Thứ Tư, 06/05/2009 14:28

OCI và chuyện vận dụng từ ngữ pháp luật

Sau bản thông cáo lần một phản đối quyết định xử phạt của Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM đối với Công ty Cổ phần Internet Một Kết Nối (OCI), Hội Điện tử và Công nghệ thông tin Tp.HCM lại vừa có thông cáo báo chí lần hai, trong đó phân tích các yếu tố kỹ thuật nhằm chứng minh OCI không hề vi phạm.

Theo Hội, trong việc xử phạt OCI, Sở đã quá “cứng nhắc” khi áp dụng từ ngữ trong văn bản pháp quy và bỏ qua quy định của bộ chủ quản.

Giải thích pháp luật cần xét đến bản chất

Đại diện Hội Điện tử và Công nghệ thông tin Tp.HCM, ông Nguyễn Hữu Hiền, Chủ tịch Hội cho rằng, vì công nghệ viễn thông vốn dĩ phức tạp, nên việc đơn giản hóa tiêu chí phân loại dịch vụ về hai danh từ PC và Phone không phải là không có vấn đề.

Ông Hiền lấy ví dụ, hiện một số loại điện thoại thông minh (smart phone) có thể cùng một lúc đóng hai chức năng: PC bỏ túi và máy điện thoại. Các thiết bị thông minh này cho phép thực hiện cuộc gọi quốc tế bằng cả hai phương thức: qua kết nối điện thoại thông thường (GSM) và qua điện thoại Internet (VoIP). Vì thế, một người ở Việt Nam sử dụng Skype hay Yahoo Messenger trên điện thoại thông minh với kết nối Internet có thể thực hiện cuộc gọi đi khắp nơi trên thế giới và gọi về Việt Nam.

Theo phân tích của Hội, nếu giải thích một cách hợp lý thì đó phải được xem là cuộc gọi PC-to-Phone, vì khi gọi qua Skype hay Yahoo, máy điện thoại thông minh thực hiện chức năng như một máy tính cá nhân kết nối cuộc gọi qua Internet, thay vì qua kết nối trực tiếp vào mạng PSTN thông thường. Nhưng nếu gượng ép áp dụng pháp luật theo lối cứng nhắc, nhìn hình thức mà không xét đến bản chất, thì cuộc gọi đó có thể coi là cuộc gọi Phone-to-Phone, vì người dùng đang dùng một máy điện thoại để thực hiện cuộc gọi đến một máy điện thoại khác.

Chính vì thế, theo Hội, việc giải thích pháp luật cần phải thực hiện trong sự tham chiếu đến các yếu tố kỹ thuật, chứ không đơn thuần là áp dụng ý nghĩa đơn thuần của từ ngữ.

Quyết định cứng nhắc?

Hội Điện tử và Công nghệ thông tin Tp.HCM cũng phân tích, xét về bề mặt từ ngữ, dễ dàng thấy có 3 tiêu chí mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã sử dụng để quản lý hoạt động điện thoại Internet.

Thứ nhất, là tiêu chí khởi đầu cuộc gọi phản ánh bằng từ ngữ “PC to….”. Theo Hội, từ ngữ “PC” ở đây không cần phải hạn chế ở một máy tính cá nhân có cấu hình cố định, mà có thể chỉ là máy tính bỏ túi, miễn sao có thể khởi tạo được cuộc gọi qua Internet thay vì qua kết nối trực tiếp vào mạng PSTN.

Về vấn đề này, Công văn 1091/BBCVT-VT ngày 27/6/2003 của Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đã giải thích: “PC” được hiểu là 01 máy tính cá nhân có bao gồm thiết bị modem, loa và microphone hoặc các thiết bị tương đương cho phép người sử dụng truy nhập vào Internet thông qua hệ thống thiết bị của một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet (ISP), trước khi tiến hành cuộc điện thoại Internet.”

Thứ hai, là tiêu chí kết cuối cuộc gọi phản ánh qua từ ngữ “… to PC” hoặc “… to Phone”. Ý nghĩa của tiêu chí là cấm các nhà cung cấp dịch vụ không được kết cuối cuộc gọi qua các cổng kết nối trực tiếp từ Internet vào mạng PSTN của Việt Nam. Tiêu chí quan trọng ở đây không nằm ở hướng gọi mà ở việc kết cuối cuộc gọi có được thực hiện qua kết nối hợp pháp hay không.

Vấn đề trên cũng đã được giải thích cụ thể trong Công văn 1091/BBCVT-VT, định nghĩa: “phone” được hiểu là một máy điện thoại thông thường trao đổi tín hiệu tương tự với mạng điện thoại chuyển mạch công cộng (PSTN)” và hướng dẫn: “Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giá trị gia tăng (OSP) không được thiết lập cổng (gateway) kết nối mạng lưới thiết bị Internet của mình với mạng điện thoại chuyển mạch công cộng (PSTN) nhằm mục đích chuyển tiếp các cuộc điện thoại Internet đến các máy điện thoại thông thường”.

Thứ ba, là tiêu chí địa điểm đặt máy chủ cung cấp dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ điện thoại Internet phải ở Việt Nam. Theo Hội, thực chất tiêu chí này được đưa ra nhằm phân biệt giữa việc doanh nghiệp Việt Nam làm đại lý bán lẻ dịch vụ viễn thông cho các công ty nước ngoài (bán thẻ điện thoại Internet lậu) và việc doanh nghiệp Việt Nam đầu tư phát triển công nghệ để tự mình thực hiện được dịch vụ điện thoại Internet.

Công văn 1091/BBCVT-VT cũng đã hướng dẫn “doanh nghiệp OSP cần trang bị hệ thống máy chủ điện thoại Internet đặt tại Việt Nam, trực tiếp cung cấp dịch vụ điện thoại Internet công cộng thông qua hệ thống máy chủ do doanh nghiệp OSP vận hành và khai thác”.

Với các dẫn chứng và lập luận trên, Hội Điện tử và Công nghệ thông tin Tp.HCM cho rằng, các văn bản pháp quy đã được giải thích cụ thể trong văn bản hướng dẫn vận dụng pháp luật. “Nhưng đáng tiếc Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM đã hoàn toàn bỏ qua Công văn 1091/BBCVT-VT khi đưa ra kết luận về vấn đề của OCI”, Hội khẳng định.

Theo Hội, nếu áp dụng hai tiêu chí số 1 và 2 nêu trên một cách cứng nhắc và bỏ qua bức tranh toàn cảnh thì sẽ dẫn đến kết quả trái logic. Vì cuộc gọi khởi phát từ máy điện thoại ở nước ngoài tuy vẫn gọi là “Phone to …” nhưng không vi phạm luật Việt Nam. Mặt khác, cuộc gọi tuy có hướng gọi về Việt Nam, nhưng sẽ không vi phạm pháp luật Việt Nam nếu được kết cuối qua một FBO (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng) có giấy phép hợp pháp.

Còn với tiêu chí số 3, OCI hoàn toàn có thể đặt máy chủ quản lý khách hàng và tính cước ở nước ngoài. Việc đặt máy chủ ở Singapore có thể còn thuận tiện hơn do cuộc gọi của OCI từ nước ngoài phải kết cuối qua các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế trên thị trường Singapore. Nhưng Sở đã xem đây là một bằng chứng phạm tội và thực hiện niêm phong máy chủ của OCI.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra thông cáo, Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM chỉ có thể kết luận OCI vi phạm pháp luật khi và chỉ khi Sở có đầy đủ bằng chứng về việc lưu lượng thoại kết cuối về Việt Nam thông qua trang thiết bị của OCI đã kết nối trực tiếp vào mạng PSTN của Việt Nam.

* Theo nguồn tin của VnEconomy có được chiều ngày 5/5/2009, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau khi xem xét đơn khiếu nại của OCI và các tài liệu liên quan, cũng vừa có công văn Số 1159/PTM-PC gửi Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM, cho rằng có hai vấn đề cần được làm rõ: - Về yếu tố pháp lý: Dịch vụ Phone-to-Phone mà OCI cung cấp chỉ có thể gọi từ Mỹ, Canada, Australia có thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam hay không? Nếu đây là dịch vụ kinh doanh có điều kiện thì điều kiện kinh doanh này được quy định ở pháp luật nào? - Về yếu tố kỹ thuật: Công ty OCI có được xem là cung cấp dịch vụ Phone-to-Phone chiều về Việt Nam hay không, trong khi, tại kết luận thanh tra không đưa ra được bằng chứng nào về lưu lượng thoại kết cuối về Việt Nam thông qua trang thiết bị của OCI thông qua kết nối vào mạng PSTN của Việt Nam.

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM cần sớm đưa ra quyết định giải quyết khiếu nại để hạn chế các thiệt hại phát sinh.

Mạnh Chung

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Cagipharm: ĐHĐCĐ thường niên năm 2009 (06/05/2009)

>   BCC Co: Chi trả cổ tức năm 2008 (06/05/2009)

>   DaiABank: ĐHĐCĐ thường niên 2009 (06/05/2009)

>   CTCP Cơ khí gang thép Thái Nguyên còn nhiều "khấp khểnh" (06/05/2009)

>   Maseco: Trả cổ tức đợt 1/2009 (06/05/2009)

>   KCN Hiệp Phước xin xây nhà máy thiêu rác tại chỗ (05/05/2009)

>   Chấp thuận nguyên tắc NYCP cho CTCP Thuỷ điện Thác Mơ (05/05/2009)

>   Cty Chứng khoán Phú Hưng tăng vốn điều lệ (05/05/2009)

>   NAGAKAWA nộp hồ sơ ĐKNY cổ phiếu tại TTGDCK HN (05/05/2009)

>   Thương mại XNK Thủ Đức nộp hồ sơ ĐKNY cổ phiếu tại TTGDCK HN (05/05/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật