Thứ Sáu, 05/06/2009 10:35

Chuyện về nghề môi giới OTC

“Dù thị trường niêm yết tăng điểm mạnh, nhưng các giao dịch OTC có dấu hiệu xả hàng, lệnh chào bán nhiều là do thị trường này đã tăng mạnh hôm trước, chiều tối qua có nhiều cổ phiếu khi giá được đẩy lên khá nhanh với những hàng hiếm, như nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng: MB, EAB, EIB”, đó là một đoạn mở đầu bài tường thuật thị trường dài gần 1.000 từ của Thái Ngô Hùng, môi giới OTC tại CTCK FPTS - Chi nhánh TP. HCM.

Ngày nào cũng vậy, Hùng thực hiện một bài thông tin thị trường và gửi cho các môi giới khác thông qua một email chung: vinaotc@googlegroups.com. Đây chỉ là một trong rất nhiều công việc của Hùng với tư cách một môi giới OTC, nhất là trong lúc thị trường tăng nóng.

Không thừa chút nào khi thông báo tuyển dụng nhân viên môi giới OTC của phần lớn CTCK đều kèm theo cụm từ “chịu được áp lực làm việc cao”. Giao dịch trên thị trường OTC không thời gian, không biên độ, nên làm việc ngoài giờ là điều hết sức bình thường. Theo trưởng phòng môi giới một CTCK, bộ phận OTC của công ty ông mới phát triển gần đây khi thị trường sôi động trở lại. Ngoài việc đăng tin mua - bán trên website, công ty còn phải tuyển thêm nhiều cộng tác viên có mặt tại các điểm nóng như MB, một số CTCK có giao dịch OTC sôi động, để tìm nguồn hàng. Tại đó, mỗi môi giới có trách nhiệm tìm kiếm mối hàng và nhận lệnh qua điện thoại. Đó là cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt giữa các môi giới chuyên nghiệp với nhau. Chưa hết, nhiều CTCK còn liên kết với nhau để mua - bán thỏa thuận cổ phiếu niêm yết và môi giới OTC cũng là người chắp nối cung - cầu. Các môi giới thường là cộng tác viên ăn lương theo sản phẩm, nên nếu không năng động, lăn lộn, họ sẽ không có thu nhập. Mức hoa hồng những cộng tác viên này được hưởng thường là 30% phí môi giới cho mỗi lần giao dịch thành công. Trong khi môi giới chuyên nghiệp tại CTCK đòi hỏi khả năng phân tích, nhận định thị trường như đầu tư trên thị trường niêm yết trước khi ra quyết định mua - bán, thì các môi giới tại các sàn MB, Đông Dương “đánh” theo xu hướng đám đông.

Nếu muốn gia nhập đội ngũ môi giới OTC tại sàn MB, điều kiện đầu tiên bạn phải có sức khỏe tốt. Lên sàn này dễ thấy những nam thanh trai tráng tranh thủ ngồi ngủ gật, hoặc các nữ tú mồ hôi nhễ nhại, giọng khản đặc, rao mua - rao bán… Chị Nguyễn Thị Hà tại sàn MB xâm nhập vào nghề môi giới OTC một cách hết sức tình cờ. Lên làm thủ tục bán số cổ phiếu MB mua cách đây vài năm, chứng kiến các môi giới giao dịch sôi động chị bị cuốn hút thực sự. Sau thời gian ngắn bỡ ngỡ với cách thức giao dịch tại sàn này, chị nhanh chóng biết cách chốt lời, cắt lỗ, đánh lên, đánh xuống, vay hàng, trả hàng… “Làm môi giới thực sự vất vả. Làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya, những ngày sóng nhiều không được ngơi nghỉ. Sớm nhất là 9h đêm mới về nhà, thậm chí nhiều hôm kết thúc ngày làm việc vào… sáng hôm sau”, chị Hà cho biết.

Không chỉ căng thẳng thời gian, áp lực trong nghề môi giới OTC là rất lớn. Làm thế nào để ra quyết định mua - bán sáng suốt, đặc biệt với các môi giới đánh khống không bị nhầm lẫn khi mỗi ngày có hàng trăm giao dịch, là việc làm không dễ dàng. Đó là chưa kể đến những rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vụ “nổ” trên 33 tỷ đồng tại sàn MB mới đây là cú thử thách tâm lý cực lớn, khi mỗi môi giới đều có khả năng mất trắng hàng chục triệu đồng/vụ giao dịch. Tại sàn MB, hiện có hàng trăm môi giới như chị Hà. Họ là dân môi giới chuyên nghiệp, cho dù có thuộc quân số của các CTCK hay không.

“Để thành công, phải có mạng lưới rộng để nhận tin mua, tin bán, đồng nghĩa phải có uy tín trong giới OTC. Còn nhỏ lẻ như mình, ngày nọ bù ngày kia nếu chỉ ăn phí môi giới thuần túy thì mỗi tháng cũng được trên 10 triệu đồng”, chị Hà tiết lộ.

Nhận hẳn một bàn tại sàn MB với tấm biển “chuyên mua cổ phiếu SHB, MSB, SHS” chị Ngọc Anh là người chuyên giao dịch cổ phiếu “dòng” SH. Hàng ngày, chị giao dịch đến 8h tối và không có ngày nghỉ. Những hôm thị trường sôi động, chị phải huy động cả người thân lên giúp. Một môi giới OTC tên Dũng cũng cho biết, những ngày này giao dịch cổ phiếu Vietinbank sôi động, nên anh thường xuyên có mặt ở CTCK Vietinbank để tìm mối hàng. Thời gian làm việc của Dũng kéo dài từ sáng đến tối, thậm chí đến đêm vẫn có giao dịch. “Trên thị trường OTC, do không có biên độ, nên chỉ tối nay đến sáng mai giá đã khác rồi. Nếu mình không tỉnh táo thì việc mất hàng chục triệu đồng chỉ sau một đêm là bình thường. Nhiều hôm đang ăn cơm tối cũng phải buông đũa để đi chốt giá với khách hàng”, anh Dũng cho biết.

Làm môi giới OTC quả là nghề cực nhọc nhưng không kém phần thú vị. Vốn không cần nhiều mà quan trọng là ở khả năng nhận định tình hình thị trường, giao tiếp khéo léo, thậm chí phải thêm một tí liều lĩnh. Nếu chỉ đơn thuần làm môi giới mua - bán, mỗi lô cổ phiếu (10.000 cổ phiếu) thì cũng được phí 100.000 đồng. Những ngày giao dịch sôi động, tại sàn MB có những môi giới chốt vài triệu cổ phiếu và thu nhập cũng lên đến hàng chục triệu đồng/ngày. Nhưng đó cũng chỉ là cách “làm công ăn lương”. Quan trọng là đoán được xu hướng giá để đánh lên hay đánh xuống. Tất nhiên, trực tiếp mua - bán thì lời ăn lỗ chịu là lẽ thường.

Càng ngày, thị trường càng có cái nhìn khách quan hơn đối với nghề môi giới cổ phiếu OTC, khi chính họ thông qua nhiều cách khác nhau đã tạo thanh khoản cho thị trường. Nhiều DN sẽ niêm yết, thị trường UPCoM sắp ra đời, thị trường OTC có thể bị thu hẹp nhưng có lẽ nghề môi giới OTC sẽ vẫn có đất sống, bởi còn rất nhiều NĐT cần đến họ.

Hiền Linh

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Nhựa Rạng Đông thông báo trả cổ tức 2008 và thay đổi nhân sự (05/06/2009)

>   Đối tác nước ngoài "nhòm ngó" VietinBank (05/06/2009)

>   Phạt hành chính đối với công ty CP Bao bì Hà Tiên (05/06/2009)

>   Ngày 24/6, UPCoM nhập cuộc với 18 cổ phiếu (05/06/2009)

>   ABBank đạt lợi nhuận 144,6 tỷ đồng 5 tháng đầu năm (05/06/2009)

>   Hai đại gia ngân hàng "chạy đua" lên sàn (05/06/2009)

>   VDSC phối hợp với HaSTC giới thiệu UPCoM ngày 10/6 (04/06/2009)

>   Vietinbank bán thêm 10% cổ phần cho đối tác nước ngoài (04/06/2009)

>   Chưa ấn định ngày khởi động UPCoM (04/06/2009)

>   Khẳng định thương hiệu trong hội nhập kinh tế quốc tế (04/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật