"Tiếp thị" vốn kích cầu của TPHCM:
Chính sách: hấp dẫn - Thủ tục: gian nan
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn, sáng 15-5, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TPHCM (HIFU) đã tổ chức hội nghị “tiếp thị” chương trình kích cầu, hỗ trợ lãi vay kích cầu của UBND TPHCM. Khán phòng chật cứng người với hàng chục câu hỏi được đặt ra đến… giờ chót!
Lãi suất bằng “0” cho dự án y tế, giáo dục...
Sau khi nghe lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) giới thiệu một số dự án y tế, giáo dục, công nghệ cao, xử lý nước thải… được UBND TPHCM hỗ trợ 50% - 100% lãi vay với thời hạn lên đến 7 năm, mức hỗ trợ cho mỗi dự án lên đến 100 tỷ đồng (theo Quyết định 20/2009/QĐ-UB ngày 27-2-2009), đại diện Bệnh viện Nhân dân 115 hỏi: “Theo quy định, hạn mức cho vay chỉ 85% tổng dự án nhưng trong thời điểm khó khăn này, bệnh viện khó có khả năng đáp ứng 15% vốn đối ứng, vậy có cách nào xử lý không?”.
Câu trả lời của đại diện Quỹ HIFU đã làm cho lãnh đạo Bệnh viện 115 thở phào: “Cơ chế đã “mở” cho các dự án y tế, giáo dục, vì vậy, bệnh viện có vốn đối ứng dưới 15% vẫn được chấp nhận”.
Một doanh nhân khác đặt vấn đề tương tự: Chúng tôi hợp tác với cá nhân để thực hiện dự án xây dựng bệnh viện thì có được vay vốn và hưởng ưu đãi kích cầu của TP không? - “Được, nếu cá nhân đó là người Việt Nam” - ông Trang Trung Sơn, Trưởng phòng Kinh tế (Sở KH-ĐT) trả lời. Ông giải thích thêm, chương trình này hỗ trợ cho cả tổ chức và cá nhân trong nước, không hỗ trợ cho các tập đoàn, công ty có vốn đầu tư nước ngoài. “Nếu vay vốn để mua đất xây dựng trường dạy nghề thì có được tính trong tổng vốn đầu tư để được hỗ trợ không?” - một chủ doanh nghiệp hỏi. “Được, nếu tổ chức tín dụng chấp thuận cho vay thì sẽ được hỗ trợ, vì quyết định hỗ trợ cả dự án mở rộng và chiều sâu” - ông Sơn quả quyết.
“Thế doanh nghiệp cần vốn để di dời ra ngoại thành theo chủ trương di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường của TP thì có được hỗ trợ lãi vay không?” - chủ một doanh nghiệp dây cáp điện hỏi. Đây không phải là dự án đầu tư mới nên không thuộc diện hỗ trợ theo Quyết định 20, Sở KH-ĐT giải thích. Còn Quỹ HIFU thì cho biết, chương trình hỗ trợ di dời nay đã chấm dứt, nên không được hỗ trợ. “Dự án cải tạo, nâng cấp bệnh viện có thời gian trên 7 năm và số vốn trên 100 tỷ đồng thì có được hỗ trợ không? – “Quyết định 20 có quy định rõ, đối với những dự án có thời gian vay dài hơn 7 năm hoặc có nguồn vốn vay trên 100 tỷ đồng thì UBND TP sẽ xem xét giải quyết từng trường hợp” - ông Sơn trả lời.
Doanh nghiệp vẫn “ngán” thủ tục
Sau khi nghe trả lời dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân của doanh nghiệp mình được chấp nhận hỗ trợ lãi vay, nhưng chủ doanh nghiệp vẫn lo lắng với điều kiện “phải chứng minh dự án phục vụ cho công nhân”. Vì theo ông, chứng minh việc có phục vụ cho công nhân hay không thì đến khi dự án hoàn thành mới chứng minh được, trong khi bây giờ mình cần vốn để đầu tư.
Quyết định 20 quy định rất thoáng nhưng lại rất chung chung, chẳng hạn - một doanh nghiệp đặt vấn đề - dự án chế biến lương thực thực phẩm có giá trị gia tăng cao sẽ được hưởng ưu đãi, nhưng như thế nào là “giá trị gia tăng cao” thì không quy định cụ thể, giờ doanh nghiệp không biết lấy gì để chứng minh.
Theo thông tin được trình bày tại hội thảo thì dự án xử lý nước thải được hưởng ưu đãi, nhưng khi có doanh nghiệp hỏi về dự án xây dựng khu xử lý rác tập trung và khu xử lý nước thải ở chợ thì câu trả lời lại là “không được” bởi chỉ ưu đãi cho dự án xử lý chất thải tập trung tại khu công nghiệp, tại doanh nghiệp, bệnh viện.
Trong quy định, có việc hỗ trợ vay vốn để giải quyết ô nhiễm môi trường, thế nhưng khi bà Võ Thị Thanh Hương, Trưởng ban Chính sách phát triển hợp tác xã hỏi trường hợp nhiều đơn vị thuộc Liên minh HTX hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh, môi trường muốn vay vốn đầu tư nhà máy xử lý rác, phương tiện vận chuyển rác, thì đại diện Quỹ HIFU trả lời không được hỗ trợ lãi vay. Điều đó gây thất vọng cho các doanh nghiệp này, vì họ cũng hoạt động trong lĩnh vực “giảm thiểu ô nhiễm môi trường” nhưng lại không được hưởng ưu đãi.
Một chủ doanh nghiệp bức xúc, chính sách thì hấp dẫn, nhưng khi chúng tôi chuyển hồ sơ từ quỹ đầu tư HIFU sang hưởng ưu đãi theo Quyết định 20 thì Sở KH-ĐT yêu cầu phải quay lại quỹ để thẩm định, trong khi đã thẩm định rồi.
Một ý kiến khác, như giải thích của Sở KH-ĐT thì dự án trường học không cần vốn đối ứng nhưng quỹ HIFU lại yêu cầu chúng tôi đối ứng đến 20% và chỉ cho vay phần xây lắp chứ không cho vay toàn dự án như Quyết định 20. Nhiều người thắc mắc: “Khi vay được rồi thì lúc nào doanh nghiệp mới được nhận lãi vay hỗ trợ?”.
Khi được trả lời, sau khi giải ngân, doanh nghiệp phải làm việc với Sở Tài chính, Kho bạc, Sở KH-ĐT để biết kế hoạch. Nghe thế, nhiều doanh nghiệp lắc đầu ngán ngẫm với cung đường lòng vòng các sở. Không ít doanh nghiệp “xin” vay không ưu đãi để giảm bớt thủ tục, vì “lo” thủ tục ở ngân hàng đã mệt mỏi lắm rồi
Hàn Ni
Sài gòn giải phóng
|