CTCP mía đường La Ngà (Đồng Nai):
Xây nhà máy hàng chục tỉ đồng để "trùm mền"
Năm 2002, TCty Mía đường 2 (MĐ2 - đang quản lý 51% vốn nhà nước) đã đồng ý cho Cty CP mía đường La Ngà (MĐLN) xây dựng Nhà máy ván dăm (NMVD) trị giá hơn 20 tỉ đồng với viễn cảnh được "vẽ" rất hoành tráng.
Nhưng từ ngày hoạt động đến nay, nhà máy liên tục lỗ, liên tục "trùm mền" vì thiếu nguyên liệu...
Điều tra của PV, năm 2002, căn cứ theo Nghị quyết của HĐQT, Cty MĐLN đã thuê Cty tư vấn đầu tư và dịch vụ kỹ thuật mía đường lập dự án xây dựng nhà máy sản xuất ván dăm (NMVD), công suất 7.000m3/năm. Dự án được "vẽ" rất hoành tráng: Quy hoạch phát triển ván dăm từ bã mía tới 2010 chỉ 120.000m3/năm, trong khi chỉ có Cty đường Hiệp Hoà công suất 5.000m3/năm và đường Bình Định đang xây dựng... NMVD sẽ tạo việc làm cho gần 100 người, thu hồi vốn chỉ 6 năm 9 tháng sau khi hoạt động.
Tháng 10.2002, đại diện TCty MĐ2 do ông Nguyễn Cao Hùng (Phó Tổng GĐ) chủ trì họp hội đồng thẩm định dự án. Kết quả 100% đồng ý cho triển khai dự án trị giá hơn 22 tỉ đồng (vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển lãi suất ưu đãi 5,4%/năm, thời hạn 8 năm).
Tuy nhiên, ngay từ năm đầu tiên khi đi vào hoạt động, năm 2004, NMVD chỉ sản xuất được hơn 1/7 công suất (hơn 1.200m3/7.000m3). Từ 2005-2008, công suất NMVD chỉ đạt hơn 3.000m3-hơn 6.000m3/năm. Nguyên nhân, theo thiết kế, nếu đủ bã mía (khoảng 300.000 tấn/năm) NMVD hoạt động khoảng 8 tháng/1 năm. Tuy nhiên, NMVD thiếu nguyên liệu, chạy không đủ công suất, nên thường xuyên "trùm mền". Năm 2008, NMVD chỉ hoạt động được 4 tháng.
Từ khi ra đời đến tận giờ này, NMVD chỉ có duy nhất 1 khách hàng lớn (hàng năm mua khoảng 80% sản lượng ván làm ra). Bởi thế, NMVD ngay năm đầu tiên hoạt động, 2004, đã lỗ trên 84 triệu đồng. Năm 2005, lỗ gần 1,6 tỉ đồng. Năm 2006, con số lỗ cũng tương đương 2005. Năm 2008 hoà vốn. "Năm 2009 này, chúng tôi cầm chắc sẽ "âm" hàng trăm triệu nữa!" - một cán bộ có trách nhiệm NMVD ngao ngán.
Ngô Nguyên
lao động
|