Thứ Ba, 14/04/2009 10:12

M&A công ty chứng khoán: Không dễ!

Với tình hình thị trường hiện nay, việc huy động đủ số vốn pháp định (300 tỷ đồng) đối với hầu hết CTCK là ngoài tầm với, tìm được đối tác chiến lược cũng là việc làm bất khả thi, CTCK mới thành lập có quy mô nhỏ, hạ tầng đầu tư thiếu đồng bộ… đã và đang tính đến chuyện sáp nhập hoặc bán lại (M&A). Một số CTCK quy mô lớn dự định mua lại CTCK nhỏ vì kỳ vọng, những thương vụ mua bán này có thể làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu, hoạt động và vốn điều lệ của công ty.

Ông Đoàn Văn Minh, Tổng giám đốc CTCK Hải Phòng (HPC) cho biết, hiện HPC đang tiến hành đàm phán với một số CTCK nhỏ để mua lại. Theo ông Minh, mục đích của việc mua lại CTCK nhỏ là tận dụng mạng lưới khách hàng và các quan hệ hiện tại của đối tác và dễ dàng hơn trong việc nâng vốn điều lệ. Khi được hỏi về những khó khăn cho việc mua lại CTCK, ông Minh cho biết, việc hợp nhất giữa hai CTCK khác nhau có thể gây nên sự xáo trộn trong sắp xếp bộ máy lúc đầu, còn việc mua lại được hay không chủ yếu phụ thuộc vào sự thống nhất của các cổ đông CTCK. "Đây chính là một yếu tố quan trọng vì những CTCK mà chúng tôi ưng ý lựa chọn thì chưa sẵn sàng cho việc bán lại, còn những công ty muốn bán thì Công ty lại chưa ưng ý", ông Minh cho biết thêm. Một điểm vướng mắc nữa cho việc mua lại CTCK là đến nay, UBCK mới xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn việc mua bán, hợp nhất, sáp nhập tự nguyện giữa các tổ chức kinh doanh chứng khoán, việc bao giờ có khung pháp lý chính thức vẫn chưa rõ ràng.

Giám đốc một CTCK có vốn trên 300 tỷ đồng cho rằng, bên cạnh việc mua lại, ý tưởng về việc sáp nhập với một CTCK nhỏ đang ngấp nghé bên bờ vực phá sản cũng rất hay, nhưng cần phải có sự bàn bạc cụ thể để đảm bảo quyền lợi giữa các bên, nhất là quyền lợi của nhà đầu tư đã mở tài khoản tại CTCK bị thâu tóm. Xét ở một khía cạnh nào đó, CTCK lớn mở rộng được mạng lưới khách hàng, CTCK nhỏ tránh được nguy cơ phá sản, còn nhà đầu tư cũng tránh được rủi ro.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Lê Hồ Khôi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK Tràng An, nếu nhà đầu tư biết rằng, CTCK nơi mình đang mở tài khoản có nguy cơ "bị thâu tóm" thì họ sẽ phản ứng bằng việc đóng tài khoản và mở lại tại một CTCK khác, uy tín, đảm bảo hơn và việc này không hề ảnh hưởng đến quan hệ tín dụng như đối với việc sáp nhập ngân hàng. Do vậy, nếu CTCK nghĩ rằng, việc M&A một CTCK khác sẽ mở rộng được hệ thống khách hàng thì cần phải xem xét lại. Ông Khôi cho rằng, CTCK yếu quá thì nên giải thể, bởi bàn đến việc sáp nhập CTCK nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng để thực hiện là rất khó, ít nhất là vì Việt Nam vẫn chưa có tiền lệ.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, ngoại trừ vài CTCK lớn có ý tưởng mua lại CTCK nhỏ thì các CTCK còn lại chưa có ý định này. Ông Hà Huy Toàn, Tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agriseco) cho rằng, Agriseco chưa có ý định sẽ mua lại hay sáp nhập với một CTCK nào. Theo ông Toàn, cơ quan quản lý đáng lẽ phải lường trước mọi tình huống khi cấp phép thành lập CTCK, để đến bây giờ, nhiều CTCK đang trong tình trạng "chết lâm sàng" mới nghĩ đến việc mua bán, sáp nhập. Chuyện CTCK lớn cứu CTCK nhỏ là rất khó nhưng còn khả thi, việc 2 CTCK nhỏ kết hợp lại với nhau thì sớm muộn gì cũng sinh ra một "thân hình gầy yếu", rồi sẽ chẳng đi đến đâu. Với quy mô thị TTCK Việt Nam hiện nay chỉ cần khoảng 30 CTCK là hợp lý, nếu tiếp tục duy trì trên 100 CTCK hoạt động thì nhiều công ty sẽ sớm đóng cửa.

Bà Lê Thị Mai Linh, Phó chủ tịch HĐQT CTCK Đông Nam Á (SeABS) cho biết, trong thời điểm này, tự "cứu" chính mình còn chưa xong, huống gì nghĩ đến cứu công ty khác. Theo bà Linh, trên thế giới, M&A đã rất phổ biến và tỏ ra hiệu quả, song ở Việt Nam hoạt động này vẫn mới mẻ và thiếu khung pháp lý rõ ràng, CTCK khi lựa chọn đối tác sáp nhập cần đề cập đến những yếu tố như: thị phần, nhân sự, giá trị thặng dư để có hướng sáp nhập phù hợp và khả thi. Một số CTCK khác như Công thương, Thăng Long… cũng chưa có kế hoạch để mua lại hay sáp nhập CTCK khác.

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán nhận định, M&A các CTCK khá phức tạp. Để tìm hướng đi mới cho CTCK, theo ông Kỳ, các công ty thiếu vốn nên giảm bớt nghiệp vụ, còn công ty lớn thì nên phát triển các dịch vụ mới để mở rộng khách hàng. Ông Kỳ vẫn bảo lưu quan điểm, cơ quan quản lý cần giãn thêm thời gian để các CTCK thiếu vốn có cơ hội tăng vốn, đảm bảo duy trì hoạt động nghiệp vụ cơ bản, việc sáp nhập chỉ là phương án mang tính lý thuế nhiều hơn.

Hải Vân

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   CADIVI: ĐHĐCĐ thường niên năm 2009 (14/04/2009)

>   Seaprodex Saigon: ĐHĐCĐ thường niên năm 2009 (14/04/2009)

>   Sông Đà 7.04 nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu tại HaSTC (14/04/2009)

>   Khởi công xây dựng thủy điện IaHiao 3 (14/04/2009)

>   Habaco: Báo cáo thường niên năm 2008  (18/04/2009)

>   CADIVI: Báo cáo thường niên năm 2008  (18/04/2009)

>   Nadyphar: Báo cáo thường niên năm 2008 (18/04/2009)

>   ACECO: Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2009 (13/04/2009)

>   UNICONS: Báo cáo thường niên năm 2008  (18/04/2009)

>   Maritime Bank đóng cửa hai chi nhánh (13/04/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật