Chủ Nhật, 16/11/2008 22:09

Diễn đàn thế giới lần thứ nhất của doanh nhân Việt Nam: Cầu nối với quê hương  

Chung tay với các doanh nghiệp trong nước phát triển kinh tế, xây dựng quê hương là mong muốn của doanh nhân, trí thức, nhà khoa học Việt kiều tham gia Diễn đàn thế giới lần thứ nhất của doanh nhân Việt Nam (do Công ty Xúc tiến kinh doanh châu Á (ABP) phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước tổ chức). Cộng tác viên của SGGP 12 Giờ tại Paris đã có những nhìn nhận đôi nét về diễn đàn này khi nó vừa kết thúc sau ba ngày làm việc (từ 13 đến 15-11-2008).

Trăm tâm tư… cùng hướng về đất mẹ

Đã hơn 80 tuổi và đang sống tại Pháp, nhưng khi được biết có Diễn đàn thế giới lần thứ nhất của doanh nhân Việt Nam tổ chức tại Paris, ông Étien Delevaux rất hào hứng đến tham dự. “Tôi đến hội nghị để xem có thể làm gì cho đất mẹ”, ông Delevaux thổ lộ như vậy. Ông Delevaux chỉ là một trong hàng trăm Việt kiều và người nước ngoài, bao gồm các nhà khoa học, nhà kinh tế và nhiều doanh nhân thành đạt đến tham dự diễn đàn với mong muốn làm gì đó cho đất mẹ.

Với ông Phan Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Anh (VBUK), hành trang mang đến diễn đàn là những kinh nghiệm kinh doanh ở nước ngoài, qua đó mong được chia sẻ với các doanh nghiệp. Theo ông Phan Nam, các doanh nhân Việt kiều có nhiều kinh nghiệm về thị trường đây là lĩnh vực mà các doanh nhân ở trong nước còn thiếu.

Ông Trần Kiến Cường, đại diện Công ty Technocom (một công ty chuyên về thức ăn nhanh khá thành công ở Ukraine) đến diễn đàn với rất nhiều kỳ vọng. Công ty Technocom hiện đã đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản (Công ty Đầu tư bất động sản Vincom và Công ty Đầu tư và quản lý khách sạn Vinpearl) nên qua diễn đàn lần này, ông Kiến Cường muốn chia sẻ kinh nghiệm và tạo dựng các mối quan hệ làm ăn, hợp tác với các doanh nhân Việt kiều cũng như doanh nhân trong nước.

Với ông Hoàng Trọng Hiệp, chuyên gia kiểm toán thuộc Công ty Kiểm toán Mekong ở Paris, nỗi băn khoăn và cũng là mong đợi rất lớn của ông tại diễn đàn là làm sao huy động được tiềm lực của Việt kiều về xây dựng đất nước. Theo ông Hiệp, tiềm năng của người Việt Nam ở nước ngoài là rất lớn: Lượng kiều hối gửi về trong nước qua du lịch hoặc về thăm gia đình khoảng 7 tỷ USD/năm; trong số khoảng 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, rất nhiều người là trí thức, chuyên gia làm nghề tự do rất thành công, sau 30-40 năm công tác đã có tích lũy cá nhân rất lớn, từ 400.000 đến 1 triệu đô la.

Đất mẹ đang tạo mọi điều kiện cho Việt kiều…

Đến tham dự diễn đàn, các doanh nhân, trí thức Việt kiều cũng bày tỏ những ý kiến và băn khoăn của mình. Ông Phan Nam rất mong Chính phủ Việt Nam tiếp tục giải quyết các vấn đề mà các doanh nhân Việt kiều quan tâm, như cải cách thủ tục hành chính, quyền được mua nhà ở tại Việt Nam…

Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, ông Lê Kinh Tài khẳng định: “Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, tình hình chính trị - xã hội ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam được đã được cải thiện đáng kể. Những thành tựu kinh tế đạt được, một phần có sự đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nhân Việt kiều.

Việt Nam luôn coi đầu tư nước ngoài như một bộ phận cấu thành của nền kinh tế cần được khuyến khích phát triển và được đối xử công bằng như các thành phần kinh tế khác. Việt Nam cũng coi Việt kiều là một phần không thể tách rời của đại gia đình Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để cụ thể hóa điều này”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn thì nhấn mạnh, việc liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt kiều làm ăn khắp năm châu nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh canh quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam ở các nước… Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn khẳng định: “Với chính sách đại đoàn kết dân tộc và mở cửa hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang ra sức phấn đấu đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2010 và cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện dại vào năm 2020, nhằm mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Những nhiệm vụ cao cả đó đang đòi hỏi và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân, trí thức, nhà kinh tế, chuyên gia khoa học - công nghệ người Việt ở nước ngoài phát triển tài năng, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần xây dựng đất nước”.

Đây là lần đầu tiên các doanh nhân Việt Nam trên toàn thế giới có dịp gặp gỡ. Các nhà tổ chức hy vọng diễn dàn sẽ được tổ chức hằng năm nhằm tăng cường giao lưu và quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Tại diễn đàn lần này, các bàn tròn chuyên đề cũng được tổ chức với nhiều chủ đề thời sự khác nhau như: Những cơ hội của thị trường Việt Nam sau khi gia nhập WTO; kinh nghiệm thành công của các ngân hàng và công ty bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam; nhu cầu của thị trường Việt Nam; những thách thức liên quan đến cơ sở hạ tầng, việc xử lý nguồn nước và môi trường ở Việt Nam…

Hà Vy

sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Nói chung là: Tránh voi... (16/11/2008)

>   Môi giới gặp nạn  (16/11/2008)

>   Tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất kính (16/11/2008)

>   33.497 ha đất cho đô thị cảng-công nghiệp Phú Mỹ (16/11/2008)

>   Nhập siêu có nguy cơ tăng tiếp (16/11/2008)

>   Xuất khẩu giày dép sẽ chạm ngưỡng 4,5 tỷ USD (16/11/2008)

>   Nhiều nước muốn hợp tác khai thác, chế biến titan với Việt Nam (16/11/2008)

>   Tản mạn chuyện thuế bia và uống bia (15/11/2008)

>   Quy hoạch trung tâm TPHCM dưới góc nhìn toàn cục (15/11/2008)

>   EU hỗ trợ Việt Nam thực thi những cam kết WTO (15/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật