Vốn ngoại sớm trở lại
Trong sáu tháng nữa, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ trở lại và tăng mạnh trong 2-3 năm tới vì thị trường VN vẫn hấp dẫn nhà đầu tư dài hạn. Đó là nhận định của nhiều quỹ đầu tư về khả năng lựa chọn đầu tư ở VN.
Có đến 90% trong số hơn 300.000 công ty vừa và nhỏ hiện đang cần thêm vốn để hoạt động nhưng thời gian từ cuối năm 2008 đến nay có quá ít giao dịch thành công.
Nhu cầu lớn
Ông Bradley Lalonde, tổng giám đốc Công ty liên doanh quản lý quỹ đầu tư BIDV - Vietnam Partners, nhận định: “Những công ty có quy mô vốn 10-30 triệu USD ở VN hiện đang có nhu cầu tăng vốn lên mức 100 triệu USD là rất nhiều. Những công ty này, bất chấp tình hình khó khăn, vẫn có thể đạt mức tăng trưởng hai con số”.
Một dẫn chứng khác cũng được đưa ra tại hội nghị “Alternative Investment Vietnam 2009” là có đến 90% trong số 332.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ VN cần tăng thêm vốn cho hoạt động trung và dài hạn. Ông Bùi Công Giang - tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư Anpha - cho rằng có thể tìm thấy cơ hội đầu tư trong danh sách các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa.
Ngân hàng, tài chính, cơ sở hạ tầng hay sản xuất hàng tiêu dùng đều là những ngành được các nhà quản lý quỹ đầu tư chú ý. “VN cần hàng tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng và bắt đầu mở rộng cửa hơn cho khu vực tư nhân. Đây chính là cơ hội!” - ông Bradley Lalonde nói. Minh chứng cho nhận định trên, theo bà Nguyễn Mai Bảo Trâm - giám đốc đầu tư, kinh doanh Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, VN cần không dưới 500 tỉ USD để phát triển các dự án đường bộ, 100 tỉ cho đường sắt và 100 tỉ USD cho hệ thống cấp nước và xử lý nước thải...
Các chuyên gia cho rằng nguồn vốn truyền thống của doanh nghiệp là vay từ các ngân hàng sẽ tiếp tục còn khó khăn. Vì thế riêng vốn mà các công ty chưa niêm yết cần và đã bắt đầu đàm phán để thu hút từ các quỹ đầu tư ước tính trên 2 tỉ USD.
“Bộ dạng” mới cho vốn gián tiếp
Vốn đầu tư gián tiếp sẽ quay lại thị trường VN trong sáu tháng tới và sẽ mạnh lên trong 2-3 năm nữa. Nhưng sẽ có sự thay đổi lớn từ các quỹ đầu tư.
Theo ông Craig Martin - giám đốc đầu tư Công ty quản lý quỹ Prudential, các quỹ sẽ chuyên biệt hơn và sẽ đầu tư tập trung, có tính chiến lược hơn chứ không cơ hội như trước đây. Quy mô quỹ đầu tư cũng sẽ nhỏ hơn... “Trước đây quy mô là 300 triệu USD thì nay sẽ còn khoảng 100 triệu USD. Vì bây giờ cần bấy nhiêu là đủ. Giá trị một tài sản mua trước đây cao hơn gấp bốn lần giá trị thật, bây giờ sẽ không còn thế nữa nên dễ đàm phán, mua bán hơn” - ông Bradley Lalonde nói.
Chuyên gia tài chính này còn cho rằng nếu so sánh với các nước xung quanh, VN đang ở vị thế tốt hơn để thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi bên cạnh tiềm năng to lớn của VN, trong cuộc khủng hoảng toàn cầu này VN chịu ảnh hưởng nhẹ hơn và Chính phủ đã xử lý tốt trong thời gian vừa qua.
Ông Bùi Công Giang cho biết nhiều giao dịch bị ngưng từ cuối năm ngoái giờ đây khách hàng bắt đầu quay lại đàm phán. Điều mừng hơn, theo ông Giang, là các quỹ đầu tư nước ngoài cũng trở lại tìm hiểu thị trường VN sau một thời gian gián đoạn. “Có ít nhất ba quỹ đầu tư đã đăng ký làm việc với chúng tôi trong mấy ngày tới. Đó là tín hiệu tốt”.
Cứ bỏ vốn sẽ lãi cao
Khác với một số nhận định thận trọng về thị trường, bà Bùi Thị Thu Hà - phó giám đốc Công ty quản lý quỹ Prudential - cho rằng: “Nếu tuân thủ quy trình đầu tư một cách kỷ cương thì hiệu quả đầu tư không nhỏ. Chúng tôi đã đầu tư vào năm công ty và vừa qua bán đi có suất sinh lời khá cao, có công ty đạt đến 100%”. Theo bà Hà, trong vài tháng tới Công ty Prudential sẽ tiếp tục bán phần góp vốn ở ba công ty khác có tỉ suất sinh lời đến 20%.
Nhận xét về thị trường này, theo ông Võ Sáng Xuân Vinh - tổng giám đốc Công ty Saigon Capital, tiềm năng là rất rõ ràng cho những đơn vị đầu tư trung và dài hạn. “Đầu tư trong năm năm và lãi sẽ chỉ phát sinh từ năm thứ sáu chứ không thể ngày một ngày hai được”. Ông Vinh cho rằng tính toán cẩn trọng nhất thì thị trường mua bán cổ phiếu các công ty chưa niêm yết sẽ khoảng 1,3-2 tỉ USD và con số này sẽ tăng gấp đôi trong hai năm tới. Không chỉ hấp dẫn ở khu vực doanh nghiệp tư nhân, theo ông Olivier Đỗ Ngọc - Công ty Dynasty Investments, vốn còn sẽ đổ vào các lĩnh vực dịch vụ có nhu cầu đầu tư cao như y tế, giáo dục trong 2-3 năm tới.
Theo ông Bùi Kiến Thành - chủ tịch Công ty Quản lý tài sản và đầu tư quốc tế (IAMC), thực tế tiềm năng thu hút đầu tư của VN là rõ ràng. “Trong mười năm tới VN sẽ cần khoảng 1.000 tỉ USD để đầu tư phát triển. Nhưng không nên cái gì cũng thu hút từ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà nên dành 50% cho đầu tư gián tiếp. VN nên lập ra những công ty quản lý quỹ ra nước ngoài gọi vốn. Cũng là vốn đầu tư gián tiếp nhưng chúng ta quản lý thì dễ kiểm soát được rủi ro hơn”. Ông Thành cho rằng nhà đầu tư nước ngoài sẵn lòng bỏ vốn nếu thấy sinh lợi, VN thì giàu tiềm năng, vấn đề còn lại là Nhà nước tạo môi trường minh bạch, thông thoáng để dòng vốn lưu thông dễ dàng.
Quyết tâm cổ phần hóa
Ông Ayumi Konishi, giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại VN, bổ sung: “Niềm tin của nhà đầu tư đối với VN được củng cố khi tại Hong Kong và hội nghị Bác Ngao (Trung Quốc), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ ở hai điểm là cải tổ nền kinh tế và quyết tâm cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước”.
LÊ NGUYÊN MINH
tuổi trẻ
|