Thứ Sáu, 05/06/2009 09:14

Đối tác nước ngoài "nhòm ngó" VietinBank

"Mặc dù trong thời kỳ khủng hoảng, nhưng vẫn có nhiều đối tác nước ngoài là những tập đoàn tài chính-ngân hàng lớn yêu cầu được trở thành đối tác chiến lược của Vietinbank. Thậm chí, trong “short list” của chúng tôi còn có cả các tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu,” ông Lê Đức Thọ, Trưởng Phòng Đầu tư của Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) cho biết.

Trả lời phỏng vấn của Vietnam+ bên lề Đại hội cổ đông lần thứ nhất diễn ra vào ngày hôm qua (4/6), ông Thọ nhấn mạnh, mặc dù khối lượng cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài lần này không phải là lớn (10% vốn điều lệ, tương đương trên 1.200 tỷ đồng), nhưng VietinBank vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài.

Vì thế, danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến với VietinBank không những giảm như nhiều sự lo ngại vì yếu tố khủng hoảng, mà còn tăng lên đáng kể, ông Thọ nói.

Tuy không tiết lộ "danh tính" của các nhà đầu tư này, song ông Thọ cho hay trong số đó, nhiều nhà đầu tư “nhờ” khủng hoảng đã mạnh lên cả về tiềm lực tài chính lẫn quy mô đến từ Mỹ, Đức, Nhật Bản.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, do những yếu tố khách quan nên việc đàm phán với các nhà đầu tư ước ngoài chưa thể thực hiện như kế hoạch ban đầu đặt ra là trong 6 tháng đầu năm, mà phải lùi lại đến sớm nhất là cuối năm nay, hoặc sang đầu năm tới. Vì thế, phải trong nửa đầu của năm 2010, VietinBank mới có thể hoàn tất việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và trình chính phủ phê duyệt.

Cũng trong cuộc họp Đại hội cổ đông lần này, các cổ đông đã nhất trí thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2009 cũng như kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán của VietinBank. Theo ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, dự kiến thời điểm lên sàn của ngân hàng sẽ vào khoảng tháng 7/2009.

"Chúng tôi đã hợp tác với Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) ngay từ tháng 2 để chuẩn bị cho các thủ tục cần thiết chào sàn. Vì thế, chúng tôi tự tin rằng có thể nhanh chóng hoàn tất hồ sơ trình lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngay sau 1 tuần nữa và kịp lên sàn vào đúng dự kiến," ông Hùng khẳng định.

Ông Trần Đắc Sinh, Tổng Giám đốc HOSE cũng cho hay, khi lên sàn thì về vốn trước mắt VietinBank chưa thể bằng các ngân hàng cổ phần, "nhưng về lâu dài hiếm có ngân hàng quốc doanh nào nay mai cổ phần hóa có thể vượt trội VietinBank."

Về mức giá niêm yết cổ phiếu trên sàn, ông Hùng cho biết VietinBank dự kiến sẽ không dưới "5 chấm" (5.0). Theo một số thông tin bên lề, do các thông tin về Đại hôi cổ đông nên hiện giá trị giao dịch cổ phiếu Vietinbank trên thị trường OTC sôi động từng ngày và hiện đang dao động ở mức 3.5 - 4.0.

Một số chỉ tiêu kinh doanh chính năm 2009 của VietinBank được Đại hội cổ đông nhất trí thông qua gồm: Tổng tài sản 240.388 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.593 tỷ đồng. Tỷ lệ thu nhập ròng trên tổng nguồn vốn chủ sở hữu ROE 15,01%, nợ xấu dưới 3%.... Tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt 6 tháng cuối năm 2009 dự kiến là 4,31%.

Đại hội cũng đã nhất trí bầu ra 7 người làm thành viên Hội đồng quản trị, trong đó có 2 người sẽ là thành viên độc lập (tức không hưởng lương và phụ cấp của VietinBank)./.

Nhận định về thị trường khi mà dự kiến thời gian tới có thể cùng lúc cả 3 “ông lớn” gồm Bảo Việt, VietinBank, Vietcombank cùng lên sàn, ông Trần Đắc Sinh, Tổng Giám đốc HOSE, cho rằng đây là tín hiệu tốt cho thị trường, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Thế nhưng, ông Sinh cũng nhận định, quy mô giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay còn quá thấp. Mục tiêu phấn đấu trong ngắn hạn là khoảng từ 2.000-3.000 tỷ đồng/phiên, tiến tới nửa tỷ đôla Mỹ giao dịch trong một phiên.

"Để thực hiện được mục tiêu này, sàn HOSE đang cùng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chuẩn bị các điều kiện kéo dài phiên giao dịch tới 3 giờ chiều. Theo đó, có thể buổi sáng mở cửa thực hiện khớp lệnh từng đợt giao dịch rồi đóng cửa vào cuối trưa. Đầu giờ chiều lại mở phiên giao dịch để vào đợt khớp lệnh liên tục. Phiên cuối cùng khi đóng cửa vào buổi chiều được tính là giá đóng cửa," ông Sinh nói.

Cũng chính vì phải "mở cửa" hai lần nên ông Sinh cho biết có thể rút ngắn khoảng thời gian thực hiện thủ tục này từ khoảng 15 phút xuống còn 5 phút!

Theo ông Sinh, giao dịch buổi chiều sẽ tốt cho cả công ty chứng khoán và nhà đầu tư, nhưng hiện còn hạn chế về cơ sở hạ tầng do vẫn đang "tắc" ở khâu lưu ký do công nghệ chưa đáp ứng được, đang cần phải cải tiến.

Khánh Chi

VietNam+

Các tin tức khác

>   Phạt hành chính đối với công ty CP Bao bì Hà Tiên (05/06/2009)

>   Ngày 24/6, UPCoM nhập cuộc với 18 cổ phiếu (05/06/2009)

>   ABBank đạt lợi nhuận 144,6 tỷ đồng 5 tháng đầu năm (05/06/2009)

>   Hai đại gia ngân hàng "chạy đua" lên sàn (05/06/2009)

>   VDSC phối hợp với HaSTC giới thiệu UPCoM ngày 10/6 (04/06/2009)

>   Vietinbank bán thêm 10% cổ phần cho đối tác nước ngoài (04/06/2009)

>   Chưa ấn định ngày khởi động UPCoM (04/06/2009)

>   Khẳng định thương hiệu trong hội nhập kinh tế quốc tế (04/06/2009)

>   Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước - chuyện dài kỳ (04/06/2009)

>   Bao bì xi măng Hải Phòng đăng ký niêm yết CP tại HaSTC (04/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật