Thứ Năm, 07/05/2009 09:57

VCB “vỗ về” cổ đông nhỏ

Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) hôm 28/4 đã thông qua phương án phát hành thêm 9,28% cổ phiếu phổ thông (tương đương 1.122 tỷ đồng) để tăng vốn điều lệ. Đây là việc làm bình thường ở một DN cổ phần, song với VCB lại khác. Đằng sau quyết định này là mong muốn được bù đắp phần nào thiệt thòi cho NĐT trúng giá cổ phần VCB ở mức giá cao. Tuy nhiên, đây là phương án phát hành chưa có tiền lệ.

Hiện VCB có vốn điều lệ 12.100 tỷ đồng, trong đó Nhà nước (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC) sở hữu 90,72%, các cổ đông khác sở hữu 9,28%. Trong tờ trình ĐHCĐ 2009 về nhu cầu tăng vốn điều lệ, HĐQT VCB giải thích, so với phương án cổ phần hóa được duyệt, vốn điều lệ của VCB mới chỉ đạt 81%. Vốn điều lệ thấp làm giảm hệ số an toàn vốn tối thiểu do tổng tích sản vẫn tăng (năm 2008, hệ số CAR đạt 8,9%, thấp hơn mức 11,2% năm 2007). Mặt khác, theo quy định về các tỷ lệ an toàn bắt buộc do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định, tổng góp vốn đầu tư vào DN khác (kể cả công ty con) của các tổ chức tín dụng không được quá 40% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ. So với quy định này, hạn mức đầu tư của VCB chỉ còn khoảng chưa đến 1.000 tỷ đồng. Do vậy, Ngân hàng cần tăng vốn điều lệ để đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu, tạo điều kiện tăng tổng tích sản, mở rộng hoạt động. Trong khi chưa tìm được đối tác chiến lược, phương án phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu là phù hợp hơn cả.

VCB đang hoạt động theo mô hình ngân hàng cổ phần, chịu chi phối bởi Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Doanh nghiệp. Theo đó, ĐHCĐ của một DN là cơ quan cao nhất trong việc quyết định phương án tăng vốn của DN. Với VCB, số cổ phần phát hành thêm dự kiến là 9,28% vốn điều lệ, bằng đúng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông khác (không kể SCIC). Đưa ra tỷ lệ phát hành thêm “tròn trịa” như trên, theo lời một lãnh đạo của VCB, họ mong muốn trong đợt tăng vốn này, SCIC sẽ không tham gia, quyền mua dành cho cổ đông khác với tỷ lệ 1:1, giá bán “tối ưu nhất” là 10.000 đồng/CP. “Với phương án này, Nhà nước không thiệt bởi đây là cổ phần phát hành thêm. Bên cạnh đó, trong đợt IPO trước đây, Nhà nước đã thu hơn 10.000 tỷ đồng thặng dư. Bên cạnh phát hành thêm, VCB còn mong muốn Nhà nước dành một tỷ lệ nhỏ trong số tiền thặng dư trên để thực hiện chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Như vậy, ngoài mục đích nâng cao năng lực tài chính, một mũi tên nữa được VCB nhắm đến khi thực hiện tăng vốn là san sẻ bớt thiệt thòi cho cổ đông hiện hữu. Ngày 26/12/2007, VCB đã tiến hành IPO 97,5 triệu cổ phần với giá đấu thành công bình quân 107.572 đồng/CP. Sau IPO, VCB đã bán cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên với giá ưu đãi bằng 60% giá đấu bình quân. Hiện nay, giá cổ phiếu VCB giao dịch trên thị trường OTC dao động trong khoảng 30.000 đồng/CP, NĐT tham gia đấu giá cổ phần lỗ nặng, cổ phiếu “ưu đãi” dành cho cán bộ, nhân viên VCB trở thành “ngược đãi”. Nếu như cổ đông hiện hữu được mua cổ phần với phương án như trên, giá cổ phiếu VCB được kéo xuống mức thấp hơn (gần 60.000 đồng/CP). Cũng chính vì mắc mớ như vậy, nên ĐHCĐ VCB chỉ thông qua chủ trương tăng vốn và ủy quyền cho HĐQT quyết định phương án trên cơ sở ý kiến chấp thuận của các cơ quan chức năng...

Chưa có tiền lệ

Phương án tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu như trên đã được đề cập từ trước, song khả năng được cơ quan chức năng chấp thuận “chưa đi đến đâu”. Bởi thiệt thòi của nhiều NĐT khi tham gia mua cổ phần của VCB là có, nhưng nếu cho phép VCB thì sẽ tính sao với DN khác? Trao đổi với ĐTCK về quan điểm của SCIC trong vấn đề này, Tổng giám đốc SCIC Trần Văn Tá cho biết, Tổng công ty chưa có ý kiến gì. Ông Tá nói thêm: “Vì phương án tăng vốn như vậy chưa có tiền lệ nên VCB sẽ phải xin ý kiến NHNN và Chính phủ”.

Một vấn đề nữa liên quan đến phương án tăng vốn sẽ được cơ quan chức năng cân nhắc. Theo dự kiến của VCB, vốn điều lệ phát hành thêm được sử dụng để mở rộng kinh doanh, đầu tư vốn cho các công ty con, công ty liên doanh, liên kết và góp vốn vào một số DN khác trong năm 2009. Tính đến ngày 31/12/2008, VCB đã tham gia góp vốn vào 30 đơn vị (không bao gồm công ty con 100% vốn) với tổng số vốn góp đạt 3.061 tỷ đồng, chiếm 25,3% tổng vốn điều lệ của VCB. Phần lớn vốn đầu tư và liên doanh của VCB tập trung vào khối NHTM, chiếm 63,22% tổng vốn đầu tư. Nếu cơ chế sắp tới (Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi) không cho phép ngân hàng mua cổ phần của các ngân hàng khác, khi đó mục tiêu tăng vốn của VCB không phù hợp, liệu phương án tăng vốn có được chấp thuận?

Bên lề ĐHCĐ 2009 của VCB, đại diện một tổ chức đầu tư chia sẻ: “Đầu tư cổ phiếu VCB, chúng tôi mệt mỏi quá”. Hàm ý của vị đại diện này ở chỗ, là cổ đông của Ngân hàng nhưng họ khó có thể tham gia quyết định vấn đề gì, ngay chuyện tăng vốn cũng phải chờ cơ quan chức năng phê duyệt. Năm 2009, VCB sẽ niêm yết cổ phiếu, việc chọn mức giá chào sàn bao nhiêu phụ thuộc rất lớn vào việc phương án phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông với mức giá và tỷ lệ nào? Cổ đông rất muốn biết sớm!

Anh Việt

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Virasimex thừa nhận sai sót trong vụ 25 LĐ về nước trước hạn (07/05/2009)

>   Trung Nguyên mở quán cà phê nhượng quyền mới (06/05/2009)

>   Xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Xi măng Hà Tiên (06/05/2009)

>   Bong Sen Corp: ĐHĐCĐ thường niên năm 2008 (06/05/2009)

>   “Vụ nổ” 33 tỷ đồng trên thị trường OTC (06/05/2009)

>   VOSCO: Chi trả cổ tức lần 2 năm 2008 (06/05/2009)

>   OCI và chuyện vận dụng từ ngữ pháp luật (06/05/2009)

>   Cagipharm: ĐHĐCĐ thường niên năm 2009 (06/05/2009)

>   BCC Co: Chi trả cổ tức năm 2008 (06/05/2009)

>   DaiABank: ĐHĐCĐ thường niên 2009 (06/05/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật