Thứ Tư, 12/11/2008 23:09

Lúa Campuchia tràn ngập biên giới Tây Nam

Lúa cũ chưa kịp bán, vụ lúa mới đã tới mùa thu hoạch, nông dân An Giang và ĐBSCL đang điêu đứng trước tình hình lúa nội… "đóng băng". Trong khi đó, lúa Campuchia ồ ạt nhập về theo đường biên giới Tây Nam với số lượng khoảng trên 1.000 tấn/ngày. Các thương lái tại đây cho hay, thị trường này còn sôi động kéo dài đến nhiều tháng nữa.

Lúa ngoại sôi động ở thị trường nội địa

Đi dọc theo Quốc lộ 91, đoạn từ cầu sắt Hữu Nghị đến cửa khẩu Biên giới Tịnh Biên thuộc thị trấn Tịnh Biên (An Giang), ai cũng bắt gặp quang cảnh nhộn nhịp vận chuyển và mua bán lúa từ Campuchia  về Việt Nam qua đường biên giới khu vực này.

Nằm ngay bên chân cầu sắt Hữu Nghị tại thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, hơn chục xe ba gác “siêu tải” đang tấp nập chở hàng. Từng đoàn xe nối đuôi nhau xếp thành hàng đợi tới phiên xuống lúa. Nơi này nhộn nhịp như một thương cảng. Trên bờ, đội ngũ bốc xếp gần cả trăm người vừa xếp dỡ những bao lúa to như “bồ tượng”, vừa la ó bằng tiếng Khmer. Anh Trương Bửu Việt, thương lái mua lúa tại Kinh Vĩnh Tế cho chúng tôi biết: “Hai bên mua bán đang thương lượng giá cả, để sang hàng qua xe hoặc xuống ghe”.

Từng chiếc ba gác chở trên 7 tấn lúa chạy nối đuôi nhau qua trạm cửa khẩu, lao về hướng Tịnh Biên, khói bụi xe mù mịt bao phủ cả một vùng. Những bao lúa của nước bạn nhập hàng ngày vào An Giang, chất thành những đống cao ngất trên khoảnh đất trống gần 5 ha bên kênh Vĩnh Tế.

Những chiếc ghe bầu tải trọng từ vài chục đến hàng trăm tấn neo đậu dọc hai bên bờ kinh Vĩnh Tế thành hàng dài gần cả cây số. Không còn chỗ trống, nhiều chủ ghe còn cho ghe chạy thẳng lên cánh đồng ngập lũ, đậu thành hàng dọc theo phía Trạm kiểm soát đổ về cầu sắt. Một chiếc ghe bầu no lúa vừa lui bến đã có ghe khác lắp vào thế chỗ.

Đây là bãi tập kết lúa Campuchia của Túc Dừa, bà Lê Thị Phượng và bà Nguyễn Thị Thúy đang thu mua lúa không nghỉ tay cho biết: “Lúa thơm giá rẻ, mua có lời nên ai cũng tranh thủ mua”. Trên bãi đất rộng chỉ chừng 40 m2, nhưng có đến 3 “đại gia” thu gom lúa Campuchia bán lại cho thương lái các tỉnh ĐBSCL.

Ngoài ra, các chủ vựa này còn có các “trạm” thu mua tạm nằm dọc bên vệ đường từ cầu sắt Hữu Nghị đến Trạm kiểm soát cửa khẩu biên giới Tịnh Biên. Đoạn đường dài chưa đầy 1 km này lại là khu vực tập kết, bốc dỡ hàng lớn nhất tại đây. Những chiếc xe tải cỡ lớn mang biển số TP.HCM, Tiền Giang, Đồng Tháp… xếp thành hàng dọc chờ được lên hàng.

Ông Tám Tiệm, chủ thu mua lúa ở đây cho hay: “Lúa Campuchia nhập khẩu vừa sôi động khoảng một tuần nay. Vựa của tôi có nhiều mối lái ở Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ đặt hàng mua lúa Campuchia, mỗi ngày đến vài trăm tấn. Hầu hết lượng lúa trên do các thương lái nước bạn Campuchia thu mua từ các tỉnh Tàkeo, Pusat, Kongpong Speui… rồi chuyển bằng xe tải lớn về đến khu vực cửa khẩu. Sau đó, chuyển sang xe ba gác để qua cửa khẩu vào An Giang”.

Tính tổng số 5 chủ vựa lớn tại đây cung cấp cho các thương lái các tỉnh ĐBSCL trên 1.000 tấn lúa ngoại mỗi ngày. Anh Trần Hoàng Việt, chủ ghe mua lúa ở Thốt Nốt (Cần Thơ) cho biết: “Lúa nhập khẩu từ Campuchia có 3 loại là Khaodak, Khaodakmali và lúa thơm Lài. Thị trường nội địa đang chuộng các loại gạo thơm này. Nhu cầu của thị trường còn rất lớn. Nhưng các giống lúa nội địa như IR 50404, 3217… không bán được nên buộc lòng phải lên tận đây mua lúa ngoại nhập về".

Theo anh Hào, một chủ vựa lúa gần đó cho biết, lúa Campuchia có giá từ 5.000 -5.300đồng/kg. Dù giá chênh lệch rất cao so với lúa nội địa, nhưng thương lái đi mua lúa đem về bán vẫn còn lời vì giá  các loại gạo ngon trên thị trường trong nước vẫn cao. Theo một số người dân sống ở cửa khẩu Tịnh Biên, sắp tới thị trường lúa ngoại sẽ còn sôi động hơn, nhất là dịp Tết.

