“Say sóng” trên sàn OTC
"Bán 20.000 (cổ phiếu MB) giá 19.02 ngày mai ai mua nào?", môi giới tên Hoàng vừa dứt lời rao, một cô gái trẻ măng đã nhận lời. Một cách rất chuyên nghiệp, hai người đồng thời chìa tay ra bắt như lời khẳng định… khớp lệnh. Sau đó, họ tách khỏi đám đông đi về phía bàn dành riêng cho việc làm thủ tục. Đó chỉ là một trong hàng trăm thương vụ diễn ra mỗi ngày tại "chợ OTC" Ngân hàng Quân đội - MB (số 16 Liễu Giai, Hà Nội). Những ngày có sóng lớn như từ đầu tháng 4 đến nay, khối lượng giao dịch tại đây tăng lên đột biến và mức độ đông đúc của chợ này cũng tăng theo.
Sôi động 15h chiều 15/4: ồn ã, đông đúc, ngột ngạt, hoan hỉ, thất vọng…, tất cả làm nên một phiên chợ chứng khoán cực kỳ sôi động. Va đập giữa hàng trăm con người trong căn phòng chừng 50 m2, mất hơn 1 giờ đồng hồ tôi mới tìm hiểu về cách thức giao dịch tại chợ OTC MB (tạm gọi như vậy vì không có danh từ nào khác). Trên thực tế, đây chỉ là nơi làm thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu của MB. Tuy nhiên, từ sức nóng của cổ phiếu MB đã lan tỏa sang các cổ phiếu khác và thu hút nhiều thành phần tham gia. Từ NĐT chuyên lướt sóng đến NĐT muốn nắm giữ lâu dài, từ NĐT sành sỏi, gạo cội đến những tay mơ ôm mộng làm giàu từ chứng khoán. Có nhiều loại hàng hóa được giao dịch ở đây nhưng cổ phiếu MB vẫn là nguồn hàng chủ lực, đến nỗi không cần rao tên, chỉ cần rao giá người ta cũng biết. Thông thường, môi giới tại các CTCK sẽ nhận lệnh mua/bán từ công ty. Sau đó, tại sàn MB họ sẽ tìm các đối tác có nhu cầu bằng cách… rao miệng. Hình ảnh các môi giới vừa nghe điện thoại, vừa đứng rao giữa đám đông rất phổ biến. Một hình thức khớp lệnh vừa hiện đại, vừa thủ công mà chỉ ở chợ OTC MB mới có! Có những giao dịch diễn ra chỉ vài phút nhưng giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng.
Một nhân viên bảo vệ cho biết, gần 10 ngày trở lại đây, chợ OTC trở nên quá tải, nhất là vào lúc cao điểm 15 - 17h, do đây là thời điểm kết thúc làm thủ tục chuyển nhượng của MB. Tuy nhiên, phiên chợ này vẫn tiếp tục kéo dài đến khoảng 4 - 5h sáng hôm sau khi các thị trường thế giới đang giao dịch. "Ngân hàng chỉ làm thủ tục đến 17h nhưng để phục vụ NĐT, chúng tôi vẫn cho họ ở lại đây giao dịch đến đêm. Phần lớn là các môi giới chuyên nghiệp và quen thuộc", nhân viên bảo vệ cho biết.
Giao dịch cổ phiếu OTC tại MB trong những ngày có sóng lớn vừa qua như một cuộc chạy đua tiếp sức diễn ra giữa những nhóm người. Quy trình mua - bán của các môi giới chuyên nghiệp diễn ra liên tục như sau: nhận lệnh mua/bán từ phía khách hàng, sau đó liên tục tìm người mua/bán ở các mức giá khác nhau. Sau đó, đến cuối ngày sẽ tất toán các giao dịch. Vào ngày cao điểm, có môi giới thực hiện giao dịch từ 5 đến 7 triệu cổ phiếu MB. Với mỗi lô 10.000 cổ phiếu, MB thu 200.000 đồng tiền phí thì đây là khoản doanh thu không nhỏ đóng góp vào lợi nhuận của ngân hàng này. Còn các môi giới, ngoại trừ việc mua - bán cho mình, mỗi lô cổ phiếu họ thu 100.000 - 150.000 đồng tiền phí. Nếu làm việc cật lực và có nhiều khách hàng, mỗi ngày một môi giới thu được 4 - 5 triệu đồng phí môi giới.
Giao dịch bằng… niềm tin!
Nếu lần đầu đặt chân đến chợ OTC MB, sẽ có nhiều thứ khiến bạn ngạc nhiên. Thứ nhất là việc mua - bán hàng trăm ngàn cổ phiếu diễn ra rất đơn giản. Hai người thỏa thuận với nhau về kỳ hạn giao dịch, khối lượng và giá cả. Sau đó, ghi tên và các nội dung thỏa thuận vào một cuốn sổ và có ký tên giữa hai bên. Đến cuối ngày (lúc 17h trước khi MB đóng cửa) sẽ tất toán giao dịch. Những giao dịch thật (mua có cổ phiếu, bán có tiền) sẽ làm thủ tục tại MB. Còn các môi giới mua - bán ảo với nhau sẽ gặp nhau để thực hiện thanh toán các lệnh đối trừ. Chẳng hạn, môi giới A mua giá 19.000 đồng/CP trong ngày. Nhưng vào thời điểm tất toán, giá cổ phiếu chỉ là 18.200 đồng/CP (giá thống nhất giữa hai người) thì người mua sẽ trả cho người bán khoản chênh lệch giá 800 đồng/CP, chứ không phải thanh toán hết giá trị lô cổ phiếu đó. Và tất nhiên, họ cũng không phải làm thủ tục, mất phí chuyển nhượng. Theo tìm hiểu của ĐTCK, có đến trên 50% giá trị giao dịch trong ngày tại chợ OTC MB là giao dịch ảo giữa các môi giới. Thoạt nhìn tưởng là lỏng lẻo, nhưng đã có một quy định bất thành văn mà bất cứ môi giới chuyên nghiệp nào cũng phải tuân thủ: đặt cọc 20 triệu đồng… bằng miệng. Nghĩa là nếu bên mua hoặc bán phá hợp đồng sẽ phải bồi thường 20 triệu đồng cho đối tác. Mặc dù không hiển thị trong giao kèo nhưng phần lớn môi giới đều tuân thủ, nếu không họ sẽ bị cả cộng đồng môi giới loại bỏ và… mất nghề!
Chính vì giao dịch bằng niềm tin mà những người mới mon men bước vào chợ này rất khó nhập cuộc. Họ phải thực hiện giao dịch thật 100% tiền mặt hoặc cổ phiếu ít nhất là 1 tuần. Chỉ khi nào quen mặt, biết nhà, nơi làm việc và thái độ giao dịch nghiêm túc mới được tham gia các nghiệp vụ "phái sinh". Đi trước thị trường chính thức, tại chợ này xuất hiện nhiều sản phẩm như: mua - bán kỳ hạn, cho vay chứng khoán… Những hình thức giao dịch khá rủi ro này lại chỉ được bảo chứng bằng niềm tin.
Ông Nguyễn Phồn Hậu, Trưởng phòng OTC CTCK Euro Capital cho biết, việc giao dịch trên thị trường OTC như đang diễn ra tại MB có sức hấp dẫn ở chỗ thanh khoản tốt, dao động giá mạnh, NĐT có cơ hội gia tăng lợi nhuận. Nhưng việc mua - bán ở đây là khá rủi ro bởi không ít giao dịch chỉ là viết tay, thỏa thuận miệng hoặc khả dĩ hơn là bằng tin nhắn. Rủi ro thứ hai là thông tin khá lộn xộn từ các NĐT đưa ra, nên nếu không tỉnh táo sẽ dễ bị rơi vào bẫy… giá.
Nói về sàn giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết tại HASTC (UPCoM), một môi giới chuyên nghiệp tại chợ OTC MB cho rằng, cái lợi sẽ là bảo vệ NĐT trước rủi ro pháp lý, thông tin được kiểm soát. Nhưng việc quy định về biên độ dao động giá, hạn chế thời gian giao dịch… đã tước đi cái hồn là sự linh hoạt của thị trường OTC.
Chưa biết chợ OTC chính thức bao giờ ra đời, nhưng sự tồn tại của những cái chợ tự phát như chợ OTC MB tiềm ẩn nhiều rủi ro. Và điều này thực sự nguy hiểm đối với các NĐT say sóng, chạy theo lợi nhuận và không đủ tỉnh táo để nhận biết giới hạn của sự an toàn!
Thanh Đoàn
Đầu tư chứng khoán
|