Thứ Sáu, 19/06/2009 10:17

Cổ phiếu đại gia: Chào sàn nên theo giá OTC

Sở GDCK TP. HCM đã có công văn chấp thuận niêm yết cho 112,28 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 1,2 tỷ cổ phiếu của Vietcombank. Số lượng cổ phiếu được niêm yết lần này chỉ là cổ phiếu được bán ra trong đợt IPO ngân hàng này trước đó. Tuy nhiên, mức giá chào sàn cổ phiếu VCB vẫn đang là một ẩn số đối với các nhà đầu tư. Không chỉ có Vietcombank mà Vietinbank cũng đang xúc tiến nhanh quá trình niêm yết với mức giá được kỳ vọng của Ban lãnh đạo Ngân hàng là 50.000 đồng/cổ phiếu.

So với Vietcombank thì Vietinbank có nhiều lợi thế hơn khi niêm yết. Thứ nhất, số lượng dự định niêm yết của Vietinbank chỉ có 56 triệu cổ phiếu, bằng một nửa so với Vietcombank. Thứ hai, mức giá đấu bình quân của Vietinbank thấp hơn nhiều so với Vietcombank, chỉ 20.000 đồng/cổ phiếu so với mức bình quân 107.800 đồng/cổ phiếu. Ban lãnh đạo Vietinbank rõ ràng là rất thoải mái khi đưa ra mức giá chào sàn, nhưng mức giá 50.000 đồng/cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư cho rằng đó là kỳ vọng quá lạc quan. Còn Vietcombank, so với tương quan thị trường hiện nay thì bất cứ mức giá "hợp lý" nào ban lãnh đạo ngân hàng này đưa ra cũng khiến những cổ đông đã mua khi đấu giá bị lỗ. Do vậy, mức giá được chọn sẽ phải làm sao đảm bảo cho lợi ích của các cổ đông nhất, đồng thời không làm ảnh hưởng đến thị trường chung.

Giá chào sàn của một cổ phiếu lớn như các cổ phiếu ngân hàng có tác động rất lớn đến thị trường. Nếu mức giá này quá cao, không bám sát giá giao dịch trên thị trường OTC trước đó thì chắc chắn khi lên sàn sẽ có một làn sóng ồ ạt bán ra để hiện thực hóa lợi nhuận. So với những cổ phiếu khác bị định giá thấp một cách tương đối thì các cổ đông có thể chuyển dòng tiền sang những cổ phiếu đó, do vậy, áp lực xả hàng sẽ rất lớn. Những cổ phiếu "hot" nhận được sự quan tâm của công chúng như Vietcombank và Vietinbank, khi chào sàn, nếu có dấu hiệu bị bán chốt lời mạnh mà lực cầu không đủ lớn để đỡ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình chung của thị trường, tạo áp lực giảm điểm với VN-Index. Mặt khác, mức vốn hóa thị trường của khối lượng cổ phiếu được niêm yết của những đơn vị này chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số chứng khoán chung, những biến động không tích cực của nó sẽ tác động mạnh đến Index. Ngược lại, nếu định giá quá thấp thì sẽ không đảm bảo cho quyền lợi của các cổ đông.

Sẽ không thể có nhiều đột biến với giá của cổ phiếu Vietcombank và Vietinbank như với hai cổ phiếu tài chính - ngân hàng khác đã niêm yết là HCM và SHB. Bởi trên thị trường OTC, khi giá cổ phiếu xuống thấp, giao dịch của các cổ phiếu này gần như bị đóng băng nên nguồn cung giá thấp không có. Hơn nữa, khối lượng giao dịch thực tế không lớn, với HCM, lượng cổ phiếu mà tổ chức và CBCNV trong Công ty cam kết nắm giữ chiếm đến hơn 80% khối lượng niêm yết; chỉ còn 20%, tương đương với 8 triệu cổ phiếu do các nhà đầu tư nhỏ nắm giữ. Đây là một tỷ lệ thấp so với các cổ phiếu cùng ngành khác. Còn với SHB, ngân hàng này mới chỉ niêm yết 50 triệu cổ phiếu, chiếm 25% vốn điều lệ của mình, trong số này thì đã có 17,5 triệu cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng.

Hiện nay, trên thị trường OTC, theo bản công bố giá OTC của các CTCK, đến ngày 15/6/2009, giá giao dịch của Vietcombank đang ở mức trên dưới 50.000 đồng/cổ phiếu; giá OTC của Vietinbank được giao dịch tại mức giá 42.000 - 43.000 đồng/cổ phiếu. Nếu với Vietinbank, giá khởi điểm là 50.000 đồng/cổ phiếu thì áp lực chốt lãi sẽ cực lớn bởi tính thanh khoản của Vietinbank trên thị trường do nguồn cung giá thấp ở mức 20.000 đồng/cổ phiếu. Còn với Vietcombank, giá niêm yết cũng sẽ có thể cách xa so với giá đấu bình quân, bởi tính thanh khoản trên thị trường của VCB từ mức giá 3 chấm cho đến gần 5 chấm như hiện nay.

Để đảm bảo tính bền vững cho thị trường cũng như lựa chọn tốt nhất cho cổ đông thì giá chào sàn nên được xem xét trong khoảng giá giao dịch trên OTC của các cổ phiếu này. Do khi mua - bán trên OTC, các nhà đầu tư cũng dựa vào những thông tin mà doanh nghiệp công bố cũng như diễn biến giao dịch tại thị trường tập trung để quyết định. Không nên đưa ra những mức giá quá cao hoặc quá thấp theo ý kiến chủ quan mà nên để thị trường (ở đây là những mức giá đã được giao dịch trên OTC) tự quyết định. Bởi sớm hay muộn, giá cổ phiếu cũng sẽ điều chỉnh và biến động xung quanh mức giá đã được chấp nhận trước đó.

Hải Phương

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Vietinbank sẽ niêm yết khoảng 10% vốn điều lệ (19/06/2009)

>   Thị trường UpCOM khởi động sẽ "nóng" cùng niêm yết? (19/06/2009)

>   Bản công bố thông tin và BCTC Q1/2009 của APECS (19/06/2009)

>   SouthernBank được tăng vốn điều lệ lên 2.304 tỷ đồng (18/06/2009)

>   CTCP Điện nước lắp máy Hải Phòng nộp hồ sơ đăng ký niêm yết CP tại HaSTC (18/06/2009)

>   TienPhongBank tăng VĐL lên 1.750 tỷ đồng vào cuối 2009 (18/06/2009)

>   MB đặt mục tiêu đạt 1.000 tỷ đồng lợi nhuận năm 2009 (18/06/2009)

>   Ngân hàng Phương Nam thay đổi vốn điều lệ (18/06/2009)

>   KQ đấu giá bán CP của Cty Nông sản Thực phẩm XK Cần Thơ (18/06/2009)

>   Sao Bac Dau: Chuyển nhượng 100% vốn tại CTCP Skills Group (18/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật