Thứ Ba, 09/06/2009 11:59

Ngành công nghiệp ôtô sẽ đi về đâu?

Thị Trường ôtô thế giới thời gian qua đã khủng hoảng nặng nề. Số lượng ô tô bán ra giảm mạnh ở khắp các châu lục Á, Âu và Mỹ, các thông báo mới về việc đóng cửa nhà máy xuất hiện liên tục, không có nhà sản xuất nào tránh khỏi việc phải xem xét lại triển vọng lợi nhuận.

Theo số liệu thống kê, năm 2008 lượng ôtô tiêu thụ trên toàn thế giới đã giảm trên 10 triệu chiếc và dự báo năm 2009 lượng xe ôtô tiêu thụ sẽ giảm khoảng 20 triệu chiếc. Tại nhiều thị trường, mức tiêu thụ giảm tới 50% như Bắc Mỹ,  một số thị trường khác như châu Âu và Nam Mỹ cũng được cho là tiêu thụ xe sẽ giảm mạnh,khoảng 30%- 40%...

"Tâm bão"

"Tâm bão" của cuộc khủng hoảng này nằm tại nước Mỹ. Thị trường  Mỹ mỗi năm tiêu thụ khoảng 16 triệu xe do tác động của khủng hoảng tài chính, chi tiêu thắt chặt việc dùng tiền mua ôtô giảm mạnh với số lượng xe bán ra được đánh giá là giảm hơn 30% vào năm 2008 và dự đoán 50%  trong năm 2009, làm cho nhiều "đại gia" ôtô gặp khó khăn.  "Tam đại gia" ôtô của Mỹ và thế giới là: General Motors ( GM), Ford, Chrysler đang sa vào "vũng lầy" khủng hoảng.

GM, nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới trong gần một thế kỷ cuối cùng phải tuyên bố xin bảo hộ phá sản vào ngày1/6/2009. Theo báo cáo của GM, tổng tài sản của tập đoàn khi đệ đơn xin phá sản là 82,3 tỷ USD và tổng nợ là 172,8 tỷ. Họ đã bị lỗ lớn liên tiếp năm 2007, 2008 và quý 1/2009 với số lỗ hơn 75 tỷ USD. Khoản viện trợ 19,4 tỷ USD từ Chính phủ Mỹ cùng với 9,5 tỷ USD từ Chính phủ Canada cũng không thể giúp GM vượt qua cơn khủng hoảng.

Đã có 13 nhà máy của GM tại Mỹ và Mexico phải đóng cửa tạm thời cà theo kế hoạch 9 nhà máy tiép sẽ bị đóng cửa và 3 nhà máy sẽ bị thu hẹp sản xuất. Nhiều thương hiệu xe nổi tiếng của "đại gia" này như Humer, Cadilac, Saturn, Pontiac và Opel... đã được đem bán hoặc khai tử, khoảng 150.000 lao động đã được cho nghỉ việc. Thị phần ôtô của GM giảm mạnh trên toàn thế giới và nước Mỹ, với mức giảm tới 40%, lượng tồn kho ôtô tăng cao gây ra nhiều khó khăn  và cuối cùng họ đã không tránh khỏi việc phải phá sản để rũ bỏ bớt nợ nần, tái cơ cấu.

Chrysler và Ford cũng trong tình cảnh nợ nần chồng chất, sản xuất thiéu hiệu quả. Hai tập đoàn này đã  thua lỗ liên miên, sản lượng xe tiêu thụ giảm mạnh, các nhà máy phải đóng cửa ngày càng tăng. Ford đã đóng cửa 4 nhà máy tại Mỹ và hàng nghìn công nhân phải nghỉ việc, theo dự báo từ nay đến 2012 Ford sẽ phải đóng cửa khoảng 14 nhà máy và lượng công nhân nghỉ việc lên đến hàng chục nghìn người.

Chrysler thì được Cong ty mẹ là DaimlerChrysler  rao bán với giá 7,4 tỷ USD. Năm 1998, Daimler-Benz đã phải bỏ ra tới 36 tỷ USD để sở hữu Chrysler.

Sau khi "tam đại gia" của ngành ôtô Mỹ và thế giới gặp khó khăn, đến lượt "ông lớn" của Nhật Bản là Toyota cũng "sa chân". Hơn 70 năm tồn tại và phát triển, đến 2008,  Tập đoàn này lần đầu tiên bị thua lỗ với số lỗ là 4,4 tỷ USD. Quý 1/29009 thua lỗ còn nặng nề hơn với Toyota là 7,7 tỷ USD. Theo dự báo cả năm 2009 Toyota sẽ thua lỗ khoảng 8,6 tỷ USD. Nguyên nhân thua lỗ được lý giải là tiêu thụ xe tại thị trường Bắc Mỹ và châu Âu giảm mạnh và lượng xe tồn đọng lớn.

Sai lầm từ nhiều năm trước

Nhiều ý kiến vẫn cho rằng nguyên nhân chính là do ngành công nghiệp ôtô rất nhạy cảm với những dao động về mức độ chi tiêu của người tiêu dùng. Do chi phí để mua một chiếc ôtô mới đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp tương đối lớn, nên người ta dễ dàng đưa ra quyết định hoãn mua sắm thêm vài tháng, thậm chí cả năm. Hơn nữa, ngành công nghiệp ôtô luôn luôn chịu tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng tín dụng. Ở các nước phát triển, 3/4 khách hàng vay tiền ngân hàng mua sắm xe mới, cho nên khi điều kiện vay mượn trở nên khó khăn hơn, doanh số bán ra của các tập đoàn sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức. Lượng xe tồn kho lớn là gánh nặng cho các nhà sản xuất và đẩy người lao động vào cảnh thất nghiệp từng phần.

Nhưng theo một số phân tich thì  cuộc khủng hoảng công nghiệp ôtô đã bắt nguồn từ trước đó. Ông Michel Peeae, Tổng Giám đốc Công ty Ford Việt Nam cho biết, mầm mống của cuộc khủng hoảng trong ngành công nghiệp ôtô đã bắt đầu từ khá lâu trước đó. Ngay trước đó các tập đoàn ôtô đã liên tục mở rộng sản xuất xây dựng khá nhiều nhà máy tại Mỹ cũng như các nước khác làm cho chi phí đầu tư, chi phí nhân công, quỹ phúc lợi... tăng mạnh, sản lượng xe cũng không ngừng tăng lên.

Tốc độ phát triển quá nhanh dẫn đến dư thừa công suất trong khi nhu cầu của một số thị trường lớn cứ dần bão hoà. Theo thống kê, năm 2006 toàn thế giới sản xuất tới hơn 70 triệu ôtô các loại, tăng 5% so với 2005 và năm 2007 số xe ôtô sản xuất tuy có giảm  nhưng cũng vượt trên 60 triệu chiếc. Điều này đã báo hiệu một cuộc khủng hoảng thừa trong tương lai gần và khi giá dầu thô tăng cao, rồi khủng hoảng tài chính diễn ra thì ngành công nghiệp ôtô gánh hậu quả lớn.

Ngay tại thị trường  Mỹ trong 5 năm qua lượng xe tiêu thụ hàng năm không tăng nhiều chỉ ổn định ở mức 15 -16 triệu xe/năm, nhưng các nhà máy ôtô vẫn liên tục mọc lên, các tập đoàn ôtô trên thế giới vẫn không ngừng tăng sản lượng tại đây vượt quá cả lượng xe tiêu thụ.

Trên thực tế, không phải đến khi khủng hoảng tài chính diễn ra ngành công nghiệp ôtô mới bị tác động mà ngay từ 2005 "tam đại gia" của ngành công nghiệp ôtô Mỹ và thế giới đã bắt đầu "lâm nạn" . Cụ thể  GM ngay quý 4/2005 đã thua lỗ tới 4,8 tỷ USD, sang năm 2006 thua lỗ tiếp khoảng 10 tỷ USD, năm  2007 thua lỗ 38,7 tỷ USD. Ford trong năm 2006 đã thua lỗ 12,6 tỷ USD, năm 2007 lỗ 2,7 tỷ USD. Chrysler năm 2006 đã thu lỗ 1,5 tỷ USD, 2007 là 1,6 tỷ USD. Lý giải về sự thua lỗ của 3 "ông lớn" này người ta cho rằng chỉ có một nguyên nhân, đó là lượng xe sản xuất ra quá lớn dẫn đến cung vượt cầu. Năm 2006, 3 tập đoàn lớn này đã sản xuất trên 25 triệu xe chiếm khoảng 40% sản lượng xe toàn cầu.  Số lượng xe tăng cao, chi phí tăng cao nhưng bán hàng không như mong đợi đã họ rơi vào vòng thua lỗ.

Bên cạnh đó việc chậm thay đổi mẫu mã cũng là nguyên nhân dẫn  khó khăn. Ông Wendelin Wiedeking, Giám đốc điều hành hãng sản xuất xe thể thao Đức Porsche, cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồi tệ hiện nay là nhiều nhà sản xuất ô tô đã không chú trọng đổi mới kỹ thuật, một số công ty vẫn sản xuất những loại ôtô cách đây 20 năm và vì vậy không có sức hấp dẫn. Bản thân như mẫu xe Focus của tập đoàn Ford từ khi ra  đời đến nay đã 10 năm nhưng hầu như không có nhiều thay đổi về kỹ thuật.

Các nhà sản xuất cũng không chú trọng tới giảm tiêu hao nhiên liệu dẫn đến khi giá dầu thô tăng cao người tiêu dùng lập tức quay lưng lại với những mẫu xe "bóng mượt và khát xăng" và dẫn đến tồn kho không tiêu thụ được. Lẽ ra ngay từ 2006, khi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trở nên nóng hơn bao giớ hết, ngành công nghiệp ô tô phải tìm một hướng đi mới, thì họ lại chủ quan cho rằng đang trong thời hoàng kim, không cần bất cứ sự thay đổi nào. Và khi giá dầu tăng tốc trong năm 2007, ngành công nghiệp ô tô phải thay đổi phần lớn động cơ của ô tô, thì họ vẫn ảo tưởng rằng giá dầu sẽ lại tụt dốc. Cho đến khi cả hai vấn đề không những giảm đi mà ngày càng nóng lên, hệ quả tất yếu là người tiêu dùng sẽ xa lánh các loại ô tô truyền thống. Đây chính là bài học mà ngành ô tô thế giới phải rút ra,Wendelin Wiedeking nói.

Ngoài ra còn nhiều những nguyên nhân khác như sự quản lý lỏng lẻo, xây dựng kế hoạch phát triển sai lầm cũng như dự báo thiếu chính xác...

Ngành công nghiệp ôtô đi về đâu?

Theo ông Pease  khủng hoảng ôtô tại Bắc Mỹ đã xuống tới đáy, nhưng châu Âu và những thị trường khác vẫn đang tụt dốc. Nhưng không phải xuống đáy rồi là ngay lập tức là sẽ đi lên theo phương thẳng đứng mà nó còn nằm tại đấy một thời gian dài, sau đó mới phục hồi dần dần.

Người đứng đầu tập đoàn sản xuất linh kiện ô tô Continental (Đức) Karl -Thomas Neumann thì dự báo, cuộc khủng hoảng trong ngành công nghiệp ô tô có thể kéo dài tới 5 năm. Từ nay cho đến 2012 chúng ta sẽ còn còn chứng kiến nhiều nhà máy ôtô phải đóng cửa và việc làm bị cắt giảm do khủng hoảng ôtô gây ra.

Ngành công nghiệp chế tạo ô tô toàn cầu có số vốn luân chuyển 2.600 tỷ USD và có khoảng 9 triệu việc làm, tức trên 5% lực lượng lao động trong ngành chế tạo của thế giới, có liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất ô tô và các linh kiện. Mỗi công việc trực tiếp trong ngành ôtô lại hỗ trợ thêm ít nhất 5 việc làm gián tiếp khác trong các dịch vụ liên quan. Điều này có nghĩa trên 50 triệu người sống dựa vào ngành công nghiệp ôtô. Hiện tại mới có khoảng vài triệu người bị mất việc làm và thời gian tới số lao động trong ngành này mất việc còn gia tăng. Đấy là điều nhiều người đã hình dung ra.

Mặc dù vậy thì mọi người vẫn tin tưởng ngành công nghiệp ôtô sẽ phục hồi bởi nhu cầu về ôtô là không thể thiếu được. Dân chúng tại các nước đang phát triển ngày càng giàu lên, đó́ là lý do vì sao IMF dự đoán thế giới sẽ có gần 3 tỷ chiếc xe vào năm 2050, so với 700 triệu hiện nay và  người ta đã hình dung ra một trật tự mới trong ngành công nghiệp ôtô đang định hình. Trong trật tự mới, những cái tên như GM, hay Chrysler sẽ không còn "tung hoành ngang dọc" nữa, thay vào đó là "tứ đại gia" gồm Toyota, Honda, Volkwagen và Ford.

Các phân tích cho thấy, GM sau khi tái cơ cấu, chỉ tập trung vào 4 thương hiệu là Chevrolet, Cadillac, Buick và GMC taif sản lượng của họ cũng giảm mạnh, thị phần cũng giảm mạnh. Chrysler cũng tương tự  và hai "đại gia" này sẽ trở nên nhỏ bé đi rất nhiều.

Toyota tuy đang thua lỗ, thời gian qua đã phải tạm đóng cửa một số nhà máy và sa thải  hàng nghìn công nhân, nhưng vẫn được cho là có nền tảng tài chính lành mạnh, khoản thua lỗ dự báo lên tới 8,6 tỷ USD trong năm 2009 và 4,4 tỷ USD năm 2008 chưa làm họ bị lung lay và đang trong quá trình cơ cấu lại. Thoát khỏi khủng hoảng Toyota sẽ trở thành tập đoàn ôtô lớn nhất thế giới cả về thị phần và sản lượng sản xuất hàng năm.

Tiếp theo là Honda. Hiện tập đoàn thua lỗ không đáng kể và có sản xuất xe máy vẫn đang có lợi nhuận hỗ trợ. Với  xu hướng đẩy mạnh sản xuất những mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu, Honda sẽ được người tiêu dùng đánh giá cao và thời gian tới thị phần của họ sẽ còn tăng lên.

Thứ 3 là Volkwagen. Tập đoàn này đứng đầu châu Âu về thị phần ôtô, bên cạnh đó họ chiếm thị phần lớn tại trung quốc với khoảng gần 40%, trong khủng hoảng lợi nhuận của tập đoàn này có bị giảm, nhưng không thua lỗ và tài chính khá lành mạnh. Những mẫu xe bình dân của họ luôn đổi mới và giá cả hợp lý chắc chắn sẽ chiếm thị phần lớn.

Cuối cùng là Ford, trong thời gian qua tuy  thua lỗ lớn nhưng nhờ khoản vay 24 tỷ USD từ các ngân hàng vào năm 2006, vẫn duy trì được sự độc lập của mình và đang vững bước trong quá trình vượt qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của ngành công nghiệp xe hơi. Ông Michel Pease cho biết, từ nay tất cả các sản phẩm xe hơi của Ford sẽ được thiết kế theo kiểu dáng Kinectic đầy sống động và hướng vào sử dụng động cơ Hybid tiết kiệm nhiên liệu đang được ưa chuộng tại thị trường Bắc Mỹ,sẽ làm nên hình ảnh của Ford hoàn toàn mới và đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Sau khủng hoảng, xu hướng công nghệ chính mà các tập đoàn sản xuất ôtô hướng đến sẽ là những mẫu xe có kiểu dáng đẹp, tiện nghi, thân thiện với môi trường, có lượng tiêu hao nhiên liệu tiết kiệm. Những mẫu xe hybrid ( xăng điện) với lượng tiêu thụ nhiên liệu ở mức 35 km/lít xăng đầu  trở xuống sẽ phổ biến trong thời gian tới và dần dần chuyển sang nhưng mẫu xe không sử dụng nhiên liệu dầu thô là hướng phát triển tất yếu trong thời gian tới và ngành công nghiệp ôtô sẽ bước vào một thời kỳ mới.

Trần Thuỷ

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Chỉ tiêu thương mại điện tử tiêu dùng vẫn giữ mức ổn định (09/06/2009)

>   ADB bổ nhiệm kinh tế gia trưởng người Hàn Quốc (09/06/2009)

>   Nhật Bản dự báo KT thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 1% năm 2010 (09/06/2009)

>   Hội nghị Nhóm Cairns: Hy vọng thổi luồng sinh khí mới cho các cuộc đàm phán WTO (09/06/2009)

>   Côoét yêu cầu ngừng các giao dịch với hai tập đoàn lớn của Arập Xêút (09/06/2009)

>   Hợp tác trong lĩnh vực viễn thông giữa hai bờ eo biển Đài Loan (09/06/2009)

>   Niu Dilân có thể thoát khỏi suy thoái cuối năm nay (09/06/2009)

>   Hai đối thủ Arcandor và Metro có thể hợp nhất (09/06/2009)

>   Phố Wall vươn lên muộn màng (09/06/2009)

>   Chứng khoán châu Âu đảo chiều đi xuống (09/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật