Tăng trưởng tín dụng: Cần thận trọng!
Nếu nguồn vốn không được sử dụng hiệu quả sẽ đẩy tổng tín dụng tăng nhanh, dẫn đến nguy cơ lạm phát.
5 tháng đầu năm nay, hoạt động cho vay của các ngân hàng (NH) được đẩy mạnh. Các NH không chỉ chạy đua với chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất kích cầu, mà còn cạnh tranh gay gắt nhằm chiếm lĩnh thị phần tín dụng cá nhân, trong đó đáng chú ý là tín dụng cầm cố chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng.
Thời gian qua, TTCK khởi sắc trở lại. Thông qua tín dụng tiêu dùng, nhiều khả năng một phần nguồn vốn NH đã chảy vào chứng khoán. Bởi lẽ, các NH khó có thể kiểm soát được mục đích sử dụng vốn của khách hàng. Trên thực tế, trong cuộc đua mở rộng thị phần tín dụng, không ít NH đã cấp hạn mức và điều kiện cho vay khá ưu đãi với khách hàng trong 2 tháng gần đây. Chẳng hạn, SeABank cấp hạn mức vốn tiêu dùng tín chấp lên đến 500 triệu đồng mà không cần khách hàng phải chứng minh mục đích sử dụng vốn.
Đối với tín dụng chứng khoán, một số NH thời gian gần đây đã tăng cường liên kết với CTCK để hỗ trợ vốn vay cho giới kinh doanh chứng khoán. Lãi vay ưu đãi bằng trần cho vay đối với doanh nghiệp là 10,5%/năm được áp dụng tại Agribank, BIDV… Theo các ngân hàng, do năm trước chứng khoán giảm điểm nên chưa có đơn vị nào sử dụng hết "room" cho vay cầm cố (20% vốn điều lệ), do đó cơ hội để triển khai là rất lớn. ACB cho biết, đến nay tỷ lệ cho vay cầm cố chiếm khoảng 12% tổng vốn điều lệ.
Tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng qua có dấu hiệu đi lên và cao hơn tổng huy động tiền gửi từ khách hàng đã gây ra lo ngại về nguy cơ lạm phát cũng như nợ xấu gia tăng. Điều này đã được NH thế giới (WB) cảnh báo. Theo WB, dù chưa tới mức nghiêm trọng, nhưng đang xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống NH Việt Nam có xu hướng tăng, đây là điều cần phải lưu tâm, cần tăng cường chất lượng của công tác giám sát NH, quản lý và theo dõi các luồng chu chuyển vốn quốc tế…
Trên thực tế, gói vốn hỗ trợ lãi suất đã và đang phát huy tác dụng. Nhìn tổng thể, chính sách hỗ trợ lãi suất được thực hiện vì hiệu quả của nền kinh tế nói chung, vì DN và người dân nói riêng để DN và người vay vốn không lâm vào tình trạng phá sản hoặc vỡ nợ. Qua đó, góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an toàn của hệ thống NH trước cuộc khủng hoảng toàn cầu. Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất ngắn hạn bằng VND đến ngày 11/6 là trên 338.431 tỷ đồng. Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng dư nợ tín dụng theo chương trình này là 583.000 tỷ đồng. Còn vốn hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn, đến nay dư nợ là 14.000 tỷ đồng trên kế hoạch dự kiến 70.000 tỷ đồng. NHNN cho biết, đây là tăng trưởng dư nợ mới hoàn toàn, vì cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất hiện hành nghiêm cấm hành vi đảo nợ.
Mối lo ngại hiện nay là nếu nguồn vốn không được sử dụng hiệu quả sẽ đẩy tổng tín dụng tăng nhanh, dẫn đến nguy cơ lạm phát. Các chuyên gia WB cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, khi mà giá cả hàng hóa đang có dấu hiệu tăng lên thì việc lạm phát cao xuất hiện trong 6 tháng cuối năm 2009 là điều khó tránh.
Thời gian qua, lãi huy động VND tiếp tục được các NH điều chỉnh tăng với mức cao nhất được HDBank xác lập trong ngày 16/6 là 10,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất huy động tăng chứng tỏ các NH vẫn đang "khát" vốn cho vay khi tín dụng có xu hướng tăng mạnh. Khi mức lãi suất huy động cao gần bằng trần lãi suất cho vay thì các NH chỉ có thể có lãi thông qua hoạt động cho vay tiêu dùng với lãi suất thỏa thuận cao và khó tránh được việc vốn cho vay tiêu dùng chảy vào chứng khoán trong gần 2 tháng qua. Lãi suất tiền gửi tăng cũng đồng nghĩa với việc nguồn vay có thể khó khăn hơn, lãi suất cầm cố cổ phiếu cũng sẽ tăng theo.
Ngày 13/6, trả lời Quốc hội về nguy cơ tái lạm phát, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để đảm bảo lạm phát cao không xảy ra, Thủ tướng đã chỉ đạo phải theo dõi sát tình hình tài chính tiền tệ, đồng thời chủ động phòng ngừa các khả năng tăng giá các mặt hàng trên thị trường quốc tế.
Vân Linh
Đầu tư chứng khoán
|