Hợp tác ASEAN - Hàn Quốc trên đà phát triển
Ngân hàng Standard Chartered Bank vừa công bố một báo cáo nghiên cứu, trong đó nhận định việc các nước thành viên ASEAN cần vốn, công nghệ tiên tiến và kiến thức cũng như kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ, trong khi Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội mở rộng giao thương tại Đông Nam Á - thị trường được đánh giá là có tiềm năng thay thế thị trường tiêu thụ phương Tây - đang làm cho ASEAN và Hàn Quốc trở thành đối tác đầu tư, thương mại tương đối hoàn hảo của nhau.
Các quốc gia ASEAN hưởng lợi từ nguồn đầu tư trực tiếp và nhu cầu nhập khẩu của Hàn Quốc, trong lúc "xứ sở kim chi" cũng được lợi từ việc tiếp cận các nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú và lao động giá rẻ của khu vực. Theo Giám đốc điều hành Ban Đông Nam Á Ray Ferguson của Standard Chartered Bank, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc vào phần còn lại của châu Á tăng 5 lần trong 10 năm qua và đạt 10,8 tỷ USD năm 2008, với ASEAN là địa bàn tiếp nhận FDI lớn thứ hai. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất nhờ mặt bằng giá cả thấp và đội ngũ lao động lành nghề. Giá trị thương mại trong 2 thập niên qua giữa ASEAN và Hàn Quốc đã tăng trên 10 lần, từ 8,2 tỷ USD lên 90,2 tỷ USD năm 2008. Sáu nền kinh tế lớn của ASEAN gồm Inđônêxia, Thái Lan, Malaixia, Xingapo, Philíppin và Việt Nam -chiếm tới 90% số đó, trong bối cảnh kim ngạch thương mại của Hàn Quốc với 6 quốc gia này đã tăng trên 3 lần kể từ năm 1999.
Xingapo và Malaixia đang là hai nước bạn hàng lớn nhất của Hàn Quốc, với giá trị thương mại hai chiều lần lượt đạt 30 tỷ USD và 15 tỷ USD, nhưng thương mại của Hàn Quốc với Việt Nam và Thái Lan đang gia tăng khá mạnh. Hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc (sau Liên minh châu Âu và Trung Quốc), trong khi Hàn Quốc là bạn hàng lớn thứ năm của ASEAN. Với tổng dân số gần 580 triệu người, ASEAN là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm của Hàn Quốc và là những điểm đến ưa chuộng đối với du khách nước này.
Tháng 5/09, hãng Doosan Heavy Industries của Hàn Quốc đã khai trương nhà máy trị giá 300 triệu USD ở miền Trung Việt Nam, với mục đích đưa nhà máy trở thành một trong những trung tâm sản xuất phụ tùng, linh kiện cho các doanh nghiệp phát điện và thủy lực. Còn ở Thái Lan, các hãng Samsung và LG đã xây dựng các cơ sở chế tạo chiến lược về thiết bị điện tử. Các công ty xây dựng như Hyundai và Daewoo cũng tham gia dự thầu tìm kiếm những hợp đồng có quy mô lớn về phát triển hạ tầng cơ sở trong khu vực.
Chính phủ Hàn Quốc đã dành các khoản viện trợ trên 700 triệu USD trong 10 năm qua để giúp xóa giảm đói nghèo, xây dựng các cơ sở đào tạo kỹ thuật như một phần trong mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong khối ASEAN. Trong kế hoạch mở rộng hệ thống hoán đổi tiền tệ theo Sáng kiến Chiềng Mai, Hàn Quốc dự định đóng góp 19 tỷ USD trong tổng số 120 tỷ USD của quỹ đa phương. Châu Á đang tạo đà cho sự thay đổi nhanh chóng trong trật tự thế giới mà về nhiều phương diện ASEAN và Hàn Quốc là chất xúc tác cho quá trình này. Cả hai bên đều vươn ra khỏi biên giới, tận dụng thế mạnh của mỗi bên và thu lợi từ triển vọng phát triển kinh tế châu lục thời gian tới.
Hoạt động thương mại và đầu tư ASEAN-Hàn Quốc sẽ được thúc đẩy khi Hàn Quốc xúc tiến thực hiện Hiệp định thương mại tự do (FTA). Sau khi chính thức thiết lập quan hệ đối thoại năm 1989 và ra tuyên bố về quan hệ hợp tác toàn diện năm 2004, hai bên đã khởi động FTA từ tháng 8/03, khi một nghiên cứu chung đưa nội dung này vào chính sách kinh tế. Hiệp định mậu dịch tự do về hàng hóa đã được Hàn Quốc ký kết với ASEAN năm 2006, các hiệp định tự do về thương mại và dịch vụ được ký năm 2007/08. Tại Hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra ở đảo Jeju của Hàn Quốc nhân kỷ niệm lần thứ 20 ngày thiết lập quan hệ ASEAN-Hàn Quốc, các nhà lãnh đạo hai bên đã ký FTA về đầu tư, hoàn tất chặng đường dài trong nỗ lực thiết lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc, đồng thời cam kết nâng giá trị thương mại lên 150 tỷ USD vào năm 2015- mục tiêu được đánh giá là có thể thực hiện được nhờ nỗ lực dỡ bỏ dần các rào cản thương mại của cả hai phía.
Trần Ngọc Tiến
TTXVN
|