Dự luật mới của Canađa sẽ khiến các hãng thuốc lá Mỹ lao đao
Vấn đề xuất nhập khẩu thuốc lá giữa Mỹ và Canađa đang trở nên nhạy cảm trong quan hệ mậu dịch vốn ngày càng căng thẳng giữa 2 nước láng giềng này sau khi chính quyền các tỉnh bang Canađa gần đây có các hành động phản ứng đối với chính sách bảo hộ "Người Mỹ mua hàng Mỹ" của Nhà Trắng.
Chính phủ Canađa vừa công bố dự luật sửa đổi Luật Thuốc lá, theo đó cấm bổ sung một số loại hương liệu và chất gây nghiện vào thuốc lá bởi theo họ những sản phẩm có các chất này nhằm đến đối tượng tiêu thụ là trẻ em và thiếu niên. Các loại thuốc lá này chủ yếu có xuất xứ từ Mỹ và nếu dự luật được áp dụng sẽ gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất Mỹ.
Những người trồng thuốc lá ở bang Kentucky (Mỹ) đã phản đối Chính phủ Canađa về dự luật nói trên, khi cho rằng nó sẽ dẫn tới một lệnh cấm phần lớn thuốc lá từ Mỹ xuất khẩu sang Canađa. Các nghị sỹ Mỹ cũng lên tiếng cảnh báo rằng dự luật này vi phạm Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và các hiệp định thương mại song phương khác. Trong khi đó, các nhà sản xuất thuốc lá Mỹ lo ngại nguồn tiêu thụ sẽ bị giảm mạnh và nói rằng việc họ thêm hương liệu trong quá trình chế biến chỉ nhằm làm giảm vị hắc tự nhiên của thuốc lá.
Người phát ngôn Bộ Y tế Canađa cho biết, thuốc lá "kiểu Mỹ" chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng giá trị thị trường thuốc lá Canađa, trong khi việc thêm hương liệu và chất gây nghiện sẽ hấp dẫn thanh thiếu niên hơn và thực chất là chiến thuật tiếp thị của ngành công nghiệp thuốc lá, do đó dự luật mới sẽ ngăn chặn điều này và bảo vệ thanh thiếu niên. Dự luật này sẽ áp dụng công bằng với các loại thuốc lá sản xuất tại cả Mỹ và Canađa.
Nước Mỹ sản xuất khoảng 200 triệu pound thuốc lá mỗi năm, chủ yếu tại 2 bang Kentucky và Tennessee, xuất khẩu 85% số sản phẩm này với các thương hiệu nổi tiếng như Camel, Winston, Gauloises, Davidoff. Các nhà sản xuất thuốc lá nước này lo ngại thị trường Canađa thu hẹp sẽ càng khiến họ lao đao bởi nhu cầu thuốc lá của Mỹ đã giảm đáng kể cùng đà suy thoái kinh tế trong năm qua, công nghiệp thuốc lá Mỹ hiện chỉ duy trì được nhờ xuất khẩu.
Hoàng Tâm Hiếu
TTXVN
|