Thứ Bảy, 20/06/2009 06:41

Thị trường gạo thế giới: Chuẩn bị chu kỳ mới

Công trình hợp tác nghiên cứu công phu của FAO và OECD về sản xuất và thị trường nông sản thế giới công bố cuối năm 2006 cho biết, sau ba năm 2005 - 2007 “khởi động”, giá gạo thế giới tăng vọt để tiến lên sát ngưỡng 300 USD/tấn và rồi liên tục trong chín năm 2008 - 2016 “ngự” trên ngưỡng 310 USD/tấn. Đó là điều đáng mừng với người nông dân trồng lúa cũng như kinh tế nền VN.

Điều này có nghĩa là, giá gạo thế giới sẽ liên tục sốt nóng trong 12 năm 2005 -2016. Và cũng có nghĩa là, sốt lạnh chu kỳ xen kẽ giữa hai cơn sốt nóng từng diễn ra trong lịch sử thị trường nông sản chiến lược nuôi sống hơn một nửa dân số thế giới này sẽ lùi vào dĩ vãng.

Ngược với dự báo

Thế nhưng, điều trớ trêu là, ngay tại thời điểm cho “ra lò” công trình nghiên cứu này (tháng 12/2006), giá gạo thế giới không còn ở dưới ngưỡng 290 USD/tấn như ước tính, mà đã kịp vượt qua ngưỡng 300 USD/tấn (303,5 USD/tấn) và năm 2007 tiếp tục tăng vọt lên 332,4 USD/tấn, chứ không nằm ở dưới ngưỡng 300 USD/tấn như dự báo.

Đặc biệt, với kỷ lục mọi thời đại mới 700,2 USD/tấn năm 2008, giá gạo thế giới đã vượt qua kỷ lục 482,8 USD/tấn được ghi nhận năm 1981 trong vòng nửa thế kỷ qua tới 217,4 USD/tấn và 45,03%, đời sống kinh tế quốc tế lại có thêm một bằng chứng về việc dự báo của hai định chế quốc tế danh tiếng này đã tỏ ra không sát với thực tế.

Không những vậy, khối lượng gạo mua bán trên thị trường thế giới trong dự báo này cũng tréo ngoe thực tế. Bởi lẽ, thay vì 26,6 triệu tấn ước tính năm 2005, khối lượng gạo thực tế XNK tăng vọt lên 29,2 triệu tấn (cao hơn 2,6 triệu tấn và 9,77%) và dự báo các năm 2006-2008 lần lượt là 27,5 triệu tấn; 26,7 triệu tấn và 27,2 triệu tấn, nhưng thực tế là 29,5 triệu tấn; kỷ lục 32,1 triệu tấn và 29,7 triệu tấn (cao hơn dự báo lần lượt là 2 triệu tấn và 7,27%; 5,4 triệu tấn và 20,22%; 2,5 triệu tấn và 9,19%).

Ở đây, cần đặc biệt lưu ý một điều, do đây là mặt hàng nông sản chiến lược nuôi sống hơn một nửa dân số thế giới, nên chỉ cần cung và cầu “vênh nhau” một vài triệu tấn do được mùa hay mất mùa ở các quốc gia sản xuất và tiêu dùng lớn, hay ở các quốc gia xuất khẩu gạo chủ yếu, thì cũng đủ tạo ra các “cơn địa chấn” trên thị trường gạo thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt của chúng ta hiện nay là, giá gạo thế giới trong những năm tới, trước mắt là năm 2010, sẽ biến động theo xu thế nào? Với những động thái hiện nay, có hai căn cứ chủ yếu sau đây để cho rằng, thị trường gạo thế giới khó có thể “bình bình” như dự báo nói trên, mà nhiều khả năng năm 2009 sẽ là năm cuối cùng của cơn sốt nóng chu kỳ hiện nay, hoặc có thể là năm “giao mùa” từ “nóng” chuyển sang “lạnh”, cho nên năm 2010 hoặc sẽ là năm “giao mùa”, hoặc sẽ là năm khởi đầu của cơn sốt lạnh chu kỳ mới:

Thứ nhất, lịch sử thị trường gạo thế giới là một chuỗi cơn sốt nóng lạnh đan xen nhau, cho nên không có căn cứ để cho rằng, bỗng dưng chuỗi này lại bị đứt đoạn. Trước hết, các số liệu thống kê cho thấy, trong vòng ba thập kỷ gần đây, cơn sốt nóng giá gạo thế giới hiện nay đã là cơn sốt nóng thứ tư và xen giữa cứ hai cơn sốt nóng này là một cơn sốt lạnh.

Cụ thể, khởi đầu là cơn sốt nóng thứ nhất với việc giá gạo tăng đột biến từ 272,4 USD/tấn năm 1977 lên 367,5 USD/tấn năm 1978 (tăng 95,1 USD/tấn và 34,91%), kết thúc vào năm 1981 với kỷ lục “mọi thời đại” 482,8 USD/tấn trong vòng 48 năm 1960 - 2007. Tiếp theo, có thể coi năm 1982 là năm “giao mùa” do giá gạo thế giới tụt dốc rất mạnh xuống chỉ còn 293,4 USD/tấn (giảm 189,4 USD/tấn và 39,23%), còn bốn năm 1983-1986 là cơn sốt lạnh thứ nhất với mức “đáy” chỉ với 195,7 USD/tấn năm 1986 và năm 1987 cũng là một năm “giao mùa” từ “lạnh” sang “nóng”.

Tuy nhiên, nếu coi từ 1988-1992 là cơn sốt nóng thứ hai và bốn năm 1995-1998 là cơn sốt nóng thứ ba thì xen giữa hai cơn sốt nóng này không phải là một cơn sốt lạnh đích thực do mức độ rơi tự do của giá gạo cũng không quá lớn và thời gian chỉ kéo dài hai năm (1993-1994).

Thế nhưng, sau cơn sốt nóng thứ ba, năm 1999 là năm “giao mùa” từ “nóng” chuyển sang “lạnh” và bốn năm 2000-2003 cũng thực sự là cơn sốt lạnh (thứ ba) với việc giá gạo thế giới chạm “đáy” chỉ với 172,7 USD/tấn, thấp kỷ lục trong ba thập kỷ qua, còn năm 2004 cũng là một năm “giao mùa” từ “lạnh” chuyển sang “nóng”.

Nếu coi năm 2005 là năm khởi đầu của cơn sốt nóng thứ tư với việc giá gạo thế giới tăng mạnh 42,1 USD/tấn và 17,13%, thì cơn sốt nóng hiện nay cũng đã kéo dài bốn năm với kỷ lục mọi thời đại mới 700,2 USD/tấn năm 2008, vượt kỷ lục mọi thời đại cũ (năm 1981) tới 217,4 USD/tấn và 45,03%.

Thứ hai, vấn đề mấu chốt trong việc cho rằng, tiếp theo cơn sốt nóng hiện nay, cũng như các cơn sốt nóng chu kỳ trước đây, sẽ phải là một cơn sốt lạnh là do sốt nóng giá gạo thế giới trong một khoảng thời gian dài như vậy đã tạo ra sức ép ngày càng lớn buộc hầu hết các quốc gia sản xuất và tiêu dùng gạo trên thế giới phải quan tâm đẩy mạnh sản xuất. Đồng thời chính các cơn sốt nóng này cũng tạo ra nguồn động lực ngày càng mạnh thúc đẩy ngành nông nghiệp của các quốc gia chăm lo đặc biệt tới việc gia tăng tối đa sản lượng lúa để bảo đảm an ninh lương thực cho mình.

Thế nhưng, cũng chính vì vậy, một khi sản lượng lúa gạo của các quốc gia đã tăng và sau khoảng 4-5 năm liên tục tăng như vậy, tình trạng thừa lại xuất hiện, giá gạo thế giới bắt đầu giảm, đồng nghĩa với nguồn động lực này suy giảm, sản lượng lúa gạo cũng chững lại, thậm chí tụt dốc liên tục, trong khi nhu cầu tiêu dùng nói chung vẫn tăng, và sau cũng khoảng 4-5 năm liên tục như vậy, cán cân cung - cầu mất cân đối dần khiến cơn sốt nóng chu kỳ tiếp theo lại “có đất” để xuất hiện trở lại.

Các số liệu thống kê về sản lượng, tiêu dùng và tồn kho gạo thế giới cho thấy rất rõ những biến động có tính chất chu kỳ đó. Chẳng hạn, chỉ kể từ năm 1995 trở lại đây, nếu như trong giai đoạn 1995-2000 sản lượng gạo thế giới liên tục tăng và đạt mức “đỉnh” 409,1 triệu tấn (tăng bình quân 2,37%/năm), thì tiêu dùng tuy cũng liên tục tăng và cũng đạt mức “đỉnh” tròn trĩnh 400 USD/tấn, nhưng bình quân chỉ tăng 1,84%/năm, còn trong ba năm tiếp theo (2001-2003), trong khi sản lượng tụt dốc và “chạm đáy” chỉ với 378,6 triệu tấn, tức là giảm 1,93%/năm, thì nhu cầu vẫn tăng và đạt mức “đỉnh” mới 408,3 triệu tấn.

Chính do sự “lệch pha” như vậy của cung và cầu, nếu như tồn kho gạo thế giới trong giai đoạn 1995-2000 tăng từ 117,8 triệu tấn lên 143,1 triệu tấn (tăng rất mạnh 25,3 triệu tấn và 21,48%), thì năm 2004 rơi tự do xuống chỉ còn 103,3 triệu tấn (giảm 39,8 triệu tấn và 27,81%). Không những vậy, cho dù hai năm liên tiếp sau đó sản lượng cũng đã tăng trở lại, nhưng nhu cầu cũng tăng, cho nên tồn kho gạo thế giới năm 2005 “chạm đáy” chỉ với 73,2 triệu tấn, tức là tiếp tục rơi tự do 30,1 triệu tấn và 29,14%, cho nên tổng cộng đã giảm 69,9 triệu tấn và 48,85% so với kỷ lục chỉ cách đó năm năm.

Sẽ có “sốt lạnh”?

Rõ ràng, việc “bồ thóc” đầy lên chính là nguyên nhân cốt lõi khiến cho thị trường gạo thế giới từ sốt nóng những năm giữa thập kỷ 90 chuyển sang sốt lạnh kỷ lục chưa từng có trong những năm cuối thập kỷ trước và đầu thập kỷ hiện nay. Và ngược lại, việc bị vơi đi gần một nửa vào giữa thập kỷ này cũng chính là nguyên nhân cốt lõi khiến cho thị trường gạo thế giới “quay ngoắt 180 độ” từ sốt lạnh kỷ lục sang sốt nóng kỷ lục như hiện nay.

Mặc dù vậy, có thể nói rằng, việc thị trường gạo thế giới hoảng loạn trong năm 2008 còn bắt nguồn từ hai lý do tâm lý giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, cho dù tồn kho gạo thế giới năm 2008 vẫn còn rất thấp, nhưng đã tăng khá so với năm 2007 (5,53 triệu tấn và 7,37%) do tiếp tục được mùa lớn (tăng gần 13,1 triệu tấn và 3,11%), trong khi tiêu dùng tuy vẫn tiếp tục tăng, nhưng chỉ tăng nhẹ (6,659 triệu tấn và 1,58%). Điều này có nghĩa là, an ninh lúa gạo thế giới tuy vẫn không thể nói là vững chắc, nhưng vẫn tiếp tục được cải thiện.

Trong khi đó, hai yếu tố tâm lý sau đây giữ vai trò đặc biệt trong việc gây ra sự hoảng loạn. Trước hết, đó là đợt rét khủng khiếp nhiều thập kỷ mới có một lần kéo dài từ cuối năm 2007 sang năm 2008 đã đe dọa mùa màng của Trung Quốc và của cường quốc XK gạo số hai thế giới VN, cũng như của một số quốc gia Châu Á khác, đặc biệt là trong điều kiện an ninh lúa gạo thế giới có bước “thụt lùi” trong năm 2007. Tiếp theo, đó là những tháng đầu năm 2008 cũng đang là thời đoạn thị trường nguyên liệu thế giới tiếp tục cơn sốt nóng khủng khiếp, cho nên một mặt có tác dụng trực tiếp đẩy gía gạo thế giới tăng, và mặt khác, cũng không thể loại trừ khả năng thúc đẩy các nhà đầu cơ vào cuộc.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, sốt nóng giá gạo thế giới lên tới kỷ lục “mọi thời đại” 700,2 USD/tấn năm 2008 chủ yếu vẫn là cơn sốt “ảo” và do vậy, với triển vọng năm nay tiếp tục được mùa khá lớn như dự báo tháng 6 này của Cơ quan Phân tích Toàn cầu thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, việc nó rơi tự do trong năm nay là điều gần như chắc chắn.

Cụ thể, dự báo này cho thấy, sản lượng gạo năm nay sẽ tiếp tục tăng 10,15 triệu tấn, tương ứng với tốc độ tăng 2,34%, trong khi tiêu dùng chỉ tăng 6,4 triệu tấn và xấp xỉ 1,50%, cho nên tồn kho gạo thế giới tăng rất mạnh lên 89,9 triệu tấn, tương ứng với tốc độ tăng xấp xỉ 11,50%. Bên cạnh đó, ngược lại với các yếu tố tâm lý đẩy giá gạo thế giới tăng cao trong năm 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ là yếu tố kéo giá gạo thế giới vốn đang trên đà giảm từ giữa năm 2008 đến nay giảm mạnh hơn.

