Nâng cao chế tài xử phạt vi phạm trên TTCK: Nặng có "đe" được?
UBCKNN vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến các thành viên thị trường về dự thảo thay thế Nghị định 36/2007 hiện tại về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CK và TTCK. Những số tiền phạt "trăm triệu" đã được nhắc đến, thay vì mức cao nhất vài chục triệu trước đó mà giới đầu tư lâu nay vẫn gọi là mức phạt hình thức.
Những ví dụ thời sự
Ngày 17.3 vừa qua, UBCKNN đã thực hiện phạt hành chính đối với 4 cổ đông nội bộ và người có liên quan đến CTCP XNK lâm thuỷ sản Bến Tre (mã CK: FBT) do hành động trục lợi nhờ biết trước thông tin nội bộ.
Khi UBCKNN công bố thông tin cụ thể thì thị trường mới rõ về sự việc liên quan đến diễn biến tăng giá trên 100% của CP FBT từ thời điểm giữa tháng 8 đến tháng 9.2008. Tuy nhiên, trên một số diễn đàn CK thời điểm đó, đã có không ít những thông điệp bàn tán "úp mở" về một tin "cực sốc" với CP này.
Ngày 22.9.2008 thì HoSE mới công bố thông tin về khoản thặng dư trên 233 tỉ mà FBT được hoàn trả, cao gấp nhiều lần lợi nhuận cả năm của Cty này. Nhưng lúc đó, FBT đã có một chu kỳ tăng từ giữa tháng 8.2008 tới gần 59%, từ giá quanh mức 11.000đ/CP lên trên 17.000đ/CP.
Sau khi thông tin trên được công khai, FBT còn có một con sóng nữa tăng thêm lên mức cao nhất 24.000đ/CP. FBT đã có diễn biến giá đi ngược lại thị trường chung vào thời điểm đó khi VN-Index giảm từ 561 điểm xuống 460 điểm.
Theo thông tin từ UBCKNN, 4 cá nhân có hành vi trục lợi nhờ thông tin gây sốc của FBT khá đa dạng nhưng đều là những người có "điều kiện" tiếp xúc sớm với thông tin. Quyết định phạt của UBCKNN cũng gây bất ngờ cho thị trường khi mức phạt đồng loạt chỉ là 30 triệu đồng. Đây là khung phạt thấp nhất đối với cá nhân vi phạm quy định về giao dịch nội bộ mà cụ thể là sử dụng thông tin nội bộ để mua/bán CK cho mình hoặc cho bên thứ 3. Mức phạt cao nhất với vi phạm này cũng chỉ là 50 triệu đồng.
Mặc dù cả 4 đối tượng trên không phải tất cả đều thuộc diện phải công bố thông tin về giao dịch nhưng quyết định phạt của UBCKNN không thấy áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu các khoản thu trái pháp luật. Điều đó cho thấy các cá nhân này vẫn chưa thực hiện bán ra thu lợi nhuận.
Tăng tính răn đe
Dự thảo Nghị định xử phạt mới được UBCKNN công bố công khai mới đây và nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Theo ông Nguyễn Đoan Hùng - Phó Chủ tịch UBCKNN, trọng tâm của sửa đổi là nâng cao tính răng đe, nhất là khi TTCK ngày càng phát triển với những công cụ tài chính ngày càng phức tạp. Các khung phạt nặng cũng được nhiều thành viên thị trường hoan nghênh nhưng cũng chủ yếu tập trung vào các chế tài liên quan đến định chế.
Ở góc độ hẹp hơn, một vấn đề được đông đảo NĐT quan tâm là sự minh bạch về thông tin để tránh nguy cơ một nhóm đối tượng có cơ hội trục lợi. Theo số liệu của UBCKNN, trong năm 2008, đã có tổng cộng 132 vi phạm hành chính bị xử lý. Tuy nhiên, đa số trong đó là các vi phạm của tổ chức về việc phát hành CK không đăng ký, phân phối CK sai quy định.
Cá nhân vi phạm chỉ có 10 trường hợp, trong đó cũng đa số là giao dịch không báo cáo, chỉ có 1 trường hợp trục lợi nhờ thông tin nội gián và 1 trường hợp khác có hành vi thao túng thị trường. Từ đầu năm 2009 đến nay, UBCKNN phạt khoảng 27 trường hợp thì có 6 trường hợp là cá nhân, trong đó 4 trường hợp "điểm" là giao dịch nội gián với FBT từ năm 2008. Điều đó không có nghĩa là các vi phạm của cá nhân ít hơn các tổ chức.
Theo ý kiến một chuyên gia trong ban pháp chế một tổ chức tài chính, thực ra các vụ vi phạm của tổ chức vừa qua chủ yếu là phát hành CK sai hay không đăng ký Cty đại chúng với UBCKNN. Khả năng trục lợi nhờ thông tin nội gián cần tập trung giám sát vì xảy ra khá phổ biến dù vụ việc phát hiện không nhiều.
Đơn cử trên một số diễn đàn CK, NĐT còn cá độ về thông tin sắp công bố trước cả tuần. Thậm chí ý kiến này còn "khuyên" báo chí cứ giật tít nhấn mạnh về mức phạt tối đa 500 triệu đồng cho những ai có ý định trục lợi trên TTCK sợ.
Theo ý kiến này, các tổ chức không kể trong hay ngoài nước, khi đã tham gia thị trường luôn mong muốn một môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch, họ rất sợ vi phạm pháp luật vì uy tín của tổ chức mới là điều quan trọng nhất. Những cá nhân là đối tượng được nhiều lợi trong bối cảnh thị trường thiếu minh bạch, nhất là quy trình công bố thông tin hiện còn nhiều kẽ hở.
Hoàng Nguyên
Lao Động
|