Thứ Sáu, 15/05/2009 10:15

NH Thái Nguyên: Giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với DN

Để phát huy tối đa hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ trong việc duy trì phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, ngày 13/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Nguyên (NHNN Thái Nguyên), Trường đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên tổ chức toạ đàm bàn về các biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Ngân hàng là người lính xung kích

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Vượng - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên khẳng định, tình hình kinh tế - xã hội cả nước đã có những dấu hiệu tích cực. Tăng trưởng GDP cả nước quý I đạt 3,1%, mặc dù thấp xa so với mục tiêu đề ra, song trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương. Điều đó cho thấy, gói kích cầu của Chính phủ đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Một trong những trọng tâm của gói kích cầu các đại biểu đánh giá rất cao là chính sách hỗ trợ lãi suất mà ngành Ngân hàng giữ vai trò chủ đạo. Đây là một chủ trương tích cực, kịp thời nhằm giúp doanh nghiệp sớm ổn định trong ngắn hạn và nhanh chóng vượt qua khó khăn để phát triển.

Ông Nguyễn Văn Phi - Giám đốc NHNN Thái Nguyên cho biết, xác định rõ tầm quan trọng của chính sách này, ngay từ khi Quyết định 131 và Thông tư 02 ra đời, NHNN Thái Nguyên đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương, chỉ đạo các NHTM trên địa bàn nghiêm túc triển khai thực hiện. Không những vậy, để đảm bảo cơ chế hỗ trợ lãi suất được thực hiện theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và nhanh chóng đi vào cuộc sống, NHNN tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến công khai, minh bạch về cơ chế hỗ trợ lãi suất, nhất là đối tượng thụ hưởng, thủ tục và quy trình thực hiện đồng thời thành lập Tổ công tác triển khai cơ chế hỗ trợ lãi suất. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã rất nỗ lực, ngoài việc đảm bảo hoạt động kinh doanh như bình thường còn tích cực triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất. Thậm chí, nhiều ngân hàng đã chấp nhận giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Nhờ vậy, tính đến hết tháng 4/2009, đã có 9.821 khách hàng là các tổ chức, cá nhân được vay vốn hỗ trợ lãi suất với dư nợ 3.573 tỷ đồng, chiếm 47,59% tổng dư nợ của các ngân hàng được cho vay hỗ trợ lãi suất trên địa bàn.

Đồng vốn hỗ trợ lãi suất kịp thời đã có tác động thiết thực đối với các tổ chức và cá nhân trong việc khắc phục khó khăn, giảm giá thành sản phẩm, duy trì sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động. Giải pháp này cũng hỗ trợ các NHTM khắc phục khó khăn ứ đọng vốn, tạo điều kiện mở rộng tín dụng một cách an toàn, bởi doanh nghiệp càng hoạt động ổn định, phát triển, tín dụng ngân hàng càng giảm bớt rủi ro.

Nâng cao hiệu quả

Theo TS. Nguyễn Văn Vượng, gói kích cầu phải đầu tư vào khu vực giải quyết được nhiều việc làm, ở Việt Nam đó chính là khu vực nông nghiệp, nông thôn với 70% dân số sinh sống. Đầu tư vào khu vực này không những giải quyết về kinh tế mà còn giải quyết được vấn đề an sinh xã hội. Việc đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn như giao thông, thuỷ lợi…, đặc biệt là đào tạo nghề không những chỉ nhằm mục tiêu kích cầu hôm nay mà còn tạo điều kiện cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng một nông thôn hiện đại, phát triển bền vững.

Việc kích cầu không nên dàn trải mà cần tập trung vào những công trình, dự án mang lại hiệu quả cao trong thời gian ngắn. Với Thái Nguyên, cần tập trung đầu tư cho Nhà máy Xi măng, đầu tư cho gang thép để phấn đấu đến 2010 - 2011 tổng sản lượng thép trên địa bàn phải đạt 1 triệu tấn đồng thời tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên để tạo tiền đề thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Việc kích cầu cũng phải tính đến mục tiêu lâu dài là phát triển bền vững. Vì vậy cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới thiết bị công nghệ; tập trung cho y tế và đặc biệt là giáo dục - đào tạo nhằm đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng. Đây chính là những yếu tố để nền kinh tế của một quốc gia phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, cần công khai minh bạch các chính sách, giải pháp kích cầu để hạn chế tối đa tiêu cực; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ chính sách kích cầu, vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam...

Để nâng cao hiệu quả của các gói kích cầu trong việc ngăn chặn suy giảm kinh tế tại địa phương, thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan, ban ngành cần khơi thông mọi ách tắc, triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp kích cầu của Chính phủ có tính đến đặc thù của Thái Nguyên.

Minh Trí

SBV

Các tin tức khác

>   Sẽ hạ lãi suất cơ bản? (15/05/2009)

>   Ưu đãi kiểm toán viên và vấn đề “dưỡng liêm” (15/05/2009)

>   Vietbank tăng lãi suất (15/05/2009)

>   Kết quả đấu thầu TP Chính phủ do Kho bạc NN phát hành, đợt 5/2009 (15/05/2009)

>   Đấu thầu TP được CP bảo lãnh phát hành của NH Chính sách XH (15/05/2009)

>   Đối thoại về thuế: Nhiều cái “nóng”chưa gỡ được! (15/05/2009)

>   Doanh nghiệp "than trời" vì khó mua ngoại tệ (15/05/2009)

>   NHNN: Cần đưa mặt bằng lãi suất đô la xuống thấp (14/05/2009)

>   VN chưa có thương hiệu ngân hàng "tin cậy" cao (14/05/2009)

>   Điều tiết thu ngân sách khi giá dầu thô biến động (14/05/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật