Thứ Ba, 09/06/2009 13:52

Đồng vốn dân đóng thuế phải quản lý chặt và minh bạch

Vấn đề quản lý vốn nhà nước (NN) tại các doanh nghiệp (DN) luôn là mối quan tâm của NN, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đã và đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính cầu. Chúng tôi đã có buổi trao đổi với TS. Vũ Thành Tự Anh - Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Tp. Hồ Chí Minh xoay quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, trước đây theo cơ chế Bộ, ngành, địa phương quản lý DN thì tất cả các hoạt động của DN đều do cơ quan các Bộ hay Ủy Ban nhân dân quyết định. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cơ chế NN ra mệnh lệnh hành chính không phát huy hiệu quả vốn NN tại các DN. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đầu tiên, cần xác định mục đích của việc quản lý vốn NN ở DN là gì? Nếu mục đích này chỉ dừng lại ở mức độ quản lý về mặt hành chính và cố gắng bảo toàn vốn chứ không phải nhằm phát triển thì việc giao DN NN cho bộ hay chính quyền chủ quản người trực tiếp quản lý họ không nhất thiết phải có kinh nghiệm quản lý vốn thì có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn tạo ra những DN NN có tính cạnh tranh hay làm cho đồng vốn NN khả năng sinh sôi nảy nở một cách bền vững thì tôi nghĩ phải từ bỏ cơ chế quản lý vốn NN tại DN hiện nay.

Cụ thể, nguyên tắc cơ bản đầu tiên là phải tách quản lý hành chính NN ra khỏi hoạt động quản lý kinh doanh của DN. Các quyết định kinh doanh phải do những nhà kinh doanh đưa ra.

Nguyên tắc thứ hai là hoạt động kinh doanh của các công ty có vốn của NN cũng phải chịu sự điều tiết, chịu tác động của hệ thống pháp luật và các quy luật của thị trường. Việc chúng ta tách bạch DN ra khỏi sự quản lý hành chính của NN giúp cho DN có được một thế tương đối độc lập. Và chính nhờ ở vị thế này cùng với động cơ lợi nhuận sẽ giúp cho DN có thể phát triển được.

Nguyên tắc thứ ba là sau khi tách bạch rồi thì vốn của NN trong các DN đó sẽ phải được quản lý. Chúng ta không thể để mặc cho các DN muốn làm gì thì làm vì đó là đồng vốn của NN, hay nói một cách chính xác hơn đó là đồng vốn do người dân đóng thuế nên phải được quản lý một cách chặt chẽ và minh bạch. Tôi thấy việc thành lập SCIC là một bước đi đúng hướng, mặc dù chúng ta còn cần hoàn thiện mô thêm hình này để tăng hiệu lực của nó.

PV: Như vậy, ông cho rằng mô hình SCIC là phù hợp nhằm tách bạch chức năng quản lý hành chính và quản lý kinh doanh đối với nguồn vốn của NN. Theo ông, để đi đến thành công, SCIC cần phải có những điều kiện gì?

Tôi cho rằng sự ra đời của mô hình SCIC là một quyết định đúng đắn. Theo tôi, với nguồn lực về chuyên môn và con người như hiện nay của SCIC thì yếu tố rất quan trọng để SCIC có thể làm việc một cách hiệu quả là phạm vi quản lý của họ phải được thu hẹp lại.

Ở thời điểm này, SCIC không thể đồng thời quản lý hiệu quả hàng trăm DN có vốn NN. Số lượng DN do SCIC quản lý vốn phải được giảm bớt thông qua cải cách DN NN hoặc là quy định SCIC chỉ quản lý một số DN thật sự quan trọng có quy mô vốn NN lớn.

Thứ hai là về con người, phải tăng cường nguồn lực con người cho SCIC, tức là tăng cường chuyên môn và tăng cường về số lượng, phải có nhiều người và nhiều người giỏi. Để làm được điều đó thì cơ chế lương phải khác, cơ chế khuyến khích phải khác và bản thân SCIC cũng phải có được một hành lang pháp lý đủ tốt và đủ rộng để có thể thực hiện chức năng của mình một cách đầy đủ nhất có thể.

Thứ ba là về thẩm quyền, SCIC phải được giao đủ quyền, đặc biệt là về tiếp cận thông tin, để nó có thể thực hiện chức năng quản lý vốn của mình.

PV: Theo ý kiến của ông thì trong thời gian tới, SCIC cần tập trung nỗ lực giảm bớt số lượng DN đang quản lý đồng thời tập trung quản lý các DN chủ chốt, quan trọng đối với nền kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước?

Điều này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực của SCIC. Nói một cách ngắn gọn, nhiệm vụ SCIC được giao phải tương thích với nguồn lực nó có. Vì vậy, với nguồn lực như hiện nay, SCIC phải chấp nhận “nắm lớn buông nhỏ” bởi vì thất thoát vốn tại một DN có số vốn lớn có thể gấp nhiều lần thất thoát ở các DN có vốn nhỏ.

Trong trường hợp thiếu năng lực và nguồn lực quản lý thì phải có ưu tiên, trong đó ưu tiên quản lý những DN lớn và có tầm quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân.

PV: Theo Ông, SCIC có nên phát triển theo định hướng giống như Temasek (DN quản lý vốn NN rất thành công của Singapore) hay không?

Temasek là một trong những mô hình hiếm hoi về việc một DN quản lý vốn NN do NN thành lập nhưng lại tương đối thành công. Tôi nghĩ, Temasek là một bài học cho SCIC nhưng lưu ý số lượng DN NN của Singapore không nhiều như số lượng DN NN của Việt Nam, đồng thời nhân sự của Temasek chuyên nghiệp hơn SCIC rất nhiều.

Để thu hút được những người giỏi nhất vào trong hệ thống NN, Singapore trả lương công chức tương đương với khu vực tư nhân. Chính nhờ điều này mà chuyên gia của Temasek được đào tạo rất tốt và là những người giỏi nhất.

Cho nên với nguồn lực tài chính sẵn có, với nguồn nhân lực chất lượng cao cộng với trách nhiệm không quá lớn (chỉ quản lý một số ít DN nhà nước) thì mô hình Temasek có thể phát huy được tác dụng. Vì vậy, khi chúng ta học tập mô hình Temasek chúng ta phải đặc biệt lưu ý những điểm rất quan trọng này nữa.

PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!

vietnamnet

Các tin tức khác

>   “Tôi không muốn dự án của mình bị cỏ mọc” (09/06/2009)

>   Rối rắm trong tách, nhập DN tại Huyndai - Vinamotor (09/06/2009)

>   Xây nhà máy hàng chục tỉ đồng để "trùm mền" (09/06/2009)

>   VNECO5 trả cổ tức đợt 2 năm 2008 (09/06/2009)

>   NH Đông Á được tăng vốn điều lệ lên 3.400 tỷ đồng (08/06/2009)

>   Thu hồi 2 dự án "treo" của Cty cổ phần Phan Thị (08/06/2009)

>   Xuất khẩu cầu nâng sang Thụy Điển (08/06/2009)

>   UBCKNN phạt 10 triệu đối với 2 công ty đại chúng (08/06/2009)

>   Ngân hàng Mỹ Xuyên được chào bán 50 triệu cổ phiếu (08/06/2009)

>   SDFC trả cổ tức 5 tháng hoạt động năm 2008 (08/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật