Vỡ nợ 30 tỉ đồng giao dịch OTC
Giao dịch ảo và thua lỗ thật
Vừa bước vào cửa công ty chứng khoán Đông Dương (DDS) ở TP.HCM đã nghe những tiếng rao hét giá, những va chạm giành giật ồn ào. Giới buôn cổ phiếu OTC trên sàn này vẫn giao dịch bình thường như chưa hề nghe đến vụ vỡ nợ 30 tỉ đồng vừa xảy ra của một môi giới OTC.
Sáng tạo tiền “phiêu”
Hàng chục người môi giới tay cầm tờ giấy tay hay cuốn sổ đi lại quanh sàn, miệng hét to rao giá, khi có hàng thì ngồi lại chốt giá rồi lại đi tìm mối hàng tiếp. Chợ OTC ở DDS có khoảng 50 người đã quen mặt biết tên nhau, nhưng vẫn liên tục cãi vã giành giựt mối hàng…
Những cuộc giao dịch trên sàn OTC này tấp nập kéo dài cho đến nửa đêm ở TP.HCM, và thậm chí thâu đêm cho đến 4 – 5h sáng ở vài sàn tại Hà Nội. Hàng hoá giao dịch chủ yếu ở chợ là cổ phiếu ngân hàng Quân đội (MB).
Lúc đầu giới này chỉ mua bán trên số lượng cổ phiếu và những nhu cầu mua bán có thật. Nhưng sau đó, có những lệnh mua bán kỳ hạn thoả thuận với nhau lên đến hàng triệu cổ phiếu, trị giá hàng tỉ đồng. Thoả thuận này được họ ghi vào cuốn sổ hoặc nhắn tin làm bằng chứng. Đến cuối ngày sẽ tất toán giao dịch.
Những giao dịch trên cổ phiếu thật, tức bên mua trao ngay tiền, bên bán trao cổ phiếu sẽ làm thủ tục tại quầy ngân hàng. Còn các người môi giới mua – bán ảo sẽ thực hiện thanh toán các lệnh đối trừ trong ngày hoặc thời điểm thoả thuận. Thí dụ, một môi giới mua giá 20.000 đồng/cp trong một tuần tới. Nhưng đến thời điểm tất toán, giá cổ phiếu còn 18.500 đồng, người mua sẽ trả cho người bán khoản chênh lệch 1.500 đồng/cp. Nhiều nhà đầu tư đã gọi tiền này là tiền “phiêu” và cổ phiếu ảo, bởi dù khối lượng mua lên đến hàng triệu cổ phiếu trị giá hàng tỉ đồng, nhưng thực ra người mua người bán chỉ có vài chục triệu đồng đặt cọc.
Vỡ nợ 30 tỉ tiền thật
H.VP, một người buôn bán cổ phiếu OTC từ khoảng năm 2005 đến nay vừa vỡ nợ khoảng 30 tỉ đồng. Anh L., một nhà đầu tư cho biết, từ trước đến nay thỉnh thoảng vẫn có những vụ vỡ nợ OTC nhưng quy mô chỉ khoảng 1 – 2 tỉ đồng là nhiều, vụ vỡ nợ này là lớn nhất, kéo nhiều người mất tiền, cả ở TP.HCM và Hà Nội.
Những người môi giới OTC, thường là trong cùng một nhóm, dự đoán biến động thị trường mà “đánh lên” hay “đánh xuống”. Vào những tháng đầu năm, không ít người dự báo thị trường tiếp tục đi xuống nên đã đánh xuống, và lỗ nặng. Thêm vào đó, khối lượng giao dịch dù là ảo, nhưng rất lớn, từ hàng trăm ngàn đến cả chục triệu cổ phiếu, nên khoản chênh lệch lãi hay lỗ cũng lên đến hàng tỉ đồng.
H.VP, ngoài việc vỡ nợ vì chơi kỳ hạn, theo nguồn tin của phóng viên SGTT, bà còn liên quan đến việc mượn cổ phiếu thật của vài nhà đầu tư nhưng đến thời điểm vỡ nợ vẫn chưa hoàn trả. Nguồn tin này cũng cho biết, quy mô vụ vỡ nợ này khá lớn nên cơ quan chức năng đang điều tra.
Bao giờ minh bạch?
Hầu như những lệnh mua lệnh bán OTC chỉ nằm trong một nhóm người buôn cổ phiếu OTC với nhau, với hình thức mua – bán kỳ hạn (Future). Đây là sản phẩm giao dịch phái sinh mà đến nay uỷ ban chứng khoán chưa cho phép giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Ông Phan Đức Lợi, phó giám đốc môi giới sàn DDS, nơi mở cửa cho chợ tự do OTC mà bà H.VP có ngồi giao dịch ở đó, cho biết là ông không biết vụ này và DDS không liên quan gì tới.
Sàn OTC ở DDS chỉ là một trong những chợ OTC tự phát và ẩn chứa nhiều rủi ro khi người tham gia không kiểm chứng được thông tin, cuộc chơi chỉ dựa trên niềm tin là chính. Người mua và người bán nếu phát sinh mâu thuẫn không có giấy tờ minh chứng rõ ràng… Trong khi đó, một sàn giao dịch chính thức cho cổ phiếu OTC sau gần hai năm chuẩn bị đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động.
sài gòn tiếp thị
|