Nói chung là: Tránh voi...
Cơn vật vã của ngành thép chưa qua khi các doanh nghiệp còn tồn kho khoảng 3 triệu tấn, thị trường tiêu thụ co hẹp, thép ngoại "có dấu hiệu bán phá giá" được nhập khẩu ồ ạt... Tuy nhiên, hiện cả nước đã có hàng loạt dự án liên hợp thép trị giá hàng tỷ USD, công suất dự tính 40 - 50 triệu tấn mỗi năm...
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, từ năm 2006, 2007, nhiều dự án liên hợp thép lớn đã "bùng nổ" đăng ký đầu tư. Hiện tại, có 3 dự án lớn được cấp phép và đang thi công là Tycoom-E. United (Dung Quất, Quảng Ngãi) có công suất 5 triệu tấn/năm, Formosa-Sunco (Vũng Áng, Hà Tĩnh) có công suất 15 triệu tấn/năm, Thép Cà Ná (Ninh Thuận) có công suất 14,5 triệu tấn/năm. Hai dự án liên hợp thép đang "xếp hàng" là liên doanh giữa Tata (Ấn Độ) với Tổng Công ty Thép Việt Nam và Tổng Công ty Xi măng (dự kiến tại Vũng Áng) có công suất 5 triệu tấn/năm và dự án của tập đoàn Posco (Hàn Quốc) với Vinashin (đang đi tìm chỗ mới khi bị Thủ tướng từ chối đặt ở Khánh Hòa) giai đoạn 1 có công suất 4 triệu tấn/năm. Trong khi đó, theo qui hoạch Việt Nam chỉ cần 1,2 nhà máy liên hợp. Tính ra, năm 2020, cả nước mới chỉ cần khoảng 20 triệu tấn.
Khi những dự án trên hoàn thành, đi vào hoạt động, cả nước có đến 40-50 triệu tấn/năm, vượt xa khả năng tiêu thụ của thị trường trong nước. Cũng theo ông Cường, doanh nghiệp không dễ gì sản xuất để xuất khẩu khi các cường quốc thép như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc... đã "quen tay quen chân" ở các thị trường cả lớn cũng như nhỏ.
Nói chung là như vậy...
Doanh nghiệp trong nước có thể làm gì khi công nghệ lạc hậu, làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, khả năng tài chính hạn chế cũng như còn nặng tập tính làm ăn chộp giật? Tại một hội thảo tháo gỡ khó khăn cho ngành thép, TS Đặng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, khuyến nghị doanh nghiệp nên "nắm bắt lấy một mắt xích (mà ta có thế mạnh) trong chuỗi giá trị ngành thép". Doanh nghiệp thép không thể và cũng không nên làm từ A đến Z.
Một điều hoàn toàn bình thường khi Ấn Độ đang cung cấp toàn bộ qui trình kế toán cho hàng trăm nghìn công ty tại Mỹ, Trung Quốc trở thành công xưởng phần cứng cho công nghiệp máy tính... Tư duy này cũng không chỉ có ích trong lĩnh vực thép. Nước ta đã gia nhập WTO hơn năm rồi. Ta đang ăn khoai mà có kẻ vác mai đi đào, kẻ ấy lại khỏe hơn, chuyên nghiệp hơn thì ta nên đào kiểu khác hoặc đào thứ khác.
"Tránh voi" đâu có đến nỗi nào.
Đồ Nghệ
hà nội mới
|