Thứ Sáu, 12/06/2009 14:17

Chuyển động UPCoM

Thời gian gần đây, nếu thông tin DN chuẩn bị niêm yết tạo tâm lý phấn khích cho NĐT, khiến tính thanh khoản của cổ phiếu được cải thiện, thì thông tin về việc DN sẽ đăng ký giao dịch tại thị trường giao dịch chứng khoán chưa niêm yết (UPCoM) cũng làm tăng đáng kể tính thanh khoản cho cổ phiếu. Kỳ vọng vào việc minh bạch thông tin, thanh khoản dễ dàng khiến nhiều NĐT tự tin giao dịch cổ phiếu "tiền UPCoM".

Sôi động

Trước khi danh sách 17 cổ phiếu dự kiến đưa vào giao dịch đợt 1 tại UPCoM được Trung tâm GDCK Hà Nội (HASTC) công bố, nhiều NĐT đoán già đoán non sẽ có CTCK FPTS. Điều này khiến giá cổ phiếu của FPTS tăng mạnh, từ xấp xỉ mệnh giá 10.000 đồng/CP lên đến 16.000 - 17.000 đồng/CP. Khi biết không có tên trong danh sách lên sàn UPCoM đợt 1, cổ phiếu FPTS vẫn... giữ giá, vì nhiều khả năng DN này sẽ lên sàn trong... tương lai.

Một môi giới OTC cho biết, NĐT tập trung mua cổ phiếu của các CTCK. Giá cũng như tính thanh khoản của những cổ phiếu đó đều tăng, bởi TTCK đang sôi động, NĐT kỳ vọng hoạt động của các CTCK sẽ khả quan. Một nguyên nhân quan trọng khác là không ít CTCK chưa lên sàn có các chỉ tiêu tài chính và mạng lưới tốt, nhưng giá cổ phiếu vẫn khá "mềm". Đây là động lực chính khiến nhiều NĐT tìm mua. Hiện cổ phiếu của CTCK Tràng An, SME, APEC được giao dịch ở mức 17.000 - 19.000 đồng/CP, trong khi cách đây 1 tháng chỉ khoảng 10.000 đồng/CP. Nhiều NĐT mua được cổ phiếu ở mức giá thấp trước đây đã bán ra chốt lời, chuyển tiền vào thị trường niêm yết.

Cổ phiếu ngân hàng cũng được nhiều NĐT quan tâm, nhất là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), bởi đây là ngân hàng duy nhất dự kiến chào sàn UPCoM trong thời gian ngắn tới. Nếu như trước đây, cổ phiếu này ít được giao dịch và được xếp vào nhóm 3 trong số cổ phiếu các ngân hàng thì nay đang được NĐT ráo riết tìm mua với mức giá trên 20.000 đồng/CP. Bên bán có dấu hiệu găm hàng khi đưa ra mức giá trên 30.000 đồng/CP, họ chờ đợi sự hứng khởi trong phiên khai chợ UPCoM và kỳ vọng giá sẽ được đẩy lên cao hơn nữa.

Cổ phiếu của CTCP Tập đoàn HIPT, DN chuyên tư vấn và cung cấp giải pháp công nghệ thông tin, đang được chào mua ở mức giá trên 10.000 đồng/CP (trước đó không có tính thanh khoản). Đối với các cổ phiếu còn lại, nhìn chung không có giao dịch. Nguyên nhân khiến nhiều cổ phiếu không được NĐT quan tâm nên không có giao dịch một phần là do việc công bố thông tin của DN chưa được tốt.

Đổ bộ lên sàn?

Trong bối cảnh thị trường niêm yết đang tăng nóng, việc chuẩn bị lên sàn UPCoM đã tạo hiệu ứng tâm lý tốt cho NĐT. Tuy nhiên, sự sôi động này có thể chỉ mang tính thời điểm, vì những quy định khá khắt khe cho các cổ phiếu giao dịch tại sàn này (thanh toán T+3, biên độ dao động giá +/-10%, không được cùng mua cùng bán trong phiên…), không như kỳ vọng của nhiều NĐT.

Theo lộ trình đặt ra mới đây của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), từ nay đến cuối năm, tất cả các công ty đại chúng sẽ thực hiện việc đăng ký chứng khoán với Trung tâm Lưu ký chứng khoán (TTLK). Những NĐT có nhu cầu chuyển nhượng cổ phiếu sẽ phải thực hiện lưu ký với TTLK.

Bà Phương Hoàng Lan Hương, Giám đốc TTLK cho biết, việc giao dịch cổ phiếu trên cả 2 thị trường niêm yết và UPCoM, NĐT đều phải thực hiện giao dịch qua CTCK là thành viên của các sở GDCK. Kết quả giao dịch sẽ được các sở chuyển về TTLK để thực hiện thanh toán bù trừ.

Như vậy, có thể hiểu, sau khi đăng ký chứng khoán, việc giao dịch cổ phiếu chỉ được diễn ra nếu DN thực hiện niêm yết hoặc lên sàn UPCoM. Với quy định này và trước yêu cầu giao dịch của cổ đông, rất có thể sẽ tạo ra một làn sóng niêm yết hoặc một cuộc đổ bộ vào sàn UPCoM.

Vậy nhưng, vẫn có không ít băn khoăn khi cơ quan quản lý gián tiếp gắn việc đăng ký chứng khoán của công ty đại chúng với việc niêm yết hoặc lên sàn UPCoM. Năng lực của TTLK có đủ để đáp ứng nếu có khoảng 1.000 DN đồng thời đăng ký, lưu ký chứng khoán và thực hiện giao dịch?

Tham vọng thu hẹp, tiến tới xóa hẳn thị trường tự do sẽ khó thành hiện thực nếu dùng mệnh lệnh hành chính mà không đi kèm với các dịch vụ thực sự tiện ích. Theo quy định hiện nay, nếu không đăng ký chứng khoán thì DN sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Liệu sẽ không xảy ra trường hợp DN lựa chọn cách nộp phạt để đổi lấy việc được giao dịch cổ phiếu tự do như hiện nay?

Lao động

Các tin tức khác

>   Vietcombank chuẩn bị niêm yết trên 112 triệu cổ phiếu (12/06/2009)

>   Đức Long Gia Lai họp ĐHCĐ thường niên 2009 (12/06/2009)

>   Mai Linh Đông Bắc Bộ phấn đấu đạt 25 tỷ đồng lợi nhuận (12/06/2009)

>   VietABank trả cổ tức tạm ứng lần I năm 2009 bằng tiền mặt (12/06/2009)

>   Nhiều công ty thông báo lưu ký chứng khoán (12/06/2009)

>   CK APEC chuẩn bị lên sàn HaSTC-UpCom (12/06/2009)

>   Đại gia bắt tay xốc lại thị trường địa ốc (12/06/2009)

>   Cập nhật lợi nhuận ngân hàng 5 tháng đầu năm 2009 (11/06/2009)

>   Hoạt động M&A ở Việt Nam còn lắm thách thức (11/06/2009)

>   Cập nhật DS cty đại chúng dự kiến tham gia thị trường UPCoM (11/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật