Phấn khởi với cổ tức năm 2009
Nhiều doanh nghiệp niêm yết bắt đầu thông báo tạm ứng cổ tức đợt 1/2009 với mức khá cao. Điều này đã khích lệ nhà đầu tư rất nhiều trong tình hình thị trường sụt giảm hiện nay.
Nhận cổ tức sớm
Không chỉ điều chỉnh tăng mức chia cổ tức dự kiến của năm 2009 cao hơn năm 2008, nhiều công ty niêm yết còn quyết định tạm ứng cổ tức sớm cho cổ đông. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) vừa chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt 1/2009 theo tỷ lệ 20%/mệnh giá (tương đương 2.000 đồng/CP). Đây là mức cổ tức khá hấp dẫn. Kể từ khi có thông báo, giá CP VNM cũng có nhiều phiên tăng liên tục bất chấp thị trường nhuốm đỏ.
Dù không cao như VNM, nhưng nhiều doanh nghiệp khác cũng đã có mức tạm ứng cổ tức đợt 1/2009 phổ biến ở mức 10%. Cụ thể như Công ty CP bao bì nhựa Tân Tiến (TTP) tạm ứng 10% bằng tiền (1.000 đồng/CP), Công ty CP vật tư vận tải xi măng (VTV) trên sàn Hà Nội thông báo chi trả 10% trong đợt đầu; Công ty CP bao bì Biên Hòa (SVI) tạm ứng 10%; các công ty CP sản xuất - thương mại may Sài Gòn (GMC), Công ty CP thủy sản số 4 (TS4) tạm ứng cổ tức đợt 1 là 6%/mệnh giá (600 đồng/CP)...
Chị Thu An, một nhà đầu tư (NĐT) tại sàn BVSC nhận xét việc nhiều công ty tạm ứng cổ tức đợt 1 này đã làm ấm lòng các NĐT cá nhân như chị. "Trong lúc giá CP khó tăng lên thì có chút tiền cổ tức cũng thấy an ủi. Quan trọng nhất là yên tâm khi thấy công ty mình bỏ vốn đầu tư kinh doanh có lãi", chị An nói.
Anh Thi - một NĐT khác tại sàn VCBS chi nhánh TP.HCM - cho rằng thông tin tạm ứng cổ tức đợt 1 của nhiều công ty đã tạo nên lực đẩy cho giá CP. "Tôi thấy thông tin chia cổ tức tác động khá tích cực đến tâm lý NĐT. Ai cũng muốn lấy tiền bỏ túi sớm cho chắc ăn hơn là đợi đến hết năm mới được chia", anh Thi nói.
Chú ý kẻo vung tay quá trán
Theo chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí, đúng nguyên tắc kế toán thì lợi nhuận để chia cổ tức phải được tính sau khi có kiểm toán của năm tài chính. "Nếu tạm ứng trước cổ tức trong khi hoạt động 6 tháng cuối năm còn lại không ai lường hết được thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong trường hợp công ty bị thua lỗ thì khoản tiền đã tạm ứng sẽ xử lý như thế nào. Đó là chưa kể đến công ty phải thực hiện xong nghĩa vụ với các chủ nợ, khách hàng... trước khi chia cổ tức cho cổ đông", ông Chí nói.
Trên thực tế, các doanh nghiệp khi tạm ứng cổ tức chia thành nhiều đợt đều dựa theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thường niên trước đó. Ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP sản xuất - thương mại may Sài Gòn (GMC) - cho rằng công ty tạm ứng cổ tức đợt 1 là 6% tương đương 50% mức cổ tức cả năm 2009 đã được cổ đông thông qua. "Mức cổ tức tạm ứng trên cơ sở lợi nhuận 6 tháng đầu năm GMC đạt 17,8 tỉ đồng, đạt hơn 50% kế hoạch cả năm. Trong khi đó kế hoạch sản xuất kinh doanh công ty đã chuẩn bị kỹ và tình hình khả thi để đạt kế hoạch lợi nhuận cả năm nên sẽ không có rủi ro gì", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, vấn đề quan trọng là bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự xem xét và cân đối tài chính để chia lợi nhuận cho hợp lý, không để những rủi ro biến động đến tình hình hoạt động của chính mình.
Tuy nhiên, chuyên gia Lê Đạt Chí vẫn đề nghị các cơ quan quản lý cần có sự giám sát, đồng thời quy định chặt chẽ và hướng dẫn cụ thể hơn việc chia cổ tức của doanh nghiệp niêm yết. Điều đó sẽ hạn chế các rủi ro tiềm ẩn mà đôi khi các doanh nghiệp vì muốn làm vui lòng cổ đông mà vung tay quá trán.
Mai Phương
Thanh niên
|