Chuyển sàn, cổ phiếu có hấp dẫn hơn?
Đến nay, câu chuyện chuyển sàn của các DN dường như đã rõ ràng hơn khi việc ai đi, ai ở đã được quyết định. Đã có một số DN công bố thông tin trên hai sở về việc chuyển sàn khi những nỗ lực về việc tăng vốn gần như không thể hoặc chuyển sàn với lý do "làm mới" hay "lên đời" CP.
Xuôi
Theo thông tin đã được công bố, đến nay đã có 21 DN có kế hoạch chuyển sàn từ HoSE xuống HaSTC do không đáp ứng được yêu cầu về vốn niêm yết tại HoSE. Nhưng theo công bố chính thức trên website của trung tâm, đến nay, mới chỉ có CTCP cảng Đoạn Xá (niêm yết 5.250.000 CP tại HoSE với mã CK: DXP) nộp hồ sơ xin chuyển niêm yết sang HaSTC. Theo quy định của UBCK, 8.5 là hạn cuối cùng các Cty không phải hoàn thành việc tăng vốn để "trụ" lại sàn hoặc phải hoàn thành việc chuyển sàn.
Đối với vấn đề thủ tục chuyển niêm yết sang HaSTC, ông Nguyễn Vũ Quang Trung- PGĐ HaSTC cho biết, các Cty khi chuyển niêm yết sang HaSTC sẽ vẫn giữ nguyên mã giao dịch như tại HoSE. HaSTC sẽ phối hợp với trung tâm lưu ký tiến hành các thủ tục chuyển niêm yết để thời gian ngừng giao dịch của các mã này là ngắn nhất, đảm bảo quyền lợi của các NĐT. Thời gian sẽ được rút ngắn từ 21 xuống 5 ngày để tạo điều kiện cho DN.
Ông Trung cũng cho biết, trong hồ sơ chuyển sàn, các DN có thể sử dụng các giấy tờ trong hồ sơ cũ. Mặc dù 21 DN khi chuyển hết sang sàn HN sẽ không làm tăng quy mô của sàn này lên nhiều nhưng theo ông, đây đều là những DN làm ăn có lãi, nhưng vì quy mô nhỏ nên phải chuyển niêm yết. Trong trường hợp thuộc diện phải chuyển niêm yết, nếu đa số cổ đông của DN không đồng ý với phương án chuyển sàn, DN này sẽ bị buộc phải hủy niêm yết tại HoSE.
Đối với các DN có VĐL dưới 10 tỉ đồng trên HaSTC, theo ông Trung, các DN này sẽ vẫn được giao dịch tại HaSTC cho tới khi thị trường các DN chưa niêm yết (UpCom) hoạt động. Trước đó, ông Trần Văn Dũng - GĐ HaSTC thông tin, thị trường UpCom có thể sẽ chính thức hoạt động trong tháng 6 tới khi Quyết định 238/2005/QĐ-TTg về tỉ lệ tham gia của bên nước ngoài vào TTCK được hoàn tất và có hiệu lực thi hành.
Ngược
Mặc dù thông tin ở phía UBCKNN cũng đã có xác nhận việc chuyển sàn của các Cty niêm yết tại HaSTC nếu có đáp ứng điều kiện cũng không bắt buộc phải chuyển niêm yết sang HoSE. Nhưng theo công bố chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng một vài ngày gần đây, đã có hai Cty xin chuyển niêm yết ngược từ HaSTC sang HoSE. Đó là trường hợp CTCP dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico - mã CK: SVC) và CTCP cáp Sài Gòn (mã CK: CSG).
Savico đã chính thức đăng ký niêm yết và giao dịch tổng số 20.361.040 CP tại HaSTC vào cuối năm 2006. CSG cũng xin chuyển niêm yết sang HoSE. Với VĐL hơn 297,42 tỉ đồng, CSG chính thức niêm yết và giao dịch 29.742.020 CP trên HaSTC từ ngày 6.5.2008.
Theo ông Hoàng Thạch Lân- GĐ Khối phân tích và đầu tư CK - CTCK SMES, các Cty không nhất thiết phải chuyển niêm yết vào HoSE. Tuy nhiên, ông Lân cũng thừa nhận khi DN chuyển niêm yết sang HoSE, đó là tăng thêm uy tín bởi tính chất của sàn niêm yết. HoSE đã luôn được coi là nơi tập trung nhiều Cty niêm yết có chất lượng và quy mô lớn. Sàn HoSE cũng được các tổ chức, nhất là các quỹ đầu tư nước ngoài "để ý" hơn. Do đó, khả năng tìm được các đối tác chiến lược nước ngoài là lớn hơn. Đây là điều có lợi cho các DN.
Còn đối với cổ đông, khi DN chuyển sàn niêm yết tức là DN sẽ phải tái định giá CP. Đây chính là cơ hội cho các NĐT, nhất là những tay lướt sóng. Không ngoại trừ, thị trường sẽ có những thông tin đồn thổi, làm giá trục lợi.
Lưu Thủy
Lao Động
|