Cũng từ những lôgíc nói trên, với triển vọng cân đối cung - cầu trong năm 2010 sắp tới tiếp tục sáng sủa hơn, cho nên rất có thể đây hoặc sẽ là năm “giao mùa” từ “nóng” chuyển sang “lạnh”, hoặc sẽ là năm khởi đầu của một cơn sốt lạnh mới.

Cụ thể, theo dự báo vẫn của cơ quan nói trên, năm 2010 sẽ là năm thứ sáu liên tiếp được mùa với tổng mức tăng 69,9 triệu tấn, còn tiêu dùng gạo chỉ mới qua 4 năm liên tục tăng với tổng mức tăng trên 34 triệu tấn, cho nên XNK gạo thế giới cũng chỉ dừng lại ở mức tương tự như năm 2008 (29,6 triệu tấn), đặc biệt là tồn kho gạo thế giới sẽ đạt xấp xỉ 95 triệu tấn, tăng gần 21,8 triệu tấn và 29,77% so với mức đáy 73,2 triệu tấn năm 2005.

Giá gạo thế giới năm 2010 tiếp tục giảm là điều hầu như chắc chắn và một khi giá gạo vẫn chưa “chạm đáy”, tức là nguồn động lực thúc đẩy sản xuất phát triển chỉ mới yếu đi, sản lượng sẽ còn tiếp tục tăng, an ninh lúa gạo tiếp tục được cải thiện, khiến giá gạo thế giới tiếp tục giảm và “vòng xoáy” này cứ tiếp tục.

Những điều nói trên có nghĩa là, thay vì chỉ bảo đảm được 9,30 tuần lễ năm 2005, tồn kho gạo thế giới năm 2010 sẽ đủ bảo đảm tiêu dùng của thế giới trong 11,13 tuần lễ, tức là an ninh lúa gạo thế giới đã được cải thiện rất đáng kể.

Trong điều kiện như vậy, việc giá gạo thế giới năm 2010 tiếp tục giảm là điều hầu như chắc chắn và một khi giá gạo vẫn chưa “chạm đáy”, tức là nguồn động lực thúc đẩy sản xuất phát triển chỉ mới yếu đi, sản lượng sẽ còn tiếp tục tăng, an ninh lúa gạo tiếp tục được cải thiện, khiến gía gạo thế giới tiếp tục giảm và “vòng xoáy” này cứ tiếp tục.

Nói tóm lại, chính tương quan cung - cầu gạo quyết định giá cả thế giới, còn giá cả là công cụ tạo ra động lực thúc đẩy, hoặc trở thành chiếc phanh hãm sản xuất và các khoảng thời gian chừng năm năm là đủ dài để cung trở nên quá lớn so với cầu, hoặc cung đứng trước nguy cơ không còn đủ đáp ứng cầu, khiến giá cả liên tục bị tụt dốc mạnh, hoặc liên tục bị đẩy lên cao. Đó chính là lý do cơ bản khiến giá gạo thế giới thường xuyên biến động theo kiểu “hình sin” như thực tiễn đời sống kinh tế thế giới, cho nên sau cơn sốt nóng chu kỳ hiện đang đi đến “hồi kết” ắt sẽ là một cơn sốt lạnh mới, cho nên rất khó có thể xảy ra tình trạng “đi ngang” trong thời gian tới tận 12 năm như dự báo của FAO và OECD.

Nguyễn Đình Bích

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Hội nghị thượng đỉnh EU: Lập cơ chế giám sát chặt ngân hàng (20/06/2009)

>   Mạnh tay lobby cho giá dầu (20/06/2009)

>   Nhật công bố Sách Trắng về kinh tế năm 2009 (20/06/2009)

>   Niềm tin phục hồi, CK châu Âu tăng 1.3% (20/06/2009)

>   Mỹ tiết lộ kế hoạch cải tổ hệ thống điều lệ ngân hàng (19/06/2009)

>   Giá dầu đang hướng tới mức 72 USD mỗi thùng (19/06/2009)

>   Máy bay Airbus, Boeing ế chỏng chơ (19/06/2009)

>   CK Châu Á tìm lại sắc xanh nhờ số liệu kinh tế Mỹ (19/06/2009)

>   Tình hình KT - TC thế giới từ ngày 11/6 - 18/6/2009 (19/06/2009)

>   Nhu cầu cao su của Trung Quốc có thể tăng 8,5% trong năm tới (19/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật