“Nóng” như... tín dụng!
Tháng 5 vừa qua là tháng đáng nhớ của ngành ngân hàng. Tín dụng trong tháng của toàn hệ thống, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng 4,2% so với tháng 4-2009 và tăng 14,91% so với cuối năm ngoái; tổng phương tiện thanh toán tăng 14,55%.
Mức 4,2% này cao hơn cả mức tăng dư nợ bình quân hàng tháng của năm 2007, năm mà tín dụng “bùng nổ” và gây ra hậu quả lạm phát dẫn đến việc NHNN phải áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ trong nửa đầu năm 2008. Mức tăng trưởng “nhảy vọt” của tín dụng trong tháng 5 đã đẩy mức tăng bình quân của năm tháng đầu năm nay lên gần 3%/tháng.
Nếu tốc độ gia tăng này được duy trì cho bảy tháng còn lại của năm, tăng trưởng tín dụng năm 2009 sẽ trên dưới 36%. Đây chắc chắn không phải là mục tiêu mà NHNN hướng tới.
Từ 22% lên 25%
Đầu năm, trong hội nghị tổng kết hoạt động ngân hàng, mức tăng trưởng tín dụng được NHNN đưa ra là 21-22% cho năm nay, tương đương mức tăng của năm 2008. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi phát biểu với báo chí Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến nói tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ là 25%, tức tăng thêm 3 điểm phần trăm.
So với mục tiêu ban đầu, trừ đi mức tăng của năm tháng đầu năm, những tháng còn lại tín dụng chỉ được phép tăng không quá 1%/tháng, bằng 23,8% mức tăng của tháng 5-2009. Còn nếu so với mức được Phó thống đốc Tiến công bố, từ tháng 6 đến hết tháng 12-2009, mức tăng tối đa hàng tháng của tín dụng cũng chỉ là 1,43%, bằng 34% mức tăng của tháng 5.
Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng thương mại bắt buộc phải giảm tốc độ cho vay nếu không muốn tăng trưởng tín dụng vượt quá giới hạn cho phép.
Thế nhưng, thực tế cho thấy việc giảm tiến độ cho vay ở thời điểm này là vô cùng khó khăn. Sau bốn tháng thực hiện kích cầu, 331.906 tỉ đồng vốn vay hỗ trợ lãi suất đã được giải ngân. Phải thừa nhận rằng vốn kích cầu là một trong những đòn bẩy đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao.
Dự kiến số vốn hỗ trợ lãi suất được giải ngân tối đa có thể lên tới 600.000 tỉ đồng đến hết tháng 12-2009. Như vậy sẽ còn hàng trăm ngàn tỉ đồng vốn kích cầu sẽ được thực hiện. Liệu với số tiền lớn như vậy, tăng trưởng tín dụng sẽ còn “leo” đến đâu?
Nhìn vào chu kỳ tín dụng, thông thường quí 3 và quí 4 là thời điểm doanh nghiệp tích cực vay vốn, chuẩn bị hàng hóa (kể cả xuất khẩu) cho những tháng Tết, cuối năm. Lúc này mới là mùa làm ăn thực sự của ngân hàng. Song, để đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay, sáu tháng tới họ phải giảm mức tăng dư nợ xuống. Đây hẳn là điều không thuận tiện và không hợp lý cho các ngân hàng.
Mất cân đối dư nợ tiền đồng - ngoại tệ
Tín dụng tăng trưởng “nóng” không thể không lo. Tuy nhiên đáng lo hơn là sự mất cân đối của tăng trưởng tín dụng. So với cuối năm ngoái, đến tháng 5-2009 tín dụng bằng tiền đồng tăng trưởng tới 20,59% trong khi tín dụng ngoại tệ giảm - 6,34%.
Không doanh nghiệp nào muốn vay ngoại tệ khi chênh lệch lãi suất vay tiền đồng và đô la Mỹ chỉ khoảng 5%/năm (vay bình thường) và gần như bằng nhau (nếu được hỗ trợ lãi suất tiền đồng). Trước tình hình đó, NHNN đã gợi ý các ngân hàng giảm lãi suất huy động ngoại tệ để giảm lãi suất cho vay. Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các tổ chức tín dụng đưa ra lãi suất tiền gửi đô la Mỹ tối đa chỉ 1,5%/năm.
Hiệp hội Ngân hàng, thông qua hai cuộc họp ở Hà Nội và TPHCM, nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận của các ngân hàng về lãi suất huy động ngoại tệ. Phản ứng của các tổ chức tín dụng là: tất cả đều đồng thuận hạ, nhưng không phải hạ ngay và không hạ xuống tối đa 1,5%/năm.
Các ngân hàng quốc doanh hạ, một số ngân hàng cổ phần lớn hạ, nhưng những ngân hàng cổ phần nhỏ thì vẫn giữ mức tối đa trên 2%/năm. Một ngân hàng nhỏ như Việt Á nằm đối diện “ông lớn” BIDV qua ngã tư Nguyễn Công Trứ - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TPHCM, mà cùng có lãi suất tiền gửi đô la Mỹ như nhau, thử hỏi khách hàng sẽ gửi ở đâu để đảm bảo tâm lý an toàn?
Mục đích của NHNN là tạo ra mặt bằng lãi suất cho vay đô la Mỹ đủ thấp để hấp dẫn doanh nghiệp vay ngoại tệ, giảm bớt nhu cầu vay tiền đồng. Nhưng cốt lõi của vấn đề vay hay không vay ngoại tệ lại không nằm ở lãi suất, mà ở tỷ giá.
Các công ty nhập khẩu vay ngoại tệ để thanh toán, nhưng khi trả nợ ngân hàng, ngân hàng có bán ngoại tệ cho không? Nếu trả bằng tiền đồng theo tỷ giá niêm yết của chính ngân hàng, ngân hàng có chấp nhận không? Ngân hàng một mực: “Anh vay bằng đồng tiền gì, trả bằng đồng tiền ấy”.
Ngân hàng có quyền từ chối bán ngoại tệ cho doanh nghiệp vì các đơn vị có ngoại tệ có bán cho ngân hàng đâu. Doanh nghiệp không mua được ngoại tệ, không trả được nợ, nợ thành quá hạn, ngân hàng bắt buộc phải bán, nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu. Khoản nợ vì thế trở thành dây dưa. Do đó, để tháo gỡ sự mất cân đối trong tăng trưởng tín dụng, cái gốc cần đặt lên bàn mổ xẻ chính là tỷ giá.
Nguy cơ nợ xấu
Dư nợ càng tăng và tăng nhanh trong một thời gian ngắn, thì nguy cơ nợ xấu tăng lên càng cao. Năm ngoái nợ xấu của toàn hệ thống được NHNN công bố khoảng 3% tổng dư nợ. Hiện tại con số được ước lượng thấp hơn, chừng 2,6%. Đó là số phỏng đoán. Số chính thức chưa được cơ quan quản lý các ngân hàng công khai. Về tỷ lệ, nợ xấu ước lượng hiện nay thấp hơn, nhưng số tuyệt đối có khả năng cao hơn do dư nợ tăng mạnh.
Sẽ có nhiều dịch chuyển ở tỷ lệ nợ xấu bởi việc phân loại nợ của các tổ chức tín dụng hiện khó kiểm soát. Ngoài ra việc thẩm định, kiểm soát sử dụng vốn vay của đa số các ngân hàng còn yếu. Nắm chính xác nợ xấu trong phạm vi ngân hàng mình đã là một việc ngoài tầm với của ban giám đốc không ít tổ chức tín dụng.
Trên hết, câu hỏi được quan tâm là tăng trưởng tín dụng “nóng” sẽ còn kéo dài trong bao lâu nữa? Và việc giảm mức tăng sẽ như thế nào? Giảm dần từng tháng hay sẽ giảm đột ngột như đã từng thắt chặt tiền tệ đột ngột? Trong trường hợp tín dụng tăng “nóng” kéo dài quá mức cần thiết, lạm phát có thể đến rất nhanh và bất ngờ. Bài học tăng trưởng tín dụng “nóng” của năm 2007 đang lấy lại tính thời sự của nó!
Tăng trưởng tín dụng - mừng và lo?
Tốc độ tăng trưởng tín dụng đang trên đà tăng nhanh. Trước hết cũng có thể coi đây là một tin tích cực xét theo hai ý nghĩa. Một mặt, nó thể hiện nhu cầu đầu tư của sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của dân cư đã tăng khá trở lại, tạo điều kiện đầu ra cho sản xuất kinh doanh - vấn đề quan trọng cần phải được giải quyết để thực hiện mục tiêu hàng đầu mà Chính phủ đề ra trong năm nay là ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Mặt khác, nó cũng thể hiện nhu cầu vay vốn của người sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện đầu vào với chi phí vay vốn thấp hơn - cũng là vấn đề lớn để giảm giá thành, tăng tiêu thụ, ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Tuy nhiên, tốc độ tăng tín dụng đột biến từ tháng 4-2009 đến nay, trong đó tốc độ tăng lượng tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng còn cao hơn, cũng gây ra nỗi lo không nhỏ.
Nỗi lo lớn nhất là lạm phát trở lại. Lạm phát do nhiều nguyên nhân, nhưng bao giờ cũng do yếu tố tiền tệ - tín dụng và yếu tố này lại tác động trực tiếp, là biểu hiện cuối cùng rõ nhất để lạm phát bộc lộ ra. Điều lo lắng trên nếu cộng hưởng với tác động của các yếu tố khác thì cảnh báo tái lạm phát là không thừa.
Có một yếu tố khác đáng lưu ý cần được đề cập. Đó là yếu tố tuy đang cản lạm phát trước mắt là lượng tiền đang đổ dồn về thị trường chứng khoán, một phần được đưa vào thị trường vàng, một phần ít hơn vào bất động sản, do thị trường chứng khoán đang lên, thị trường bất động sản ấm trở lại, nên chưa gây áp lực lớn lên giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Nhưng nếu chỉ số chứng khoán sau khi đạt “đỉnh” mới sẽ điều chỉnh giảm rơi xuống “đáy” mới (năm 2006, năm 2007 và năm 2008 đều rơi xuống đáy vào đầu tháng 8); thị trường bất động sản vừa qua có dấu hiệu sốt ảo nếu lạnh thật trở lại thì khi đó sẽ có một lượng tiền lớn quay trở ngược vào lưu thông.
Phương Nam
Hải Lý
TBKTSG
|