Lúa ngoại ăn đứt… lúa nội

Hàng ngàn nông dân ĐBSCL đang khốn đốn vì lúa cũ chưa bán được thì vụ lúa mới lại đến. Nào tiền phân, tiền thuốc… bao nhiêu thứ chi phí, người nông dân chỉ trông chờ vào việc thu hoạch lúa bán lấy tiền chi trả. Cái kiểu vựa lúa “bất đắt dĩ” này làm nhiều nông dân không còn tha thiết với cái nghề nông nữa.

Ông Nguyễn Văn So ở huyện Chợ Mới chỉ cho chúng tôi đống lúa vụ ba vừa thu hoạch xong còn để trước sân nhà mà lắc đầu ngao ngán: “Mấy đời nhà tui làm lúa. Chưa lúc nào lại khổ như bây giờ. Lúa không bán được dù giá rẻ mạt giá chỉ còn 2.800-3.200 đồng/kg. Tiền phân bón, tiền thuốc sâu ... vẫn còn thiếu ở đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật. Hẹn người ta tới lúa sẽ trả tiền, nay có lúa… mà đành thất hứa”.

Điều nghịch lý trong chuyện nhập lúa từ Campuchia về vựa lúa lớn được giới kinh doanh giải thích rằng: “Thời gian gần đây, nông dân ĐBSCL chủ yếu trồng các giống lúa cao sản như IR 50404, 3217… để bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, hiện nhu cầu về loại gạo này trên thế giới không còn bao nhiêu nên lượng lúa trong nước tồn động và khó tiêu thụ. Ngược lại, thị trường nội địa lại ưa chuộng loại gạo lúa thơm, nhất là tại các thành phố lớn nên việc nhập khẩu lúa ngoại đáp ứng nhu cầu thị trường là điều tất yếu".

Chuyện lúa ngoại đổ bộ vào vựa lúa của cả nước có từ nhiều năm nay. Ban đầu do một số người dân khu vực biên giới Tây Nam sang Campuchia thuê đất canh tác thường đem lúa về nước tiêu thụ sau mỗi mùa thu hoạch. Về sau, diện tích trồng lúa ở nước bạn ngày càng được mở rộng và năng suất cũng tăng cao nhờ áp dụng kỹ thuật thâm canh. Không ngờ, An Giang lại là đầu ra lý tưởng cho nghề trồng lúa của quốc gia này. Nhưng điều đáng nói là các giống lúa nhập khẩu không phải thuộc nhóm “thần nông” mà chủ yếu là các giống lúa gạo thơm có nguồn gốc từ Thái Lan.

Bỏ quên thị trường nội địa

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: "Lâu nay doanh nghiệp mải lo khẩu gạo mà bỏ quên thị trường nội địa". Chuyện lúa gạo ngoại đổ vào vựa lúa của cả nước đã xảy ra từ nhiều năm nay, nhưng gần đây mới rộ lên.

Nguyên nhân ban đầu, một số người dân các tỉnh biên giới Tây Nam qua Campuchia thuê đất canh tác lúa thường xuyên, mỗi năm đem về hàng trăm ngàn tấn lúa sau mỗi kỳ thu hoạch. Sau đó diện tích trồng lúa ở Campuchia ngày càng mở rộng, năng suất cũng tăng cao nhờ áp dụng kỹ thuật thâm canh của các kỹ sư Việt Nam qua hướng dẫn. Nguyên nhân thứ hai là thị trường Việt Nam chính là nơi tiêu thụ lượng lúa Campuchia do nhu cầu ngày càng tăng mạnh.“Trong lúc này, việc lúa ngoại (Campuchia) tràn vào càng khiến ngành nông nghiệp địa phương có thêm nhiều khó khăn đầu ra”, ông Năng nhận định.

Theo giới kinh doanh lúa gạo, nông dân ĐBSCL chủ yếu trồng loại lúa kém chất lượng như IR50404, gần đây, nhu cầu trên thế giới về loại gạo này giảm nên khó tiêu thụ, nói cách khác là "không còn cầu” loại gạo này. Trong khi đó, nhu cầu về loại gạo thơm ngon, chất lượng cao trong nước rất cần, nhất là ở các thành phố lớn và các “nhà giàu” mà nguồn cung không đủ đáp ứng.

Giáo sư Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho rằng, việc nhập các loại lúa thơm từ Campuchia là có thật. Lâu nay, nhu cầu loại gạo cao cấp trong nước khá lớn, nhưng chưa có bao nhiêu người trồng lúa gạo chất lượng cao vì nông dân chạy theo năng suất, mà chưa nhận ra giá trị và phẩm chất của hạt gạo trong thị trường.

Ngay thời điểm này, khi việc tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL gần đây coi như là bế tắc thì lúa ngoại được tiêu thụ mạnh càng cho thấy rõ mức độ thiếu hụt nguồn cung loại gạo cấp cao ngày càng trầm trọng hơn.

Vĩnh Kim- Vĩnh Thuận

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Giá cước vận tải dễ tăng, khó giảm (12/11/2008)

>   Việt Nam, Ai Cập đẩy mạnh hợp tác về dầu khí (12/11/2008)

>   Doanh nghiệp đang bị “bó tay”! (12/11/2008)

>   Cước vận tải biển giảm chưa từng thấy (12/11/2008)

>   EVN: Độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp (12/11/2008)

>   Mua vé máy bay Tết sớm sẽ rẻ hơn (12/11/2008)

>   Thị trường nón bảo hiểm: Lo lắng trước “giờ G” (12/11/2008)

>   Truy trách nhiệm về điều hành xuất khẩu gạo (12/11/2008)

>   Toyota đẩy mạnh kích cầu cuối năm (12/11/2008)

>   Sẽ tăng giá bán than cho xi măng, giấy và phân bón (12/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật