Trái phiếu Chính phủ: Chưa hấp dẫn nhà đầu tư, vì sao?
Trái phiếu chính phủ (TPCP) được đánh giá là một kênh đầu tư an toàn, có tính ổn định cao nhờ nguồn vốn thu được từ lãi trái phiếu (TP) không thay đổi trong suốt thời gian nhà đầu tư sở hữu. Tuy nhiên, hiện nay TPCP chưa hấp dẫn nhà đầu tư, do lãi suất thấp hơn lãi suất huy động của ngân hàng…
Theo Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HASTC), phiên đấu thầu 500 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 10 năm, do Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành, tổ chức cuối tháng 5-2009 đã không thành công. Trong phiên này có 500 tỷ đồng TP được đưa ra đấu thầu theo hình thức kết hợp cạnh tranh lãi suất và không cạnh tranh lãi suất. Khối lượng TP đấu thầu không cạnh tranh lãi suất không vượt quá 30% tổng khối lượng gọi thầu. 6 thành viên đã đăng ký tham gia, đặt mua khoảng 444 tỷ đồng, nhưng không ai thành công do không đạt được kỳ vọng về lãi suất. Bởi bên bán đặt lãi suất trần là 8,5%/năm, trong khi lãi suất kỳ vọng các bên mua yêu cầu thấp nhất là 9,25%/năm, cao nhất đến 13,5%/năm. Không riêng phiên đó, trong tháng 4, 5, kết quả giao dịch 6 cuộc đấu thầu TPCP tại HASTC đều không có lãi suất trúng thầu. Phiên đấu thầu 500 tỷ đồng TP được Chính phủ bảo lãnh phát hành, do Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam phát hành ngày 27-5 cũng thất bại, khi lãi suất trần chỉ là 8,8%/năm nhưng lãi suất đăng ký mua thấp nhất lên đến 9,7%/năm và cao nhất là 10,5%/năm. Phiên đấu giá 2.000 tỷ đồng TP Kho bạc Nhà nước ngày 19-5 có lãi suất trần 8,1%/năm cho kỳ hạn 2 năm và 8,3%/năm cho kỳ hạn 3 năm, nhưng bên đặt mua đề nghị lãi suất 8,8-10%/năm. Phiên đấu thầu 1.000 tỷ đồng TPCP, do Kho bạc Nhà nước phát hành đợt 6-2009 (tổ chức vào ngày 4-6) cũng thất bại, không có lãi suất trúng thầu do lãi suất đăng ký tới 9,2-9,5%/năm. Mới đây nhất, kết quả của phiên đấu giá TPCP bảo lãnh do Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam phát hành (tổ chức ngày 9-6) với tổng khối lượng đưa ra là 500 tỷ đồng, mệnh giá 100.000 đồng/TP không khả quan hơn. Chỉ có 3 thành viên tham gia đấu thầu, với khối lượng đăng ký 250 tỷ đồng, lãi suất đăng ký thấp nhất được đưa ra là 9,7%/năm với loại TP kỳ hạn 3 năm; 10,5%/năm loại kỳ hạn 5 năm. Do đó, toàn bộ số TP đã không bán được.
Diễn biến này trái ngược với không khí mua bán TP sôi nổi thời điểm cuối năm 2008. Lãi suất ngân hàng thời điểm đó đã hạ thấp là yếu tố hấp dẫn khiến các nhà đầu tư nước ngoài chuyển mạnh sang đầu tư TP. Tuy nhiên, lãi suất huy động trên thị trường tiền tệ đang tăng mạnh khiến phần lớn nhà đầu tư tập trung vào thị trường tiền tệ hơn là đầu tư vào TP. Theo các nhà đầu tư, để thị trường TP có tính thanh khoản cao, cần phải có lãi suất chuẩn, cần điều chỉnh lãi suất trần cho phù hợp. Lãi suất trần TP hiện tại thấp nên chưa thể đáp ứng được thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, điều hành lãi suất thế nào để TP hấp dẫn, không ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ là một bài toán chưa có lời giải. Đặt giả thiết, nếu tăng lãi suất TP, nhất định lãi suất trên thị trường tiền tệ sẽ tăng theo và điều này ngược với quan điểm của hệ thống ngân hàng là cần giảm lãi suất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Song, nếu không tăng lãi suất lại khó phát hành TP. Về vấn đề này, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu lãi suất thích hợp để TPCP có thể trở thành chuẩn mực cho các công cụ nợ khác trong thời gian tới.
- Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 5-2009 nguồn vốn TPCP đã giải ngân được khoảng 5.390 tỷ đồng (chỉ bằng 15% kế hoạch được giao). Nếu chỉ tính khoản đã giải ngân theo khối lượng hoàn thành thực tế của năm 2009 là 2.570 tỷ đồng, đạt 7,1%.
- Theo kế hoạch, nguồn vốn TPCP đã được giao đến các bộ, ngành và địa phương trong năm 2009 là 36.000 tỷ đồng.
Thanh Nga
Hà Nội mới
|