UPCoM - bước tiến tới OTC
Thị trường đăng ký giao dịch chứng khoán các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) chưa phải là thị trường OTC (theo đúng nghĩa) thực sự. Nhưng việc tổ chức thị trường này là cấp thiết để quản lý việc giao dịch cổ phiếu, công bố thông tin của các công ty đại chúng đang diễn ra một cách tự do hiện nay và là bước đệm để xây dựng thị trường OTC chuẩn trong tương lai.
Thị trường OTC - viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Over The Counter”, là TTCK phi tập trung hay TTCK chưa niêm yết, được tổ chức theo hình thức mua bán thỏa thuận giữa NĐT và CTCK hoặc giữa CTCK với nhau. Thị trường này có CTCK đứng ra mua vào, bán ra cổ phiếu và thu chênh lệch giá, gọi là nhà tạo lập thị trường. Bên cạnh đó là các CTCK môi giới cho khách hàng và hưởng phí hoa hồng.
Ở một số thị trường phát triển, một cổ phiếu tham gia thị trường OTC phải có ít nhất hai CTCK tạo lập thị trường và CTCK muốn tạo lập thị trường cho cổ phiếu nào thì phải đăng ký. Tại bất kỳ thời điểm nào, CTCK cũng phải đưa ra mức giá chào mua và chào bán với loại cổ phiếu mà họ tạo lập thị trường.
So sánh với thị trường OTC theo thông lệ thế giới nói trên thì thị trường UPCoM sắp đi vào hoạt động ở nước ta mới chỉ đạt khoảng một nửa tiêu chuẩn, đó là có các CTCK môi giới cho khách hàng và hưởng phí giao dịch. Chưa có quy định về việc CTCK đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường, một điều kiện quan trọng để hình thành thị trường OTC chuẩn.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), sở dĩ chưa thể xây dựng một thị trường OTC chuẩn ngay, trong đó đề cao vai trò tạo lập thị trường của các CTCK là do năng lực của CTCK còn kém. Thị trường UPCoM được tổ chức trước tiên là để quản lý giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng và CTCK thực hành vai trò tạo lập thị trường ở bước đi ban đầu. Vai trò tạo lập thị trường của CTCK thể hiện ở việc thu hút được nhiều NĐT cổ phiếu OTC và xác định tỷ lệ ký quỹ hợp lý, đồng thời kiểm soát được rủi ro.
Theo quy chế về thị trường UPCoM, có hai phương thức giao dịch là giao dịch thỏa thuận thông thường và giao dịch thỏa thuận điện tử. Với giao dịch thỏa thuận thông thường, NĐT tự thỏa thuận với nhau hoặc CTCK kết nối để khách hàng thỏa thuận giao dịch. Kết quả giao dịch được CTCK chuyển vào hệ thống đăng ký giao dịch UPCoM. CTCK thu phí ở cả hai đầu, người mua và người bán. Còn nếu giao dịch thỏa thuận điện tử, tức CTCK đưa lệnh lên hệ thống để tìm lệnh đối ứng ở các CTCK khác, thì một CTCK chỉ thu được phí với một lệnh mua hoặc bán. Như vậy, nếu thu hút được nhiều NĐT đến giao dịch, tạo được cung - cầu lớn, CTCK sẽ thu được nhiều phí. Điều này đòi hỏi CTCK phải chăm sóc khách hàng tốt hơn, nhất là chăm sóc bằng các sản phẩm dịch vụ phái sinh, sử dụng đòn bẩy tài chính mà NĐT OTC hiện đang ưa thích.
Cơ chế thoáng mà sàn UPCoM được hưởng đó là đặt lệnh với tỷ lệ ký quỹ theo thỏa thuận với CTCK nơi NĐT mở tài khoản.
Ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường, UBCK cho biết, thị trường UPCoM được áp dụng quy định tỷ lệ ký quỹ như vậy là do chỉ có phương thức giao dịch thỏa thuận, đến thời điểm giao dịch được thực hiện, tức ngày T+3, nếu NĐT không thanh toán đủ thì chứng khoán vẫn thuộc sở hữu của người bán. Khi đó, người mua sẽ bị mất một khoản tiền ký quỹ nhất định, tỷ lệ cụ thể do CTCK quy định. Bên mua có thể vay giá trị giao dịch còn thiếu để thanh toán, nhưng việc này đòi hỏi CTCK phải tư vấn và thuyết phục ngân hàng cho cầm cố cổ phiếu chưa niêm yết ở tỷ lệ bao nhiêu là hợp lý.
Hiện nay, một số CTCK vẫn cho repo một số cổ phiếu chưa niêm yết, tỷ lệ cao nhất là 40 - 50% thị giá. Nhưng tới đây, nếu đánh giá cổ phiếu nào có khả năng tăng giá thì tỷ lệ repo có thể cao hơn mức trung bình; ngược lại, cổ phiếu nào đã tăng quá mức thì tỷ lệ repo sẽ giảm xuống…
Có lẽ đây là lý do khiến nhiều CTCK lớn, có ngân hàng mẹ đứng sau hào hứng với thị trường UPCoM. Các CTCK khác cho biết, họ cũng không ngần ngại cạnh tranh vì một số định chế tài chính như công ty tài chính, ngân hàng thương mại sẵn sàng đứng sau để mở rộng thị phần cho vay đầu tư chứng khoán. Các khoản vay này có những rủi ro nhất định, nhưng lợi nhuận cao, vì thời hạn vay thường ngắn mà lãi suất lại cao.
Thu Hương
đầu tư chứng khoán
|