Lãi suất huy động tăng: Vẫn khó hút vốn
Vốn huy động ngắn hạn trên thị trường hiện cũng không dồi dào như năm trước, do các kênh đầu tư khác đã có dấu hiệu phục hồi.
Đỉnh lãi suất huy động đã được thiết lập ở mức 10,1%/năm trong ngày 16/6 tại HDBank cho kỳ hạn 36 tháng và xu hướng chung của lãi suất được nhiều chuyên gia ngành ngân hàng dự báo, sẽ tiếp tục tăng cùng với nhiều chương trình khuyến mãi tiết kiệm được ngân hàng tung ra. Song do lãi suất tăng chủ yếu ở kỳ hạn dài ngày, từ 18 tháng trở lên, nên vẫn khó thu hút được vốn nhàn rỗi trong dân cư. Trong khi đó, tăng trưởng dư nợ tiếp tục được cải thiện.
Số liệu thống kê hoạt động 5 tháng đầu năm của các ngân hàng cho thấy, tỷ lệ dư nợ tăng cao, đạt gần bằng tốc độ huy động vốn. Đến cuối tháng 5/2009, số dư huy động bình quân của DongA Bank đạt 31.368 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2008, bằng 98% kế hoạch năm 2009; dư nợ tín dụng đạt 26.999 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ và bằng 100% kế hoạch năm. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, khoảng 2 tháng trở lại đây, tỷ lệ dư nợ luôn tăng cao hơn huy động vốn.
Hiện lãi suất tiền gửi tăng mạnh ở một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Chẳng hạn, ABBank có 2 sản phẩm tiết kiệm mới với lãi suất rất hấp dẫn lên tới 9,99%/năm. Lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng tại DaiA Bank hiện là 8,6%/năm. Gửi tiết kiệm tại OCB từ ngày 16/6, khách hàng sẽ được tặng lãi suất thưởng tùy theo số tiền gửi. Ngoài ra, khi sổ tiết kiệm đến hạn, khách hàng tiếp tục gửi lại (với số tiền không hạn chế) thì sẽ được tặng lãi suất thưởng lên đến 0,50%/năm…
So với đầu năm 2009, lãi suất tiền gửi đã tăng bình quân khoảng 2%/năm tùy từng kỳ hạn khác nhau, cho dù NHNN tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản. Các dự báo được đưa ra từ nhiều chuyên gia cũng cho thấy, khả năng lãi suất cơ bản sẽ tiếp tục ổn định trong những tháng tới, không thay đổi nhiều so với hiện nay. Thế nhưng, trước xu hướng tín dụng tăng trưởng mạnh 2 tháng qua, các ngân hàng đã chạy đua tăng lãi suất, song vẫn khó hút được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư. Nguyên nhân chính là do giá chứng khoán tăng mạnh đã thu hút nguồn tiền tiết kiệm.
Những người có tiền nhàn rỗi cũng muốn thử sức và tìm cơ hội lợi nhuận cao gấp hai, gấp ba, thậm chí gấp 10 lần trên sàn chứng khoán, thay vì gửi ở ngân hàng như năm trước. Trên thực tế, so với năm 2008, hiện lãi suất tiền gửi đã giảm xuống 2/3. Trong khi đó, chứng khoán đã tăng từ dưới 250 điểm lên gần 500 điểm trong thời gian gần đây. Ngoài ra, bất động sản đã giảm giá khá mạnh so với đợt “sốt” năm 2007 và năm 2008, nên nhiều người đã rút tiền gửi tiết kiệm ngân hàng để sở hữu nhà, đất.
Với những người có nhu cầu về nhà ở thực sự cũng bắt đầu vay vốn ngân hàng trở lại, bên cạnh phần vốn tự có để tranh thủ mua nhà, đất dưới dạng trả góp. Do đó, ngoài áp lực chứng khoán, bất động sản, ngân hàng còn phải tăng tốc huy động tiền nhàn rỗi để đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng tranh thủ cơ hội mở rộng tín dụng cá nhân. Đây cũng là lý do khiến nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất tiền gửi VND. Vì với tín dụng tiêu dùng, ngân hàng được thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận.
Không chỉ khó với nguồn vốn huy động trung, dài hạn (dù lãi suất áp dụng các kỳ hạn dài ngày luôn cao hơn ngắn ngày), tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, vốn huy động ngắn hạn hiện cũng không dồi dào như năm trước, do các kênh đầu tư khác đã có dấu hiệu phục hồi.
Tổng giám đốc Sacombank Trần Xuân Huy cho rằng, trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, khả năng lãi suất tiền gửi sẽ ổn định và khó tăng cao. Tuy nhiên, theo ông Huy, khi các kênh đầu tư khác tăng trưởng trở lại, ngân hàng sẽ khó hút tiền nhàn rỗi hơn trước.
Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải cũng cho hay, nguyên lý chung của thị trường là khi lãi suất giảm, chứng khoán sẽ tăng và ngược lại.
Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán
|