Thứ Ba, 21/04/2009 10:57

Đơn giản hóa hay hình sự hóa tội danh chứng khoán?

Thực tế cho thấy, khi công cụ tài chính phát triển thì hành vi gian lận dựa vào công cụ tài chính cũng ngày càng phổ biến. Tại Mỹ, nơi TTCK có lịch sử hàng trăm năm đã nổi lên vụ Bernard Madoff và Allen Stanford, cho thấy gian lận trên TTCK là vấn đề đáng quan tâm. Tại Việt Nam, hiện Quốc hội đang xem xét bổ sung một số tội danh trong lĩnh vực chứng khoán vào Bộ luật Hình sự. Điều đó có nghĩa là các tội danh chứng khoán ở Việt Nam dường như chưa được nhận diện và vấn đề đặt ra là nên hình sự hóa hay đơn giản hóa?

Nhận diện tội danh chứng khoán: thách thức lớn

Trên thực tế, không hề dễ dàng nhận diện được hành vi lừa đảo trên TTCK hay thị trường tài chính nói chung. Các nhà tài phiệt ở lĩnh vực này sử dụng công cụ tài chính để thực hiện ý đồ của mình nhằm chiếm đoạt tài sản từ cộng đồng NĐT. Tại Mỹ, gần đây người ta phát hiện ra các hành vi lừa đảo tài chính đã tồn tại hàng chục năm qua, điển hình là vụ Bernard Madoff.

Theo một chuyên gia cao cấp của CTCP Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF), trên thị trường tài chính, có rất nhiều mô hình lừa đảo tài chính và các biến thể của nó, phổ biến nhất là mô hình pyramid scheme/ponzy scheme hay còn gọi là mô hình xây tháp ngược tài chính.

Xây tháp ngược tài chính là mô hình khá cổ điển. Theo mô hình này, kẻ lừa đảo dựng lên hình ảnh tốt đẹp về mình như: có tiềm lực tài chính, có năng lực quản lý... và đưa ra một chương trình với lợi ích mang lại rất hấp dẫn (lãi suất, lợi nhuận rất cao...), qua đó huy động tiền của giới đầu tư. Để vận hành chương trình, kẻ chủ mưu lấy tiền của NĐT sau trả lãi cho NĐT trước. Cứ như thế mà tạo ra sự tăng tốc về số người tham gia vào cuộc chơi. Lượng người bị cuốn vào cuộc chơi tăng rất nhanh và số tiền cũng tăng lên như núi (tháp ngược). Khi số tiền rất lớn, kẻ chủ mưu tìm cách bỏ cuộc chơi và rút tiền (bỏ trốn, tuyên bố phá sản…). Và hậu quả là cộng đồng NĐT đến sau sẽ lĩnh đủ.

Ngoài hình thức lừa đảo theo mô hình cổ điển, biến thể của mô hình lừa đảo này là rất đa dạng trên nhiều thị trường: chứng khoán, tiền tệ, hàng hoá... Hình thức điển hình của các biến thể này trên TTCK như: đưa thông tin sai lệch (che dấu thông tin, lập báo cáo khống về lợi nhuận), kích giá chứng khoán (thao túng giá) và trục lợi từ quá trình này (phát hành thêm chứng khoán...). Hình thức biến thể so với mô hình cổ điển thì lại càng khó nhận diện.

Gian lận chứng khoán ở Việt Nam ?

Từ khi thành lập đến nay, trên TTCK Việt Nam dường như chưa hề có một vụ lừa đảo nào được phát hiện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng "cổ phiếu lậu". Một số quan sát gần đây chỉ ra rằng, "cổ phiếu lậu" chính là hình thức trục lợi qua phát hành chứng khoán; hậu quả của vấn đề "cổ phiếu lậu" là NĐT nhỏ lẻ bị phân phối lại tài sản. Nguyên nhân phát sinh là do NĐT nhỏ lẻ không được bình đẳng trước nhóm cổ động lớn (nhóm có quyền biểu quyết cao trong công ty). Nhóm quyền lực này đã lạm quyền để phát hành "cổ phiếu lậu" nhằm trục lợi. Và đó cũng là một dạng của lừa đảo tài chính.

Trên phương diện tiền tệ, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, trục lợi từ phát hành chứng khoán không làm giàu công ty, thặng dư vốn tăng lên nhiều chỉ đem lại lợi ích lớn cho nhóm quyền lực trong công ty. Khi trục lợi phát hành chứng khoán, tài sản công ty không tăng theo ý muốn do bị chảy vào túi nhóm cổ đông lạm quyền, trong khi nhóm cổ đông nhỏ bị nghèo đi (do chứng khoán bị pha loãng) và như vậy, người ta cũng nói, "trục lợi phát hành chứng khoán" là quá trình phân phối lại tài sản một cách không công bằng hay chỉ là hình thức chiếm đoạt tài sản của nhóm cổ đông quyền lực đối với nhóm cổ đông nhỏ lẻ.

Điều đáng chú ý là, quá trình "chiếm hữu tài sản" ở Việt Nam diễn ra rất êm ả. Lý do của sự êm ả này là vì hình thức chiếm hữu tài sản thông qua công cụ tài chính (ở đây là cổ phiếu) và TTCK Việt Nam còn mới sơ khai, đặc biệt trình độ của cổ đông nhỏ lẻ hạn chế, khó ai có thể nhận biết được quá trình tước đoạt này. Thậm chí, cơ quan quản lý nhà nước cũng không nhận ra vấn đề.

Hành chính hóa, đơn giản hóa tội danh chứng khoán?

Thực tế cho thấy, dường như tất cả tội danh trên TTCK Việt Nam đều chỉ là "lỗi nhỏ", lỗi hành chính đơn giản. Theo báo chí phản ánh, từ trước tới nay, dường như có khá nhiều dấu hiệu gian lận liên quan đến chứng khoán đang diễn ra trên TTCK Việt Nam và điều đáng quan tâm là những lỗi đó chỉ bị xử phạt hành chính:

- Năm 2007, Thanh tra UBCK xử phạt hành chính trên 70 công ty đại chúng vì "chào bán chứng khoán ra công chúng và phân phối chứng khoán không đúng với quy định tại Điều 21, Luật Chứng khoán".

- Năm 2008, Thanh tra UBCK xử phạt hành chính 124 trường hợp vi phạm hành chính trên TTCK. Trên website của UBCK, số công ty bị phạt về hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng để tăng vốn điều lệ và phân phối chứng khoán không đúng quy định của pháp luật cho thấy, mức sử phạt hành chính là rất thấp, chỉ vài chục triệu đồng.

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa một số tội danh vào Bộ luật Hình sự là hình sự hoá lĩnh vực chứng khoán. Tuy nhiên, nhìn vào quá khứ có thể thấy, một số hành vi gian lận đã bị hành chính hoá hay đơn giản hoá.

Mong phạm lỗi để được giàu có (!)

Quan sát cho thấy, cùng với sự bùng nổ của TTCK, ở Việt Nam đã xuất hiện những "người giàu nhất trên sàn chứng khoán". Có người trong "top 100 người giàu nhất" từng tuyên bố về sự giàu lên của mình nhờ TTCK. Điều này gợi lên vấn đề rằng, quá trình làm giàu trên TTCK Việt Nam cần được minh bạch hoá.

Tuy nhiên, quá trình giàu lên ở một số người qua phát hành chứng khoán lậu đã và đang là quan ngại cho xã hội. Dư luận từng đề cập đến nghịch lý "lỗi phát hành" (thực chất là trục lợi phát hành), ai cũng mong phạm lỗi để trở nên giàu có. Trên thực tế, lỗi "chào bán chứng khoán ra công chúng và phân phối chứng khoán không đúng với quy định tại Điều 21, Luật Chứng khoán" bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền quá nhỏ (vài chục triệu đồng). So với lợi ích thu được hàng ngàn tỷ đồng đã vô tình khuyến khích công ty đại chúng (nhóm quyền lực) phát hành khá nhiều cổ phiếu chui để thu lợi lớn.

Trên phương diện xã hội, NĐT đang quan ngại về quá trình phân hoá giàu nghèo giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ lẻ, mà nguyên nhân là do thị trường vẫn còn hiện tượng gian lận cho dù chưa được nhận diện rõ ràng và hình thức xử lý vẫn là "xử phạt hành chính" với mức phạt rất nhỏ so với lợi nhuận của sự gian lận đó mang lại.

Thạc sỹ Lê Văn Hinh

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Lãi “hờ” vẫn chia cổ tức? (21/04/2009)

>   Tỷ lệ 51%: Nguy hiểm cho cổ đông nhỏ (21/04/2009)

>   DAC: Nghị quyết Hội đồng quản trị (21/04/2009)

>   CDC: Thay đổi tên Công ty (21/04/2009)

>   ICG: Ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu ICG (21/04/2009)

>   VKP: GD cổ phiếu của người có liên quan đến cổ đông nội bộ (20/04/2009)

>   VIC: Lùi ngày tổ chức Đại hội cổ đông (20/04/2009)

>   ST8: Xin gia hạn nộp BCTC kiểm toán, chuyển địa chỉ GD (20/04/2009)

>   SSI: Niêm yết và giao dịch bổ sung cổ phiếu (20/04/2009)

>   SJ1: Nghị quyết ĐHCĐ năm 2008 (20/04/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật