Giá cước vận tải dễ tăng, khó giảm
Liên tục trong những ngày gần đây, giá xăng dầu bán lẻ trong nước giảm còn 14.000 đ/lít và về bằng mức 21/7 – thời điểm trước khi giá cước vận tải được tăng thêm 25 – 20%, nhiều hãng xe vẫn… chưa giảm giá
Trước thực tế này, đại diện nhiều doanh nghiệp taxi cho rằng,v iệc giảm giá xăng dầu nhỏ giọt như vừa qua là thiếu khoa học, không những gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn làm mất công bằng trong cạnh tranh. Bởi doanh nghiệp có thương hiệu thì sẽ chủ động tính toán giảm giá cước để giữ uy tín, còn những doanh nghiệp nhỏ, kinh doanh kiểu “ăn xổi ở thì” thì trây ỳ không chịu giảm giá. Đặc biệt là nạn xe cóc, xe dù: không phải đóng thuế, không kiểm định, bắt chẹt khách hàng... vẫn diễn ra phổ biến chưa được ngăn chặn hiệu quả cũng càng khiến nhiều doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính gặp khó khăn. Đã đến lúc có sự đổi mới trong công tác kiểm sóat giá của cơ quan chức năng để nâng cao tính trách nhiệm và cạnh tranh công bằng của các hãng vận tải, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng./.
Ngay sau khi giá bán lẻ xăng dầu tăng, nhiều doanh nghiệp vận tải đua nhau tăng giá với lý do là chi phí xăng, dầu chiếm tới 45 – 50% giá thành. Thế nhưng, liên tục trong những ngày gần đây, giá xăng dầu bán lẻ trong nước giảm còn 14.000 đ/lít và về bằng mức 21/7 – thời điểm trước khi giá cước vận tải được tăng thêm 25 – 20%, nhiều hãng xe vẫn… chưa giảm giá. Từ thực tế này cho thấy, không những trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp còn kém mà công tác quản lý, giám sát của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát giá cả cũng có nhiều bất cập.
Tính đến ngày 11/11, sau 4 ngày giá bán lẻ xăng dầu tiếp tục giảm mạnh, tại Hà Nội mới chỉ có một số hãng vận tải giảm giá cước. Hãng taxi Hương Lúa giảm 1.000đ/km; còn công ty cổ phần Mai Linh cho biết, vài ngày tới mới điều chỉnh giá cước với mức giảm dự kiến là 500 đồng/km: từ 11.000 đồng/km giảm còn 10.500 đồng/km.
Giám đốc bến xe phía Nam Hà Nội - cho biết đến chiều qua bến mới chỉ nhận được hai doanh nghiệp đăng ký giảm giá. Còn theo lãnh đạo bến xe Mỹ Đình, mới có khoảng 10% đơn vị thông báo… sẽ giảm giá cước. Tại nhiều bến xe khác còn lại, hầu hết đều chưa nhận được thông báo giảm giá cước của các hãng vận tải. Trong khi đó, hành khách và người dân rất bức xúc khi vẫn phải chịu giá vé cao. Anh Nguyễn Văn Long, một hành khách tại bến xe Gia Lâm nói: “Lúc xăng dầu tăng thì các hãng vận tải ngay lập tức tăng, nhưng khi giảm giá xăng dầu liên tục thì lại không thấy các hãng thông báo giảm gì cả. Chúng tôi rất bức xúc trước việc người tiêu dùng luôn là người chịu thiệt như thế này”.
Hành khách thì nói vậy còn một phụ lái của một chủ xe tuyến Gia Lâm – Thái Nguyên thì lại lý giải: “Hiện chưa thấy chủ xe nói gì việc giảm giá. Với lại hiện giá vé rất linh động, chúng tôi là xe tư nhân bắt cả khách dọc đường thông thường với giá là 30.000 đ, nhưng có khách hàng kêu giá xăng dầu đã giảm chỉ đưa 25.000 đ chúng tôi cũng nhận?!”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc xí nghiệp quản lý bến xe phía Bắc, xác nhận, tính đến trưa qua, lãnh đạo Bến vẫn chưa nhận được một hãng xe nào đăng ký giảm giá vé. Trong khi đó, đợt giá xăng dầu vừa qua, các hãng này đã đồng loạt tăng trung bình 15%. Không những không giảm giá, ngạc nhiên hơn, chiều qua lãnh đạo Xí nghiệp quản lý bến xe phía Bắc còn nhận được thông báo tăng giá cước của công ty cổ phần xe khách Hà Nội của Tổng công ty vận tải Hà Nội. Theo đó, tuyến Gia Lâm – Thái Nguyên mức giá mới là 35.000 đ, tăng 5.000 đ so với trước, Gia Lâm Bãi Cháy từ 60.000đ lên 66.000đ. Trước thực tế phi lý này, ông Nguyễn Như Trúc nói: “Bến sẽ làm việc với doanh nghiệp vận tải vì lúc này không phải là để doanh nghiệp tăng. Tuy nhiên quyền quyết định thuộc doanh nghiệp vận tải và ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước. Chúng tôi chỉ thuyết phục doanh nghiệp chứ không có quyền không cho doanh nghiệp tăng”.
Theo quy định, các doanh nghiệp vận tải trước khi điều chỉnh giá cước phải trình lên hai cơ quan là Giao thông Vận tải và Tài chính để xem xét và cho ý kiến. Sau khi gửi thông báo điều chỉnh giá cước lên hai Sở 3 ngày không có ý kiến phản hồi thì doanh nghiệp được phép điều chỉnh. Đây chính là kẽ hở để nhiều doanh nghiệp lợi dụng chần trừ giảm giá. Trước thực tế này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, khi đề xuất tăng giá thì doanh nghiệp trình hai Sở là đương nhiên để tính toán, kiểm tra việc tăng có hợp lý hay không, ngược lại khi giảm giá cước chỉ cần thông báo lên hai Sở biết để thuận lợi trong việc kiểm tra, kiểm sóat, không nhất thiết phải chờ 3 ngày sau khi không có ý kiến mới được giảm. Như vậy thời gian sẽ được rút ngắn, doanh nghiệp cũng sẽ không có lý do để ỷ lại việc chậm giảm giá.
Tuy nhiên đó mới chỉ là đối với các xe khách liên tỉnh và hãng vận tải. Còn đối với taxi, còn thêm một công đoạn nữa là kiểm định lại đồng hồ tính cước. Đây là công đoạn tốn nhiều thời gian nhất bởi số lượng xe taxi rất lớn, trong khi cả thành phố Hà Nội mới chỉ có một trung tâm kiểm định nên thời gian chờ được kiểm định cũng tốn khá nhiều thời gian của các hãng.
Thanh Trường
VOV
|