đối với ngành bảo hiểm, việc có được số liệu thống kê lịch sử là rất quan trọng để đánh giá đúng thực trạng thị trường và là cơ sở xem xét kế hoạch kinh doanh một cách bài bản, khoa học, nhưng khó có thể thực hiện vì cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm quá sơ sài. Chẳng hạn, sản phẩm bảo hiểm liên quan đến vấn đề hưu trí ở Việt Nam đang được một số DN bảo hiểm nhân thọ nước ngoài hết sức quan tâm. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có số liệu thống kê đầy đủ về tỷ lệ tử vong của người dân, các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài thường phải dựa vào con số thông kê cũ, trong khi tuổi thọ của người Việt Nam đang ngày càng tăng lên.

Ngọc Lan

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Sau khủng hoảng: Cơ hội để ngành ngân hàng phát triển (09/07/2009)

>   Xây dựng chính sách đổi mới toàn diện lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng (09/07/2009)

>   Giá vàng thấp nhất trong vòng 7 tuần (09/07/2009)

>   Vàng đang trong hướng xuống nhưng tương lai vẫn sáng sủa (09/07/2009)

>   Vẫn khó mua USD (09/07/2009)

>   Tiếp tục hỗ trợ lãi suất (09/07/2009)

>   Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trong danh mục (09/07/2009)

>   Cạnh tranh cho vay mua nhà (09/07/2009)

>   Ra mắt ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (08/07/2009)

>   Ngân hàng và nỗi lo nợ xấu (08/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật