Trung Quốc đổi sách lược đầu tư
Gặp phải sự hoài nghi và phản đối của các Chính phủ nước ngoài, các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc phải đầu tư theo “đường vòng” mà việc mua lại một công ty Singapore gần đây là ví dụ.
Chính phủ Trung Quốc và các công ty quốc doanh cỡ lớn do Chính phủ kiểm soát hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên đã không giấu giếm nỗi thèm khát các nguồn lợi ở nước ngoài. Nhưng việc sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ để thâu tóm các công ty ngoại quốc không còn dễ dàng nữa.
Ngay từ năm 2005, Quốc hội Mỹ đã phản đối những nỗ lực của tập đoàn Dầu khí Hải ngoại quốc gia Trung Quốc (CNOOC) mua lại đối thủ cạnh tranh ở Mỹ là tập đoàn dầu khí Unocal. Mới đây tập đoàn khoáng sản hàng đầu của Úc Rio Tinto đã quyết định hủy bỏ hợp đồng góp vốn trị giá 19,5 tỉ đô la Mỹ đã ký với tập đoàn Nhôm quốc doanh Trung Quốc (Chinalco) hồi tháng 2 - 2009, chấp nhận bồi thường cho Chinalco 195 triệu đô la Mỹ. Nếu hợp đồng này được thực hiện, Chinalco sẽ từ vị trí khách hàng chính trở thành cổ đông lớn nhất, nắm giữ 18% cổ phần của Rio Tinto và có quyền tiếp cận những mỏ nhôm, đồng và sắt của Rio Tinto trên khắp thế giới. Sự phản đối, cả trong giới chính trị Úc và trong các cổ đông hiện hữu của Rio Tinto, đã buộc chính phủ Úc phải thận trọng, đến cuối tháng 6 này mới quyết định có phê chuẩn thương vụ này hay không. Nhưng thứ sáu tuần trước Rio Tinto quyết định hủy bỏ hợp đồng nên không còn sự phê chuẩn nào nữa.
Đối diện với thực tế đó, các tập đoàn kinh tế lớn và quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm một con đường vòng, gián tiếp và ít phiền toái hơn để mở rộng hoạt động ở nước ngoài. Một hợp đồng công bố Chủ nhật tuần trước, theo đó tập đoàn dầu khí PetroChina - công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc do nhà nước kiểm soát - mua lại một nửa Công ty lọc dầu Petroleum của Singapore, là một biểu hiện của sách lược mới này.
Mặc dù các nhà sản xuất quảng bá rùm beng để thu hút các nhà đầu tư giữa lúc nguồn vốn tín dụng bị cạn kiệt và giá cả các mặt hàng chiến lược sụt giảm nhanh chóng, các Chính phủ ngoại quốc thường hết sức hoài nghi khi xem xét, phê chuẩn những thương vụ trong đó doanh nghiệp Trung Quốc mua lại toàn bộ một công ty của nước mình. Một trong những lý do dẫn tới nỗi hoài nghi đó là thiếu một sự tin tưởng lẫn nhau: mặc dù Trung Quốc nhiều lần than phiền các thương vụ như CNOOC, Chinalco bị sụp đổ là do tình cảm dân tộc chủ nghĩa hay chủ nghĩa bảo hộ ở các nước đối tác. Nhưng thực tế, Trung Quốc là nước tận dụng tối đa chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế: chính phủ Trung Quốc gần như không bao giờ chấp nhận sự tham gia của các doanh nghiệp không phải Trung Quốc vào các ngành công nghiệp then chốt của nước mình.
Một số dự án đầu tư gần đây của Trung Quốc đã tiến hành theo những con đường vòng: hoặc đầu tư vào các công ty dầu khí quốc doanh do Chính phủ các nước thân hữu kiểm soát, hoặc mua lại các công ty năng lượng ở các quốc gia có thành tích tốt về môi trường kinh doanh, biến các công ty này thành những “Con ngựa thành Troy” để thực hiện chiến lược thâu tóm của Trung Quốc. Trong vòng ba tháng qua, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã cho vay hàng chục tỷ đô la đến các doanh nghiệp dầu khí quốc doanh của Nga và Brazil, đổi lấy những hợp đồng dài hạn về cung cấp dầu thô. Trong thời gian này, CNOOC và PetroChina mỗi tập đoàn đều ký kết những hợp đồng trị giá nhiều tỉ đô la để tham gia phát triển các dự án khí đốt riêng ở Úc, làm nhạt nhòa ranh giới giữa hợp đồng đầu tư và hợp đồng cung cấp nhiên liệu.
Vụ mua lại cổ phần của Công ty lọc dầu Petroleum của Singapore là một con đường khác. PetroChina mua lại 45,5% cổ phần của Công ty Petroleum từ tay tập đoàn Keppel - một tập đoàn tư nhân kinh doanh đa ngành, trong đó công ty đầu tư Temasek của nhà nước Singapore là cổ đông chính. Hoạt động của Keppel không chỉ thu gọn trong phạm vi Singapore mà mở rộng ra nhiều nước Đông Nam Á khác, kể cả Việt Nam. PetroChina đã trả cho Keppel mức giá cao hơn đáng kể so với giá cổ phiếu của Petroleum đang giao dịch trên thị trường. Với trị giá 1,47 tỉ đô la Singapore, tương đương 1 tỉ đô la Mỹ, đây là vụ chuyển nhượng cổ phần lớn nhất ở Singapore từ năm 2001 đến nay, làm cho các nhà đầu tư, các ngân hàng ở đảo quốc này hết sức kinh ngạc. Theo luật doanh nghiệp Singapore, sau khi sở hữu 45,5% tổng số cổ phần của Petroleum và trở thành cổ đông chính, PetroChina có quyền yêu cầu các cổ đông khác bán nốt 54,5% cổ phần còn lại cho mình theo giá thỏa thuận. Vụ mua bán này không quá nổi bật, cũng không mang tính chiến lược đủ để làm dấy lên phản ứng chống lại nó và hiện nay có phần chắc chắn rằng chính phủ Singapore sẽ ủng hộ.
Về phần mình, PetroChina nói rằng, Petroleum của Singapore sẽ là bệ phóng cho những thương vụ mua lại, sáp nhập công ty trong tương lai. Giới quan sát thì dự báo, PetroChina sẽ dùng danh nghĩa của công ty Singapore để theo đuổi những vụ mua lại công ty trên khắp thế giới - những thương vụ mà nếu tiến hành trực tiếp bởi PetroChina sẽ có khả năng bị ngăn chặn bởi các chính phủ nước ngoài. Dù sao, nhờ chính sách cởi mở, công khai và thông thoáng đối với nhà đầu tư nước ngoài, đảo quốc Singapore có tiếng tăm tốt trên trường quốc tế và được chào đón ở các nước phát triển - đó là điều mà PetroChina nhắm tới.
Thực tế, năm 2006 Singapore đã gần như giúp một tập đoàn Trung Quốc thoát khỏi sự trừng phạt của Mỹ khi một dự án đầu tư của Singapore vào công ty hàng không Great Wall Airlines có trụ sở tại Thượng Hải đã dẫn tới việc Bộ Tài chính Mỹ bãi bỏ cấm vận tập đoàn mẹ của nó là Great Wall Industry Corp. mặc dù Mỹ có bằng chứng cho thấy Great Wall Industry Corp. đã cung cấp các bộ phận của tên lửa quân sự cho Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Tuy vậy, giới quan sát cho rằng, những lợi ích mà thương vụ Singapore mang lại cho tập đoàn PetroChina sẽ bị hạn chế. Mối lo ngại về những thương vụ mua bán, sáp nhập do các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc tiến hành vẫn lơ lửng ở nhiều nước, bất kể các thương vụ đó được các tập đoàn Trung Quốc thực hiện trực tiếp hay qua trung gian của các công ty con, công ty đối tác ở nước ngoài, kể cả ở các quốc gia thân thiện. PetroChina và các tập đoàn lớn của Trung Quốc vẫn chưa thể được tự do đầu tư ở bất cứ nơi nào, theo bất cứ phương thức nào họ muốn chừng nào họ chưa thoát khỏi sự kiểm soát của “cổ đông quyết định” ở ngay trong nước là chính phủ Trung Quốc.
Phương Lan (Theo Economist)
Diễn đàn doanh nghiệp
|