Thứ Năm, 11/06/2009 16:51

Bán vàng, mua chứng khoán?

Thị trường vàng trong nước thời gian qua chứng kiến sự xuất hiện liên tiếp của các kỷ lục giá, mà đỉnh cao là mốc 2.165.000 đồng/chỉ vào chiều ngày 1/6.

Tuy nhiên, trái với sức nóng “thiêu đốt” của giá vàng là tình trạng “băng giá” trong giao dịch vàng miếng.

Đáng chú ý, sự èo uột trên thị trường vàng lần này xuất hiện cùng lúc với sự sôi động trở lại trên thị trường chứng khoán và những tín hiệu tan băng trên thị trường bất động sản. Trước thực trạng này, không ít người đặt câu hỏi, liệu có chuyện dòng vốn đổ vào thị trường vàng trước đây đang chảy ngược ra khỏi kênh đầu tư này?

Lèo tèo mua, bán

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý 1 vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu một lượng kim loại quý và đá quý, trong đó chủ yếu là vàng, trị giá 2,287 tỷ USD. Với tỷ giá USD/VND do Ngân hàng Vietcombank áp dụng ngày 11/6 là 1 USD = 17.795 VND/USD, kim ngạch xuất khẩu vàng trên tương đương với khoảng 40.500 tỷ VND.

Phần lớn lượng vàng xuất khẩu này được các đầu mối xuất khẩu gom mua trong đợt sốt giá vàng tháng 2 và tháng 3. Ở thời điểm đó, với mức giá vàng leo lên 1.990.000-2.000.000 đồng/chỉ, trên thị trường vàng miếng đã xuất hiện một đợt xả hàng lớn hiếm gặp của giới đầu tư.

Sau đợt xả hàng nói trên, thị trường vàng có thời điểm rơi vào trạng thái đóng băng, với số khách mua và bán hết sức lèo tèo. Thị trường Hà Nội, khối lượng giao dịch tại nhiều tiệm kim hoàn lớn chỉ đạt mức vài trăm lượng mỗi ngày, thua xa mức vài nghìn lượng ở những đợt sốt giá trước đây.

Không quay trở lại với thị trường vàng, số vốn 40.500 tỷ VND trên có thể được chuyển đi đâu? Trả lời câu hỏi này, giới kinh doanh vàng đều chung nhận định, chứng khoán, bất động sản và tiết kiệm đang là những kênh đầu tư hút nhiều vốn nhất từ vàng.

“Trong năm ngoái, với sự đi xuống và mất ổn định của hai thị chứng khoán và bất động sản, thị trường vàng là kênh đầu tư được đẩy lên hàng đầu. Tại thời điểm này, với sự nóng lên của các kênh đầu tư chứng khoán và nhà đất, việc chuyển vốn từ vàng sang hai kênh này điều dễ hiểu”, ông Lê Xuân Tùng, Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý (PQJ), một nhà phân phối lớn các sản phẩm vàng miếng và trang sức vàng tại Hà Nội, nhận định.

Câu chuyện của anh Thiện, một nhà đầu tư được xếp vào hàng “đa-zi-năng” ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, có thể chứng minh cho nhận định trên.

Anh Thiện kể, năm 2008, khi thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục đổ dốc, anh đã dám chịu lỗ để nhanh chóng rút vốn khỏi chứng khoán, chuyển sang mua vàng ở mức giá 16-17 triệu đồng/lượng và mua USD. Cần lưu ý thêm, trong năm 2008, giá vàng trong nước tăng khoảng 11%, trong khi chỉ số VN-Index lao dốc 66%.

Đợt tháng 2, tháng 3 vừa qua, khi giá vàng lên gần 20 triệu và thị trường chứng khoán được xem là đã chạm đáy, anh lại nhanh tay bán vàng và USD ra để chuyển vốn sang chứng khoán. Với số vốn khá dày hiện nay, anh còn đang thăm dò thị trường nhà đất ở Bình Dương và Hà Nội để đầu tư thêm.

Ở kênh bất động sản, một lượng vốn lớn đang được dự báo là chuẩn bị sẵn sàng để “nhào vô” thị trường. Trong một cuộc trao đổi gần đây với VnEconomy, ông Phạm Đức Toản, Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản EZ Việt Nam, nhận định, thị trường nhà đất đang có sự chuyển biến, nhà đầu tư không còn trạng thái "rục rịch" mà sẵn sàng "xuống tiền" tại nhiều dự án hiệu quả.

Tuy nhiên, trong số các kênh đầu tư đang hút vốn của vàng, thị trường chứng khoán là kênh nóng hơn cả. Cả hai sàn Hà Nội và Tp.HCM những ngày này chứng kiến sức cầu hiếm gặp khi các nhà đầu tư ồ ạt trở lại tìm cơ hội “phất” nhanh với đợt phục hồi này của hai hàn thử biểu HASTC-Index và VN-Index. Trong phiên giao dịch ngày 10/6, thị trường đã chứng kiến một phiên giao dịch sôi động chưa từng có trong lịch sử chứng khoán Việt Nam, với 150 triệu đơn vị được chuyển nhượng, đạt tổng trị giá 5.300 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sacombank (Sacombank-SBJ) cho rằng: “Kênh đầu tư chứng khoán đang thắng thế trong việc thu hút lượng vốn đầu tư của thị trường vàng”. Cũng theo bà Chi, tiết kiệm cũng đang là một kênh đầu tư hút vốn của vàng, nhưng chủ yếu là các kỳ hạn ngắn do người dân lo ngại lạm phát sẽ tăng.

Chờ thời cơ

Tuy nhiên, khó có chuyện 100% số vốn mà các nhà đầu tư thu về từ hoạt động bán vàng thời gian qua đã được chuyển sang các kênh đầu tư khác.

Ông Lưu Quang Điền, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý SJC Hà Nội cho rằng, chỉ một phần trong số tiền mà các nhà đầu tư thu về từ việc bán vàng đã được dùng để mua chứng khoán và nhà đất, còn lại vẫn chờ thời cơ để quay lại với vàng. “Theo tôi, chỉ có khoảng 30% số vốn trên được chuyển sang các kênh đầu tư khác, còn lại 70% vẫn được chuẩn bị đầu tư lại vàng khi có thời cơ”, ông Điền nói.

Lý giải cho nhận định của mình, ông Điền đưa ra lý do, một tỷ lệ lớn các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam không phải là các nhà đầu tư vàng truyền thống. Thực tế cũng cho thấy, hầu hết mọi gia đình ở Việt Nam đều có ý muốn nắm giữ vàng một lượng vàng nhất định có thể, trong khi không phải ai cũng muốn hoặc dám rót vốn vào chứng khoán.

Theo chính anh Thiện - nhà đầu tư ở câu chuyện kể trên -  số nhà đầu tư năng động ở mọi kênh như anh không phải là nhiều. “Tôi biết có nhiều người bán vàng cùng đợt với tôi bây giờ vẫn chưa xác định được sẽ đầu tư vào đâu. Trong thời gian chờ đợi để quay lại mua vàng, họ gửi tiền ngân hàng hoặc mua USD”, anh Thiện cho biết.

Đối với người Việt Nam, vàng là một kênh đầu tư có vị trí tương đối đặc biệt, không chỉ ở phương diện khả năng sinh lời mà còn do truyền thống giữ vàng cho an toàn.

“Trong vòng 5 năm qua, nếu so sánh mức độ đầu tư dài hạn giữa vàng và  bất động sản, chứng khoán, sự trượt giá của VND so với USD thì dễ dàng có thể nhìn thấy là đầu tư vàng sinh lợi nhiều hơn. Giữ vàng cũng là truyền thống của người Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư chỉ đơn thuần là điều chỉnh lại danh mục”, ông Tùng, Giám đốc PQJ, nhận định.

Vậy sự ảm đạm của thị trường vàng miếng tại thời điểm này có thể được lý giải ra sao? Theo các nhà kinh doanh vàng, mức giá vàng cao hiện nay mới là vấn đề mấu chốt.

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc Sacombank-SBJ cho rằng, việc chuyển vốn sang các thị trường khác không phải là nguyên nhân chủ đạo khiến thị trường vàng miếng trầm lắng. “Nguyên nhân chính ở đây là giá vàng đã tăng khá cao, nay duy trì trên mốc 21 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, khả năng sinh lợi của vàng là không lớn, do đó  chưa hấp dẫn người dân mua vào để tích trữ, vốn là thói quen lâu đời của người dân Việt Nam”, bà Chi nói.

Chia sẻ quan điểm này, ông Lưu Quang Điền nhận định, một khi mức giá vàng xuống dưới 20 triệu đồng/lượng, hoặc khi áp lực lạm phát gia tăng trở lại, một lượng vốn lớn sẽ lại đổ vào thị trường vàng miếng.

Mai Phương

tbktvn

Các tin tức khác

>   “Nóng” như... tín dụng! (11/06/2009)

>   Không bổ sung vốn trái phiếu CP cho các tỉnh có tiến độ giải ngân chậm (11/06/2009)

>   Vàng lại hấp dẫn nhà đầu tư (11/06/2009)

>   Khóa học Phân tích và Đầu tư Vàng ứng dụng chuyên sâu trên Phần mềm Meta (11/06/2009)

>   “Chơi” vàng giá xuống (11/06/2009)

>   Chạy đua lãi suất tiền đồng (11/06/2009)

>   Cân đối lãi suất, chống "ế" cho trái phiếu (11/06/2009)

>   Ổn định thị trường ngoại hối - Lãi suất USD nên bao nhiêu? (11/06/2009)

>   SHB điều chỉnh lãi suất tiết kiệm VND và USD (10/06/2009)

>   Ngân hàng nước ngoài đẩy mạnh mở rộng mạng lưới (10/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật