Chủ Nhật, 28/06/2009 11:32

Lỏng lẻo cấp tập đoàn!

Kết quả mới được công bố của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm của tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) trong đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm “bể thử mô hình tàu thuỷ”, kết quả kiểm toán tại tập đoàn Than – khoáng sản (TKV)… đang dấy lên mối lo ngại trong dư luận về hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, các nguồn vốn từ ngân sách tại các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước.

Theo Thanh tra Chính phủ, những tuỳ tiện trong thay đổi địa điểm xây dựng, điều chỉnh dự toán, tự ý điều chỉnh tỷ giá, mua sắm vật tư, thiết bị trị giá hàng triệu USD rồi để không… tại công trình “bể thử mô hình tàu thuỷ” của Vinashin, đã làm thất thoát, lãng phí hàng tỷ đồng vốn ngân sách.

Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã đồng ý với các kiến nghị của Thanh tra như: không quyết toán số tiền trên 3,1 tỉ đồng lãi vay tiền đặt cọc hợp đồng mua thiết bị của Ba Lan bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; thu hồi, hoàn trả trên 409 triệu đồng kinh phí do thanh toán vượt khối lượng thực tế; yêu cầu Vinashin thẩm định chất lượng và giá trị bảy thiết bị không đúng xuất xứ theo hợp đồng trị giá 18.500 USD; chưa quyết toán 180 ngàn USD do thanh toán khối lượng chưa thực hiện cho một công ty nước ngoài… Nhiều công ty con thuộc Vinashin cũng không chịu nổi cách thức quản lý của công ty mẹ.

Mới đây, lãnh đạo 10 công ty thuộc Vinashin đã cùng ký vào đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tập đoàn – công ty mẹ nợ dây dưa một khoản 150 tỉ đồng, khiến các công ty này đứng trước nguy cơ phá sản, hàng ngàn công nhân bị thất nghiệp…

Kết quả kiểm toán mới đây của kiểm toán Nhà nước tại TKV cho thấy, sự điều chỉnh quy mô, vốn đầu tư, thiết kế… của nhiều công trình lớn do TKV làm chủ đầu tư làm tăng vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng, cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn ở tập đoàn này.

Ví dụ như dự án đầu tư, cải tạo cảng Cẩm Phả có vốn đầu tư khoảng 155 tỉ đồng, lãnh đạo TKV ra quyết định phê duyệt tới bốn lần. Dự án xây dựng trụ sở làm việc liên cơ quan của TKV tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), ban đầu dự toán 31 tỉ đồng, sau một lần điều chỉnh đã tăng lên 47 tỉ đồng. Ở công trình này, sự vô lối trong quản lý là rất rõ khi công trình đã thi công, hoàn thành từ tháng 10.2006, nhưng đến 31.12.2007, lãnh đạo TKV mới phê duyệt tổng dự toán.

Tại dự án tượng đài Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, TKV rót vốn đầu tư ban đầu khoảng 9,1 tỉ đồng, sau lần điều chỉnh thứ 3 đã lên tới 23,27 tỉ đồng. Sự thiếu chặt chẽ trong lập dự án, dự toán, thẩm định, phê duyệt thiết kế… ở nhiều công trình, dự án khác của TKV, theo kiểm toán Nhà nước, dẫn đến phải điều chỉnh các dự án, thay đổi thiết kế nhiều lần, đội vốn đầu tư lên cao. Ví dụ như các dự án: nhà máy nhiệt điện Sơn Động, nhà điều hành sản xuất công ty tuyển than Hòn Gai…

Sự thiếu trách nhiệm trong quản lý vốn, trong chấp hành các quy định về đầu tư, xây dựng, quản lý dự án… của các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước là một thực tế diễn ra trong nhiều năm. Những kết quả kiểm tra, kiểm toán, thanh tra ở một số tập đoàn gần đây khẳng định thêm rằng, tình trạng đó vẫn chưa được cải thiện, thậm chí còn diễn biến xấu hơn

TKV còn chỉ định thầu sai quy định hàng chục gói thầu trị giá lên tới hàng trăm tỉ đồng. Trong việc tổ chức đấu thầu cho một số dự án cũng không ít sai phạm như: gói thầu số 5, dự án hệ thống đánh đồng kho chứa than và tiêu thụ than, cơ quan chức năng phát hiện nhà thầu trúng thầu và giành được hợp đồng, thậm chí còn không có tên trong danh sách mời thầu hạn chế. Các dự án lớn như: dự án nhà máy nhiệt điện Na Dương, nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn… đều có sai phạm trong quá trình tổ chức đấu thầu.

Theo kiểm toán Nhà nước, nhiều yếu kém trong quản lý đầu tư, tài chính của TKV: chậm chạp thi công nhiều công trình (như nhà máy điện Na Dương chậm tiến độ tới bốn năm), sử dụng thiết bị sai nguồn gốc xuất xứ… đã gây thiệt hại, lãng phí cho ngân sách Nhà nước. Các khoản đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính của TKV như: ngân hàng, chứng khoán, các quỹ đầu tư… lên tới trên 400 tỉ đồng cho thấy sự tuỳ tiện, lỏng lẻo trong quản lý, sử dụng vốn khá điển hình của một tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước.

Trước đó, kiểm toán Nhà nước đã công bố những sai phạm trong quản lý vốn, tính toán giá điện ở tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đã có những khoản tiền lớn bị phát hiện và được giải thích là tính toán nhầm. Cho dù các tập đoàn: EVN, TKV, Vinashin… giải trình về các kết luận thanh tra, kiểm toán có đưa được ít nhiều những lý lẽ, nguyên nhân khách quan để biện minh cho một số sai phạm, nhưng về cơ bản, những sai phạm, yếu kém trong quản lý của các tập đoàn này mà các cơ quan chức năng phát hiện, vẫn được xác định là đúng đắn.

Sự thiếu trách nhiệm trong quản lý vốn, trong chấp hành các quy định về đầu tư, xây dựng, quản lý dự án… của các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước là một thực tế diễn ra trong nhiều năm. Những kết quả kiểm tra, kiểm toán, thanh tra ở một số tập đoàn gần đây khẳng định thêm rằng, tình trạng đó vẫn chưa được cải thiện, thậm chí còn diễn biến xấu hơn. Nhưng đáng lo là, mới đây, Chính phủ yêu cầu các cơ quan thanh tra giãn bớt các cuộc thanh tra các tập đoàn với lý do là: để các doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn của thời kỳ suy giảm kinh tế.

Được biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu bộ Kế hoạch và đầu tư, trong tháng 7 phải hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ về mô hình hoạt động của các tập đoàn để trình Chính phủ thông qua. Trên cơ sở đó, các biện pháp quản lý, giám sát về hoạt động các tập đoàn sẽ được tăng cường sau một thời gian quá lâu thí điểm mô hình này. Nhưng có lẽ, đi cùng với nghị định này, cần phải có một cơ chế quản lý về tài chính chặt chẽ mới đảm bảo các nguồn lực khổng lồ của đất nước về tài chính, đất đai, khoáng sản… đang được giao cho các tập đoàn, tổng công ty không tiếp tục bị lãng phí, thất thoát.

 Mạnh Quân

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Thị trường bán lẻ thực phẩm vẫn nhiều tiềm năng (28/06/2009)

>   Xây 2 nhà máy nhiệt điện tại Bắc Giang và Long An (28/06/2009)

>   Ngành gỗ xuất khẩu tìm hướng phát triển trong nước (28/06/2009)

>   Thêm hàng nghìn xe nhập khẩu về nước (28/06/2009)

>   Trên 827 tỷ đồng đầu tư xây dựng cao ốc Dragon Tower (28/06/2009)

>   Sốt nhà đất và những làn “sóng” ảo chết người (28/06/2009)

>   TP.HCM phát huy lợi thế đầu tàu kinh tế, tăng cường thu hút FDI (27/06/2009)

>   Nguy cơ lạm phát là có thực (27/06/2009)

>   Khó vì phân cấp (27/06/2009)

>   Sáng nay, khởi công Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 (27/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật