Thứ Bảy, 18/04/2009 22:45

CTCK “há miệng mắc quai” vì khách VIP

Là nhà đầu tư “VIP” tại CTCK APEC (APECS) nên ông Nguyễn Quang Thái được tin tưởng và ưu đãi trong giao dịch. Chính nhờ sự tin tưởng này nên dù Công ty đã ban hành quy trình chặt chẽ, nhưng khi thực hiện giao dịch cho vị khách VIP này lại lỏng lẻo, lơi là. Cái giá phải trả là hiện APECS phải theo đuổi vụ khiếu kiện liên quan đến nhiều tài khoản và số tiền phải truy thu tới 50 tỷ đồng.

Ngày 6/12/2008, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, chủ tài khoản số 030C003354 có giấy đề nghị tất toán tài khoản tại APECS với số dư 27.799 cổ phiếu VIC, 355.510 cổ phiếu VPL và yêu cầu chuyển toàn bộ số chứng khoán trên về tài khoản mở tại CTCK Vincom. APECS đã từ chối đề nghị trên với lý do ông Nguyễn Quang Thái, một khách hàng của APECS là người thực hiện các giao dịch: mua, bán, nộp, rút tiền giao dịch chứng khoán của các tài khoản Nguyễn Thu Hương (3663), Nguyễn Quang Minh (3535), Nguyễn Liên Hương (3232), Nguyễn Thị Thu Thuỷ (3354), Nguyễn Tuấn Anh (1142). Căn cứ hợp đồng ký quỹ hỗ trợ thanh toán giữa APECS và ông Thái, biên bản đối chiếu nợ vay hỗ trợ giao dịch giữa APECS và ông Thái, số tiền phải trả tới 40,21 tỷ đồng; hợp đồng cầm cố chứng khoán giữa APECS và ông Minh (ông Thái được uỷ quyền), số tiền còn phải trả là 8,43 tỷ đồng; hợp đồng cầm cố giữa APECS và bà Nguyễn Thu Hương (ông Thái được uỷ quyền), số tiền còn phải trả là 1,56 tỷ đồng. Tổng số tiền mà ông Thái và các chủ tài khoản liên quan còn nợ APECS đến ngày 3/12/2008 là 50 tỷ đồng. Để giải quyết đóng tài khoản số 3354 của bà Thuỷ, APECS yêu cầu ông Thái và các chủ tài khoản liên quan trả nợ số tiền nói trên và tạm thời chưa giải quyết việc đóng tài khoản cho đến khi thu hồi hết nợ hoặc bên nợ có tài sản bổ sung đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ đầy đủ.

Bản sao kê tài khoản giao dịch của khách hàng Thuỷ cho thấy, giao dịch được thực hiện từ ngày 2/1/2008, trong đó có nhiều lần chuyển tiền từ tài khoản này cho các tài khoản trong nhóm được ông Thái quản lý. Vấn đề nảy sinh ở chỗ, ông Thái giao dịch trên tài khoản của bà Thuỷ, nhưng hiện APECS chưa tìm được hợp đồng uỷ quyền giữa ông Thái và bà Thuỷ. Trong biên bản làm việc với APECS, bà Thuỷ tuyên bố bà không uỷ quyền cho Nguyễn Quang Thái thực hiện giao dịch trên tài khoản, nên không đồng ý và không chịu trách nhiệm về các khoản nợ của ông Thái với APECS, cũng như các giao dịch mà ông Thái tự ý thực hiện trên tài khoản của bà.

Liên quan đến số nợ rất lớn của ông Thái với APECS, theo hợp đồng ký quỹ hỗ trợ giao dịch chứng khoán giữa APECS và ông Thái, điều kiện được ghi rất chặt chẽ. Cụ thể, khách hàng phải có chứng khoán đang lưu ký trên tài khoản chứng khoán mở tại APECS để làm tài sản đảm bảo. Chứng khoán làm tài sản đảm bảo được mua bằng tiền của khách hàng và được làm tài sản đảm bảo cho một lần hỗ trợ ký quỹ. Nếu khách hàng muốn sử dụng số chứng khoán này làm tài sản đảm bảo cho lần hỗ trợ tiếp theo thì phải hoàn trả số tiền hỗ trợ ký quỹ của lần trước. Giá trị hỗ trợ ký quỹ được giải ngân không quá 30% giá trị chứng khoán đang lưu ký trong tài khoản của khách mở tại APECS, được tính bằng giá tham chiếu của ngày đăng ký hỗ trợ. Khách hàng cam kết hoàn trả khoản hỗ trợ ký quỹ không quá 10 ngày làm việc sau khi CTCK giải ngân khoản tiền trên và CTCK có quyền bán chứng khoán trên tài khoản của NĐT để thu hồi tiền hỗ trợ ký quỹ và chi phí khác liên quan.

Rõ ràng, quy định trong hợp đồng là rất chặt chẽ, song khi nhân viên APECS thực hiện lại không tuân thủ đúng như vậy. Mỗi lần giao dịch mua, bán cổ phiếu, trị giá đều hàng chục tỷ đồng, ông Thái trở thành khách VIP của CTCK, được hưởng một số ưu đãi đặc biệt. Dù trong tài khoản không có tiền, ông Thái vẫn dễ dàng đặt lệnh mua cổ phiếu với số lượng lớn, thậm chí dù đang nợ nhưng ông Thái vẫn tiếp tục được đặt lệnh mua tiếp. Riêng ngày 3/12/2008, dù đã nợ 24,9 tỷ đồng, ông Thái còn được APECS cho vay hỗ trợ giao dịch, giải ngân vào 3 tài khoản (1142; 3232 và 3663) tới 15,2 tỷ đồng.

Khi giao dịch tại một CTCK nào đó, quan trọng nhất với nhà đầu tư là CTCK phải có khả năng chuyển lệnh nhanh và đòn bẩy tài chính lớn.

Trong công văn gửi các cơ quan báo chí liên quan đến sự việc này, APECS khẳng định, tài khoản của khách hàng Thuỷ có liên quan đến nhóm tài khoản do ông Nguyễn Quang Thái quản lý. Nhóm tài khoản này (và ông Thái) đang có dấu hiệu của hành vi bội tín, chiếm đoạt tài sản, lừa đảo đối với APECS và một số CTCK khác. Hiện APECS đã gửi đơn lên Cơ quan Công an điều tra TP. Hà Nội, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ. Công ty đã phong tỏa tài khoản này cũng như các tài khoản có liên quan theo yêu cầu của cơ quan công an cũng như UBCK. Về phần mình, bà Thủy cũng có đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng về việc bị APECS phong tỏa tài khoản và không cho chuyển tài khoản sang CTCK khác.

Sự việc tại APECS cho thấy có nhiều lỏng lẻo, vi phạm trong quy trình thực hiện giao dịch cho khách VIP và chính điều này bị lợi dụng dẫn tới hành vi có dấu hiệu lừa đảo như trên. Trên thực tế, không phải khi TTCK "nóng" mà ngay cả khi thị trường ảm đạm, khách VIP luôn là mục tiêu nhắm đến của nhiều CTCK bởi số tiền môi giới và tiền lãi trong việc sử dụng các công cụ đòn bẩy tài chính họ mang lại cho CTCK gấp hàng trăm, hàng nghìn lần so với khoản thu từ NĐT nhỏ lẻ. Việc chào mời, lôi kéo khách VIP về giao dịch là cuộc ganh đua, cạnh tranh quyết liệt giữa các CTCK. Đổi lại, khách VIP được nhiều ưu đãi, có thể là nộp tiền thanh toán mua chứng khoán vào ngày T+2 thay vì phải có sẵn trong tài khoản, được cầm cố hỗ trợ thanh toán với tỷ lệ cao, 50 - 70%, thậm chí cả 100% thị giá, được vay chứng khoán (để thực hiện bán khống - PV)… Một NĐT VIP cho hay, khi giao dịch tại một CTCK nào đó, quan trọng nhất với họ là CTCK phải có khả năng chuyển lệnh nhanh và đòn bẩy tài chính lớn. Nếu không có quy trình chặt chẽ hoặc có quy trình chặt chẽ, nhưng không giám sát chặt chẽ việc thực thi, rất có thể vì ưu đãi khách ruột, CTCK sẽ ăn quả đắng như trên.

Vụ việc tại APECS đang chờ cơ quan chức năng điều tra và xử lý, song đây cũng là bài học cho các CTCK. Được biết, ngay sau sự vụ trên, UBCK đã có cuộc họp với các CTCK có liên quan đến hành vi của ông Thái và có công văn nhắc nhở toàn bộ CTCK rà soát lại và khắc phục ngay những thiếu sót trong thực hiện nghiệp vụ môi giới, giao dịch cho khách hàng. APECS cũng đã bị cảnh cáo và nhân viên môi giới có liên quan đã bị rút chứng chỉ hành nghề vĩnh viễn. CTCK quản lý thiếu chặt chẽ phải trả giá đắt, song những hệ luỵ trong việc ưu đãi quá mức một bộ phận khách hàng có thể không nhỏ. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc UBCK cần thực hiện một đợt kiểm tra về giao dịch của các tài khoản VIP tại tất cả CTCK để "tuýt còi" và xử lý nghiêm những hành vi sai phạm.

Phong Lan 

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   SFC: Tăng vốn để tiếp tục ở lại HoSE (18/04/2009)

>   ACB: Kế hoạch 2,700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế  (18/04/2009)

>   SC5: Tự tin với hợp đồng 1,900 tỷ đồng (18/04/2009)

>   DCC thông qua phương án mua 900,000 cổ phiếu quỹ (18/04/2009)

>   PAN: Cổ đông đồng lòng dù lợi nhuận giảm mạnh (18/04/2009)

>   PNJ: Doanh thu quý 1/2009 đạt 109% kế hoạch cả năm (18/04/2009)

>   Sàn UpCOM sẽ xóa chợ OTC (18/04/2009)

>   Lợi nhuận không phải là tất cả (18/04/2009)

>   Trúng thưởng và nhận quà tặng từ Vietstock (18/04/2009)

>   KMF: Báo cáo tài chính chi tiết kiểm toán năm 2008 (17/04/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật