"VN-Index có thể đạt 600 điểm vào cuối năm 2009"
Hiện nay, quan điểm phổ biến cho rằng, đầu tư vào các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, bất động sản, đặc biệt là đối với các dự án xây nhà để bán, công nghệ cao ở Việt Nam sẽ thu được giá trị gia tăng cao nhất. Điều này thật ra chỉ đúng về lý thuyết nói chung hay chỉ đúng với những gì đã qua ở Việt Nam, mà không có gì đảm bảo là sẽ đúng trong điều kiện hiện nay và trong tương lai.
Chẳng hạn, các dự án xây nhà để bán đã đem lại cho NĐT các khoản lợi nhuận khổng lồ như Ciputra, Phú Mỹ Hưng là một thực tế. Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng, các dự án tương tự như vậy có thể thu được lợi nhuận lớn thì quả là nhầm lẫn. Bởi lẽ, khủng hoảng tài chính thế giới đã phơi bày một thực tế là lợi nhuận lớn thu được từ bất động sản ở Việt Nam là lợi nhuận đầu cơ và độc quyền. Đầu cơ nào cũng mang tính thời điểm, còn độc quyền không thuộc về NĐT. Điều này cũng tương tự trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Những khoản lợi nhuận khổng lồ đã thu được từ chứng khoán và từ việc thành lập các ngân hàng mới là một thực tế không cần phải nghi ngờ.
Đối với TTCK, sau khi VN-Index tăng điểm liên tục trong ba tháng qua với mức tăng 175%, VN-Index từ 235,5 điểm (ngày 24/2) lên 512,46 điểm (ngày 9/6) đã quay đầu về mức 438,55 điểm (ngày 23/6). Tâm lý lo sợ thua lỗ đang bao trùm lên toàn thị trường. Tuy nhiên, với NĐT, đây có thể là cơ hội kiếm tiền. Sở dĩ như vậy là vì thị trường có tính hợp lý của nó. Những nhà đầu cơ nắm lượng cổ phiếu lớn đã mất phần lớn tài sản do giá cổ phiếu giảm mạnh trước đó, sẽ hạn chế khả năng đầu cơ lũng đoạn, điều này góp phần tạo lập sự bình đẳng trong kinh doanh. Chắc chắn là nếu các nhà đầu cơ nắm lượng cổ phiếu lớn không bị thua lỗ nặng nề thì NĐT bình thường khó có cơ hội cạnh tranh với họ. Tôi cho rằng, VN-Index có thể đạt mức 600 điểm vào cuối năm nay. Điều này có nghĩa là có rất nhiều khả năng đạt lợi nhuận cao nếu mạo hiểm đầu tư vào TTCK.
Hải Vân
Đầu tư chứng khoán
|