Phát hành trái phiếu: “Cung và cầu có chuyện”
Kết quả của 12 đợt phát hành trái phiếu chính phủ bằng tiền đồng từ đầu năm đến nay hầu hết thất bại do lãi suất trái phiếu không hấp dẫn người mua. Trong điều kiện đó, Chính phủ vẫn đề xuất với Quốc hội phát hành thêm 20.000 tỉ đồng trái phiếu để phục vụ cho các gói kích thích kinh tế và chi tiêu chính phủ. Xung quanh vấn đề này, TBKTSG đã có cuộc phỏng vấn Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Thưa ông, đợt phát hành trái phiếu gần nhất kỳ hạn 10 năm hôm 29-5, tiếp tục thất bại vì nguyên nhân chung là lãi suất không hấp dẫn. Nhưng chúng ta vẫn cần vốn cho các mục tiêu của nền kinh tế, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Phát hành trái phiếu phục vụ cho mục tiêu bội chi ngân sách, đầu tư vào các địa chỉ được Quốc hội thông qua như phát triển giao thông, thủy lợi, kiên cố hóa trường lớp...
Nguồn lực cần phải huy động thông qua kênh trái phiếu rất lớn. Tuy nhiên phát hành trái phiếu thời gian qua chưa thành công xuất phát từ lãi suất thấp, chưa đáp ứng được mong mỏi của các nhà đầu tư.
Mặt khác, Chính phủ gặp khó khăn nếu phát hành trái phiếu lãi suất cao vì phải trả một lượng tiền lãi rất lớn trong tương lai. Đó là gánh nặng cho ngân sách.
Một vấn đề nữa là nếu lãi suất không phù hợp sẽ phát ra thị trường các tín hiệu cho lãi suất trong hệ thống tín dụng, vay và cho vay thương mại. Nên Chính phủ phải hết sức thận trọng. Và làm sao phải đưa ra được lãi suất phù hợp ở cả hai mặt: thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư và đảm bảo yêu cầu trả nợ trong tương lai.
Hiện thực này dẫn đến việc phát hành 20.000 tỉ trái phiếu nữa cũng khó khăn nhưng chúng ta vẫn phải giải quyết trên cơ sở những tín hiệu của kinh tế thị trường sao cho phù hợp.
Lý thuyết thì như vậy nhưng tín hiệu thị trường đã cho thấy vì sao các đợt phát hành đều không thực hiện được. Việc quyết định tiếp tục đưa ra thị trường lượng vốn lớn có tạo nên áp lực quá lớn không, vì lượng vốn chào bán trước đó không được hấp thụ?
Tôi nghĩ rằng việc phát hành 20.000 tỉ trái phiếu vẫn rất cần thiết trong điều kiện hiện nay vì chúng ta vẫn cần nguồn vốn lớn để kích cầu, chống suy giảm kinh tế. Cũng do thiếu vốn nên đầu tư nhiều lúc không đồng bộ, ví như làm cầu thiếu đường và ngược lại. Chính lúc này chúng ta vẫn cần thông qua lượng vốn đó vì đây là lúc giá vật tư, nguyên liệu, sắt thép đang ở mức thấp. Tung tiền ra là có lợi.
Nhưng cùng lúc chúng ta đang phải bù đắp bội chi ngân sách 87.000 tỉ do hụt thu và nếu Quốc hội quyết định mức bội chi cao hơn, cộng với vốn trái phiếu 56.000 tỉ Quốc hội đã cho phép phát hành trong năm nay và chuyển từ năm 2008 sang khoảng 7.700 tỉ đồng thì có thể nói lên đến gần 64.000 tỉ đồng trái phiếu, cộng với lượng tiền để bù lãi suất cho vay, dẫn đến bội chi rất lớn.
Điều này tạo nên một áp lực phải đi vay để bù đắp và trang trải. Như vậy phải tính mức lãi suất nào cho phù hợp. Tôi nghĩ đây là lúc khó khăn. Phải thông qua cơ chế thị trường để có mức lãi suất hợp lý.
Vậy theo ông, cơ chế lãi suất như thế nào là hợp lý?
Theo tôi phải có sự cân đối với các lãi suất khác, kể cả lãi suất của hệ thống tín dụng, thương mại, mức sinh lời của cổ tức, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Phải cân đong vì thị trường tài chính cũng như các thị trường khác hoạt động theo quy luật cung - cầu. Mà điều quan trọng nhất lúc này là cầu với cung đang có chuyện.
Chúng ta phải chấp nhận cơ chế điều phối lãi suất trái phiếu theo tín hiệu thị trường, các nhà đầu tư tài chính phải cân đối, đưa ra mức lãi suất phù hợp nhất. Nếu vay được lúc này thì hiệu quả tương lai đem lại có thể bù đắp được những gì đang bỏ ra cho hiện tại.
Một áp lực khác nữa là trái phiếu quốc tế do Việt Nam phát hành đang được các nhà đầu tư chủ chốt trên thị trường là các ngân hàng mua lại vì lãi suất trái phiếu bằng đồng đô la đang hấp dẫn hơn nhiều lãi suất tiết kiệm cùng loại.
Trong báo cáo giám sát về quản lý, sử dụng vốn kích cầu có nguồn gốc từ ngân sách, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã nói trong khi chúng ta đang bị những áp lực cung cầu trên thị trường huy động vốn thì phải sử dụng năng lực tài chính hiện có. Ví dụ như tồn ngân kho bạc, tồn quỹ của các quỹ tài chính của Bảo Việt.
Các quỹ dự trữ hợp pháp còn lớn thì có thể sử dụng những quỹ này để đầu tư trong khi chúng ta chưa kịp thu hút. Lúc này chúng ta phải có sự điều phối. Chính phủ thông qua Bộ Tài chính phải điều phối vấn đề này và trong Luật Quản lý nợ công, đang tính toán cả những yếu tố đó, làm sao có một nhạc trưởng cho việc quản lý các nguồn vay của Nhà nước.
Thị trường như bình thông nhau, nếu có áp lực trong nước phải tính đến thị trường nước ngoài. Chính phủ phải đưa ra được phương án hợp lý, phù hợp cho từng thời điểm.
Có một thực tế là dự toán chi năm 2008 chưa sử dụng hết phải chuyển sang năm 2009 hơn 60.000 tỉ đồng. Với một lượng chuyển nguồn lớn như vậy thì việc phát hành thêm trái phiếu có khả thi không?
Đầu tư của chúng ta luôn trong tình trạng hệ số ICOR cao và còn có thể tăng lên vì tăng trưởng chủ yếu thông qua đầu tư. Vậy tính toán làm sao để hạn chế ICOR tăng cao là mục tiêu hàng đầu. Từ tính toán đó quan trọng nhất là đầu tư có hiệu quả. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã cảnh báo rằng bội chi tiếp tục cao, chi chuyển nguồn lớn cũng thể hiện sự thâm hụt đáng báo động. Chúng tôi đã có những báo cáo đó, kể cả báo cáo về việc sử dụng nguồn vốn kích cầu.
Có một thực tế khác là khả năng hấp thụ vốn kém vì chi cho đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước hiện tại vẫn thông qua các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước trong khi kết quả tăng trưởng giá trị sản xuất của khối này đang ở mức thấp nhất, thậm chí là âm so với các khối doanh nghiệp khác? Theo ông, giải quyết vấn đề này thế nào để đồng vốn có hiệu quả?
Giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân và Quốc hội cũng đang bàn để giải quyết nguyên nhân đó thông qua cơ chế, cải cách thủ tục hành chính. Một vấn đề nữa là giải phóng mặt bằng hay những vướng mắc từ Luật Đất đai và năng lực doanh nghiệp, nhà thầu. Vì thế Quốc hội vừa phải giải quyết về cơ chế chính sách, sửa Luật Đầu tư xây dựng cơ bản đồng thời với sửa sáu luật khác.
Ngoài ra cần tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường giám sát. Chúng tôi tăng cường giám sát nguồn vốn kích cầu, đúng đối tượng, trong ngắn hạn, không cho phép kéo dài. Nên nhớ lượng vốn như thế chỉ là tình thế và là giải pháp cấp bách trong điều kiện bất thường, coi đây là cú hích để kinh tế trở lại. Ủy ban đã tiến hành giám sát và chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát trái phiếu, giám sát mua sắm trang thiết bị chi tiêu công và giám sát nguồn vốn bù lãi suất.
Ngọc Lan
TBKTSG
|