Thứ Bảy, 06/06/2009 11:32

Trung Quốc: Những số liệu "vô lý"

Một chỉ thị mới của Chính phủ Trung Quốc quy định, từ ngày 1/5/-2009, những quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước “chế biến” số liệu thống kê để thổi phồng thành tích của đơn vị mình sẽ bị trừng trị.

Thị trường chứng khoán Thượng Hải - hiện đang là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, chỉ số SCSI đã tăng hơn 44% trong năm nay. Trong đà phấn khích đó, Ngân hàng Goldman Sachs đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay sẽ đạt 8,3%, cao hơn cả chỉ tiêu nhà nước mà chính phủ Trung Quốc đặt ra cho năm nay là 8%.

Tăng trưởng thật

Ấy thế nhưng các nhà phân tích tỉnh táo đã tỏ ra nghi ngờ các “thành tích” như vậy. Bằng cách đối chiếu các số liệu chính thức với nhau, người ta phát hiện ra những khoảng cách không lý giải được. Sẽ rất khó tin rằng, sản lượng công nghiệp của nước này tháng 4 tăng 7,3%, tháng 3 tăng 8,3%... khi lượng điện năng mà nước này sản xuất đã giảm 3,5% trong tháng 4, gấp đôi mức giảm 1,3% của tháng 3. Giữa sản lượng công nghiệp và mức tiêu thụ điện năng luôn có mối quan hệ tỷ lệ thuận. Và hiện tượng hàng chục ngàn nhà máy đã đóng cửa, hàng triệu công nhân đã mất việc từ cuối năm ngoái đến nay là một thực tế không cần bàn cãi; chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận có hơn 20 triệu lao động di cư bị mất việc và tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị hiện ở mức 4% - 10%. Số liệu chính thức công bố ngày12/5 cho thấy vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm tháng thứ 6 liên tiếp và tổng vốn đầu tư nước ngoài trong quý 1 năm nay giảm 21% so với quý 1 năm ngoái. Cũng theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 giảm 22,6% so với cùng kỳ năm trước và nhiều hơn mức giảm 17% của tháng 3. Điện năng giảm, lao động giảm, vốn đầu tư và xuất khẩu đều giảm, vậy thì công nghiệp Trung Quốc dựa vào đâu để tăng trưởng hơn năm ngoái? Và sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc được tiêu thụ ở đâu?

Các kinh tế gia của chính phủ Trung Quốc nhắc đi nhắc lại rằng, Trung Quốc đã thành công trong việc chuyển hướng nền kinh tế từ dựa vào xuất khẩu sang mở rộng tiêu dùng nội địa, rằng gói kích cầu 4.000 tỉ nhân dân tệ (575 tỉ đô la Mỹ) công bố tháng 11 năm ngoái đã phát huy tác dụng, do đó tiêu dùng trong nước đã bù đắp cho sự sút giảm nhu cầu ở các thị trường nước ngoài.

Củng cố cho lập luận này, Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố doanh số bán lẻ trong tháng 4/2009 đã tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trong tháng 3/2009 cũng tương tự như vậy. Họ chế giễu luận điểm của giới kinh tế gia phương Tây rằng người Trung Quốc thường xuyên thắt lưng buộc bụng để phòng những ngày khó khăn bất trắc trong tương lai khi hệ thống an sinh xã hội của nước này quá yếu kém, là những lời đồn thổi.

Thước đo kinh tế đầy vô lý

Một trong những “số liệu” đang khuấy động niềm tự hào dân tộc ở Trung Quốc là nước này đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường tiêu thụ nhiều xe hơi nhất thế giới. Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết, tháng 4 vừa qua, các hãng xe hơi tại Trung Quốc bán được 1,15 triệu chiếc xe, tăng 40.000 xe so với tháng trước đó và gần gấp rưỡi mức tiêu thụ 820.000 xe của thị trường Mỹ. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng này, theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc (CAAM) là chính sách kích cầu của chính phủ, theo đó thuế tiêu thụ xe hơi cỡ nhỏ đã giảm một nửa, và chính phủ dành ra 5 tỉ nhân dân tệ (NDT) để trợ giá cho người dân vùng nông thôn mua xe hơi nhằm thúc đẩy tiêu thụ sau khi mức tăng doanh số của ngành này vào năm ngoái đã ở mức thấp nhất trong vòng một thập niên là 6,7%.

Tuy vậy, bà Peng Qing - một chuyên viên phân tích thị trường xe hơi, tỏ ra hết sức hồ nghi các số liệu như vậy trong quá trình tìm kiếm những dữ liệu có thẩm quyền và toàn diện về lĩnh vực này cho một công ty nghiên cứu thị trường ở Bắc Kinh. “Dữ liệu thu thập được từ các hiệp hội xe hơi và từ cơ quan công an có rất nhiều sai lệch. Do được quyền cấp biển số đăng ký xe nên Bộ Công an là nguồn số liệu toàn diện và có thẩm quyền về xe hơi. Ở ngoại quốc những số liệu như vậy được công khai theo định kỳ, còn ở Trung Quốc thì không”, bà Peng nói. Một nhà quản lý cao cấp của một công ty xe hơi tiết lộ, công ty của ông phải bỏ ra mỗi năm 1 triệu NDT để mua dữ liệu về số lượng xe được cấp biển số từ Bộ Công an nhưng chỉ có những thông tin rất hạn chế. “Chúng tôi chỉ mua được số liệu chi tiết liên quan đến các mẫu xe mà chúng tôi và các đối thủ cạnh tranh sản xuất ra”, viên quản lý này nói và đề nghị không nêu tên.

Ông Zhang Yong - một nhà phân tích thị trường xe hơi khác nói rằng, về lượng xe bán ra năm ngoái có sự chênh lệch lớn giữa số liệu của CAAM và của Bộ Công an. Công chúng và báo chí không được quyền tiếp cận dữ liệu về xe của Bộ Công an nên các nhà sản xuất xe hơi muốn phù phép doanh số của mình như thế nào cũng được.

Theo số liệu của CAAM, liên doanh xe hơi FAW-Volkswagen có thị phần lớn nhất Trung Quốc năm ngoái bán được 513.000 chiếc xe, nhưng số xe do liên doanh này sản xuất được cấp biển đăng ký chỉ có 467.000 chiếc. Theo ông Zhang, số xe bán ra do các công ty xe hơi công bố thường cao hơn khoảng 10%, cá biệt có trường hợp cao hơn 21% so với số biển số mà Bộ Công an cấp. Một ví dụ khác là Công ty BYD mà tỷ phú Mỹ Warren Buffett vừa góp vốn 9,9% cổ phần. Theo CAAM, năm ngoái BYD bán được 166.700 chiếc xe, nhưng theo Bộ Công an chỉ có 137.700 xe được đăng ký, chênh lệch 21%.

Trên thị trường nhà đất tình hình cũng tương tự. Tại thành phố Đông Hoàn, trung tâm chế biến xuất khẩu của tỉnh Quảng Đông, sự sụt giảm xuất khẩu làm cho hàng ngàn nhà máy phải đóng cửa và doanh số bán nhà chung cư giảm 40% trong năm ngoái, theo số liệu của cơ quan nhà đất thành phố. Nhưng theo báo cáo của cục Thống kê tỉnh Quảng Đông, sự sút giảm này chỉ là 10%, tương đương 5 triệu mét vuông. Những con số chênh lệch như vậy cũng tìm thấy ở các thành phố khác, kể cả Bắc Kinh và Thượng Hải. Ai cũng biết, các số liệu về nhà đất là chỉ số rất quan trọng cho thấy sức khỏe của nền kinh tế.

Ở một nước mà khó xác định nổi có bao nhiêu chiếc xe, bao nhiêu căn hộ đã bán ra thì dữ liệu về người mua còn mù mờ hơn nữa. Theo số liệu mới nhất công bố tháng 12 vừa qua trong Báo cáo Phân tích và Dự báo về Phát triển Xã hội (còn gọi là Sách Xanh về Xã hội Trung Quốc) do Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) - cơ quan nghiên cứu trực thuộc Quốc vụ viện, tức chính phủ Trung Quốc - phát hành thì tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị nước này vào cuối năm ngoái là 9,4%. Con số này cao gấp đôi so với công bố của Bộ Nhân lực và An sinh xã hội về cùng thời kỳ. Hồi tháng 4 năm nay, Bộ trưởng bộ này là Yin Weimin nói rằng, tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị vào cuối tháng 3 - 09 là 4,3%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức 4,2% tháng 12 năm ngoái.

Chấn chỉnh

Không chỉ giới nghiên cứu, phân tích mà nhiều quan chức chính phủ Trung Quốc cũng nhận thấy số liệu thống kê bị thổi phồng và gây nguy hiểm cho công tác hoạch định chính sách, kế hoạch cũng như chi tiêu của chính phủ. Tháng 10 năm ngoái, Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Khắc Cường chỉ đạo ngành thống kê nước này: “Căn bản của số liệu thống kê của chúng ta vẫn rất yếu, chất lượng của dữ liệu thống kê cần được cải thiện nhiều hơn”. Những số liệu ngụy tạo dẫn tới sự lệch lạc thông tin trong quá trình hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô và làm xói mòn nghiêm trọng uy tín của chính phủ, một bài bình luận mới đây của Tân hoa xã khẳng định như vậy. “Một bí mật mà ai cũng biết là quan chức địa phương dùng những số liệu ngụy tạo để thổi phồng thành tích tăng trưởng kinh tế của địa phương mình, gây ấn tượng với cấp trên và được thăng tiến; trong khi nhiều nhân viên của ngành thống kê bị khuất phục dưới áp lực chính trị phải báo cáo những dữ liệu sai lệch”, một phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc nói với Tân hoa xã.

Ý thức được mối nguy của vấn đề, chính phủ Trung Quốc vừa ban hành một chỉ thị, có hiệu lực từ ngày 1-5 vừa qua, theo đó bất kỳ ai tạo ra những báo cáo sai lệch hoặc ngụy tạo những dữ liệu không đúng thực tế sẽ bị trừng phạt. Các quan chức lãnh đạo, kể cả những nhà quản lý hàng đầu các doanh nghiệp nhà nước, nếu đòi hỏi cấp dưới phải ngụy tạo số liệu thì có thể bị giáng chức, sa thải hoặc xử lý hình sự. Theo Tân hoa xã, đây là lần đầu tiên quan chức chính phủ có thể bị truy cứu trách nhiệm đặc biệt về “tham nhũng thống kê”.

Nhưng những chuyên viên như ông Zhang và bà Peng vẫn hoài nghi về tính khả thi của một chỉ thị như vậy. Họ không tin nó có thể làm thay đổi hành vi “xấu che, tốt khoe” đã ăn sâu trong xã hội Trung Quốc. “Chỉ thị này chủ yếu nhắm tới các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước. Tôi không thấy các doanh nghiệp tư nhân, dù lớn, sẽ ngưng việc thổi phồng doanh số của họ”, bà Peng nói.

Một nhà nghiên cứu của CASS, ông Yi Xianrong thì nói rằng: “số liệu thống kê sẽ trung thực hơn chừng nào chính phủ thay đổi chính sách đánh giá cán bộ bằng cách dựa vào thành tích đẩy mạnh tăng trưởng. Cho đến lúc ấy, quan chức vẫn sẽ không thay đổi hành vi chế biến số liệu thống kê sao cho có lợi cho họ nhất”.

“Những số liệu ngụy tạo dẫn tới sự lệch lạc thông tin trong quá trình điều hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô và làm xói mòn uy tín của chính phủ” 

Lan Phương (Theo Wall Street Journal, Asia Times)

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Vênêxuêla tăng cường vai trò nhà nước trong lĩnh vực dầu khí (06/06/2009)

>   Pháp: Các nhà sản xuất và chế biến đạt được thỏa thuận về giá sữa trong năm 2009 (06/06/2009)

>   Trung Quốc "xốc" lại thị trường chứng khoán (06/06/2009)

>   Xe rẻ nhất thế giới ôm mộng sang Mỹ (06/06/2009)

>   Phố Wall tăng tuần thứ 3 liên tiếp (06/06/2009)

>   CK Châu Âu hòa nhịp tăng cùng CK toàn cầu (06/06/2009)

>   CK Châu Á giành lại sắc xanh nhờ các tên tuổi ngành tài nguyên (05/06/2009)

>   Tình hình Kinh tế - Tài chính thế giới từ 28/5 - 4/6/2009 (05/06/2009)

>   Mỹ bác bỏ kế hoạch thoái lui khỏi TARP của JPMorgan và Amex (05/06/2009)

>   Làng công nghệ Đài Loan qua rồi thời “mai danh ẩn tích” (05/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật