Báo cáo tài chính quý II: Nhiều DN lại… lỗi hẹn
Trên website của HOSE và HNX cũng như một số phương tiện truyền thông, nhiều doanh nghiệp niêm yết (DNNY) đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2009, trong khi đa số báo cáo tài chính (BCTC) quý II vẫn chưa được công bố. Theo quy định tại Thông tư 38/2007/TT-BTC, ngày 25/7 là thời hạn cuối cùng để DN nộp BCTC, nhưng ghi nhận của ĐTCK cho thấy, nhiều khả năng sẽ không có nhiều DN nộp đúng thời hạn này.
Chậm vì chờ tiếng nói chung
Khởi nguồn của câu chuyện kể trên là việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ban hành Công văn số 246/UBCK-QLPH hồi đầu năm 2009 yêu cầu DNNY lựa chọn công ty kiểm toán (CTKT) thực hiện soát xét BCTC theo quý. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện soát xét BCTC quý là hết sức khó khăn, nên để DNNY thực hiện soát xét BCTC bán niên. Kiến nghị này đã được đưa vào dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 38/2007/TT-BTC về hướng dẫn thực hiện công bố thông tin trên TTCK. Đến nay, Thông tư sửa đổi vẫn chưa được ban hành và DN cũng không thể không thực hiện Công văn số 246.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán (AASC) cho biết, mặc dù chưa có quy định bắt buộc, nhưng nhiều DNNY đã thực hiện soát xét BCTC bán niên. Hiện BCTC quý II DN đã có, nhưng chưa công bố vì phải đợi báo cáo soát xét của CTKT để tránh tình trạng vênh số liệu.
Giám đốc một DNNY cho biết, giữa báo cáo của DN và báo cáo soát xét bao giờ cũng có độ vênh. “Nếu công bố số liệu cao hơn sẽ bị NĐT hiểu lầm là đẩy giá để bán ra, thấp hơn thì bị hiểu là ghìm giá mua vào, tốt nhất cứ đợi báo cáo soát xét rồi công bố một thể”, vị này cho biết.
Bà Nguyễn Linh Chi, Kế toán trưởng CTCP Quốc tế Hoàng Gia cho biết, Công ty sẽ thực hiện công bố BCTC quý II vào ngày 25/7, còn báo cáo soát xét sẽ được công bố sau. Tất nhiên, hai báo cáo này phải khớp những số liệu trọng yếu.
Ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho biết, về trách nhiệm, DNNY phải thực hiện công bố BCTC quý vào ngày 25/7. Hiện nay, DN đã ý thức làm báo cáo soát xét, nên trước khi công bố có vướng mắc gì sẽ liên hệ với CTKT để thống nhất, nhằm hạn chế số liệu vênh sau này.
Cuối tháng 6/2009, một quan chức của UBCK cho biết, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 38 để DNNY thực hiện. Vậy nhưng, đã hết tháng 7, thông tư trên vẫn chưa được ban hành dẫn đến cách thực hiện tại mỗi nơi, mỗi khác. Trong khi chưa có quy định về việc thực hiện soát xét BCTC bán niên, DN vẫn phải thực hiện theo Thông tư 38.
Soát xét BCTC bán niên, 45 ngày là đủ?
Mặc dù chưa ban hành, nhưng nhiều DNNY cũng như CTKT dự kiến sẽ thực hiện công bố thông tin soát xét BCTC bán niên theo Thông tư sửa đổi Thông tư 38. Theo đó, sau khi hoàn thành BCTC quý 45 ngày, DN niêm yết phải thực hiện công bố báo cáo BCTC soát xét. Như vậy, nhiều khả năng đến thời hạn 15/8/2009 mới có nhiều DN thực hiện công bố đầy đủ BCTC.
Xung quanh thời hạn 45 ngày sau khi hoàn thành BCTC bán niên, DNNY phải thực hiện công bố BCTC soát xét hiện vẫn có những ý kiến khác nhau. Ông Nguyễn Ngọc Tỉnh, Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán và Kế toán Hà Nội cho biết, đối với DN quy mô nhỏ, không quá phức tạp thì việc soát xét BCTC chỉ diễn ra 2 - 5 ngày. Điều quan trọng là sự hợp tác của DNNY với CTKT, vì nếu CTKT muốn nhanh, nhưng DN chậm cung cấp số liệu thì báo cáo ra vẫn chậm.
Ông Cường thì cho rằng, quy định 45 ngày là rất chặt, nếu CTKT và DNNY không phối hợp chặt chẽ thì khó kịp thời hạn. Với DN lớn có nhiều công ty con, việc soát xét BCTC sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Chung quan điểm cho rằng 45 ngày là không đủ với công ty lớn, ông Tùng cho biết, nên quy định các tập đoàn lớn thì được gia hạn thêm khoảng 5 ngày. Quy định cả công ty con và công ty mẹ đều là 45 ngày sẽ không hợp lý. Bởi nếu công ty con cũng cứ đợi hết 45 ngày mới hoàn thành thì công ty mẹ sẽ không đủ dữ liệu để làm báo cáo soát xét và cũng không kịp công bố sau khi kết thúc thời hạn kể trên.
Ông Phan Văn Điệp, Phó tổng giám đốc CTCP Thuỷ hải sản Minh Phú cho biết, do có nhiều công ty con, nên DN luôn phải xin gia hạn nộp BCTC. Với DN lớn có nhiều công ty con, theo ông Điệp, nên gia hạn thêm 4 - 5 ngày.
Năm 2003 là năm đầu tiên khái niệm soát xét BCTC phổ cập đến tất cả DNNY. Tuy nhiên, với sự chưa rõ ràng về nghĩa vụ pháp lý thực hiện việc soát xét này, việc DN có phải soát xét BCTC bán niên không, nếu soát xét thì thời hạn công bố thông tin được kéo dài đến khi nào đang là câu hỏi gây lúng túng cho nhiều DN hiện nay.
Thanh Đoàn
ĐẨU TƯ CHỨNG KHOÁN
|