Chủ Nhật, 26/04/2009 10:25

Lại “khát” nhân sự chứng khoán 

Trái ngược với làn sóng sa thải nhân viên vài tháng trước đây, các công ty chứng khoán (CTCK) hiện rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân sự sau khi thị trường chứng khoán (TTCK) sôi động trở lại.

Hết lạnh đến nóng

TTCK sụt giảm kéo dài, nhiều nhà đầu tư bỏ sàn hồi nửa sau của năm 2008 dẫn đến việc các CTCK ồ ạt cắt giảm nhân sự. Hàng loạt vị trí nhân sự từ cao đến thấp ở các CTCK đều bị cắt giảm khiến cho chứng khoán trở thành ngành mang tính đào thải lớn nhất lúc bấy giờ. Tuy nhiên ít ai ngờ rằng, TTCK đột ngột nóng lên trong 2 tháng gần đây khiến không ít công ty chưa kịp trở tay trong việc đảm bảo nhân sự để phục vụ hoạt động. Đang từ thất nghiệp, nhân sự chứng khoán lại có giá trở lại. Trên mạng việc làm, tuyển dụng của Vietnamworks thời điểm này có hàng loạt thông báo tuyển dụng nhân sự ở mọi vị trí của các CTCK. CTCK Kim Eng Việt Nam thì tuyển giám đốc chi nhánh và nhân viên kiểm soát nội bộ; CTCK Hòa Bình tuyển chuyên viên phân tích đầu tư, tự doanh, môi giới giao dịch, lưu ký, phần mềm...; CTCK VNS tuyển 12 nhân sự là chuyên viên môi giới và tư vấn chứng khoán; CTCK Thành Công tuyển nhân viên hành chính tổng hợp, chuyên viên SOP và giám sát tuân thủ; CTCK Phố Wall tuyển nhân viên môi giới OTC; CTCK Bảo Minh tuyển một số vị trí như 2 nhân viên môi giới và tư vấn đầu tư; chuyên viên bảo lãnh phát hành và tư vấn doanh nghiệp... Đó là chưa kể đến hàng loạt CTCK treo biển tuyển người tại chỗ cũng như nhờ tìm nhân sự cho các "ghế" lớn như giám đốc, trưởng phòng... thông qua nhiều hình thức khác nhau như qua giới thiệu, "câu" người từ các công ty khác bằng chế độ lương, thưởng hậu hĩnh.

Không thể sử dụng lao động kiểu thời vụ

Sau đợt giảm nhân sự ồ ạt cuối năm 2008, nhân viên ngành chứng khoán thất nghiệp nhan nhản. Một nhân viên môi giới chứng khoán (không muốn nêu tên) cho biết trước khi bị sa thải, anh làm việc cho một CTCK lớn tại TP.HCM. Sau Tết, anh kiếm được việc từ một CTCK nhỏ hơn, mức lương cũng khiêm tốn hơn. Hiện nay anh đang nhận được một số lời mời với mức lương khá hơn nhưng anh không quan tâm. "Tôi cần một công việc ổn định chứ không muốn được tuyển dụng theo kiểu thời vụ. Lúc cần thì trả lương cao, lúc không cần thì sa thải", anh bảo. Đây cũng là tâm tư của rất nhiều người đang làm việc trong lĩnh vực này. Cảm giác ngành chứng khoán - một ngành dịch vụ cao cấp - đang trở thành ngành sử dụng lao động kiểu thời vụ khiến những người làm việc trong ngành này thấy bất an.

Ông Lê Đạt Chí, chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM, cho rằng, không thể coi nhân viên chứng khoán là thời vụ được. Hiện tại ở Việt Nam đang có tình trạng này là do các CTCK không có chiến lược lâu dài và hầu hết CTCK hiện nay chủ yếu hoạt động môi giới chứng khoán. Chính vì vậy, khi thị trường nóng lên thì có nhiều việc để làm và khi thị trường ảm đạm thì bộ phận này lại trở thành thừa thãi và rất dễ bị sa thải để công ty giảm chi phí. Theo ông Chí, một CTCK cần phải có 2 bộ phận là môi giới và phân tích chứng khoán. Chất lượng của các dịch vụ này tốt hay không phụ thuộc vào việc đầu tư cho các bộ phận này một cách dài hơi chứ không thể xem là thời vụ được. "TTCK đã và đang trên con đường ổn định và phát triển, vì vậy nhân sự trong ngành này cũng cần ổn định và có chất lượng để phục vụ thị trường và nhà đầu tư", ông Chí nói. Một chuyên gia khác nhận định nhân lực cho ngành tài chính tại Việt Nam hiện nay đang thiếu chứ không thừa đến mức có thể dễ dàng sa thải hàng loạt như tình trạng diễn ra tại các CTCK thời gian vừa qua. Không phải cứ khi cần thì ồ ạt lôi kéo nhân sự bằng thu nhập cao, lúc khó khăn thì sa thải. "Đây là bài học về quản lý nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao trong lĩnh vực này. Không phải cứ ở đâu trả lương cao là đã tốt. Một môi trường ổn định, một công việc lâu dài luôn là điều cần thiết đối với tất cả mọi người", chuyên gia này nói.

Nguyên Hằng

Thanh niên

Các tin tức khác

>   TMS: Đầu tư 141 tỷ đồng quy hoạch TT Kho cảng ICD Transimex (25/04/2009)

>   Địa ốc Hòa Bình giữ vững cam kết về chất lượng (25/04/2009)

>   Cổ đông PNC vững tin vào HĐQT (25/04/2009)

>   GIL nâng mức cổ tức 2009 lên 20% (25/04/2009)

>   VGP: Báo cáo tài chính tóm tắt quý 1/2009 (13/04/2009)

>   SJ1: Báo cáo tài chính chi tiết quý 1/2009 (21/04/2009)

>   Doanh nghiệp niêm yết “đón đầu” cơ hội phục hồi (25/04/2009)

>   Nỗi lo quỹ “phúc lợi” (25/04/2009)

>   HVT: Ngày niêm yết và giao dịch chính thức (25/04/2009)

>   BLF: Trung tâm GDCK Hà nội đưa vào diện bị cảnh báo (25/04/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật